Vì sao có câu 'một cây hòe trước nhà không chiêu của báu cũng chiêu tiền bạc'?

Các cụ ngày xưa có câu 'một cây hòe trước nhà không chiêu của báu cũng chiêu tiền bạc', điều này xuất phát từ ý nghĩa phong thủy của cây hòe.

Cây hòe có tên khoa học là Styphnolobium japonicum (L.) Schott, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Là loại thân gỗ, cây hòe trưởng thành có thể cao tới 15m. Cây có nụ màu vàng, khi nở thành hoa chuyển sang màu trắng ngà. Hoa hòe thường nở thành chùm, có hương thơm, vị đắng.

Hoa hòe có màu trắng ngà, nở từng chùm, có hương thơm dễ chịu. (Ảnh: Povo)

Hoa hòe có màu trắng ngà, nở từng chùm, có hương thơm dễ chịu. (Ảnh: Povo)

Ý nghĩa phong thủy của việc trồng cây hòe trước nhà

Người xưa có câu: "Một cây hòe trước nhà không chiêu của báu cũng chiêu tiền bạc", với ý nghĩa coi cây hòe là loại cây mang lại may mắn, tài lộc, nên được trồng trước nhà. Vì sao lại có quan niệm này?

Tương truyền vào đời Chu ở Trung Quốc, ngoài cung đình có trồng 3 cây hòe, khi tam công vào chầu thiên tử thường đứng quay mặt hướng về cây hòe, vì thế người sau coi cây hòa là đại diện cho Tam công (tức 3 chức quan cao nhất trong triều đình; thời nhà Chu là Thái sư, Thái phó, Thái bảo; thời Tây Hán là Thừa tướng, Thái úy và Ngự sử đại phu, sau sửa thành Đại tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không...).

Vương Hựu đời Tống từng trồng 3 cây hòe trong sân, nói rằng: "Con cháu của ta tất sẽ có người làm đến tam công". Quả nhiên một người con của ông là Đán nhậm chức này. Do đó, nhiều nhà trồng cây hòe trước nhà mong con cháu đỗ đạt, thành danh, làm quan to trong triều.

Hoa hòe nở theo chùm, thế nên khi hoa nở rộ, người ta tin rằng gia đình sẽ nhận được nhiều may mắn, phúc lộc hơn.

Ý nghĩa phong thủy của hoa hòe: Tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, tài lộc. (Ảnh: Cambridge University Botanic Garden)

Ý nghĩa phong thủy của hoa hòe: Tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, tài lộc. (Ảnh: Cambridge University Botanic Garden)

Ngoài ra, cây hòe cũng mang nghĩa cầu lộc con cái. Nhiều phụ nữ xưa khi bị hiếm muộn hoặc không may mắn trong đường con cái, thường ăn hạt hòe và đứng dưới gốc cây cầu nguyện. Truyện Kiều có câu viết về cuộc đời viên mãn của Thúy Vân: "Một cây cù mộc, một sân quế hòe", chỉ việc Thúy Vân đông con cái.

Những lợi ích từ việc trồng cây hòe

Ngoài ý nghĩa phong thủy, cho bóng mát, cây hòe còn được xem là dược liệu quý, vì hoa của nó giúp làm mát cơ thể và chữa được nhiều bệnh.

Theo y học cổ truyền phương đông, hoa hòe tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, an thần, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, đặc biệt là người cao tuổi.

Các nghiên cứu hiện đại cũng chứng minh chiết xuất từ nụ hoa hòe có công dụng bảo vệ, cải thiện chức năng của tim, đồng thời thúc đẩy các mạch máu khỏe mạnh và hệ tim mạch tổng thể, làm giảm và ổn định huyết áp, từ đó giúp phòng ngừa các biến chứng của huyết áp cao như vữa xơ động mạch, tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim.

Các chất có trong loài hoa này góp phần làm giảm mỡ tmáu, kiểm soát quá trình trao đổi chất, giảm hiện tượng bám dính của các chất béo trong mô gan.

Do có nhiều tác dụng tốt nên nụ hòe và hoa hòe được nhiều người tìm mua. Có thời điểm, mỗi kg nụ hoa hòe khô có giá khoảng 80.000 đồng/kg.

Cách trồng cây hòe

Cây hòe khá dễ trồng nên có thể được trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành. Thời gian trồng hòe dễ nhất chính là tháng 12 đến tháng 2 Âm lịch, nên chọn những hoa có chùm lớn, nhiều hoa được gọi là hòe nếp.

Cây hòe có rễ cọc, chịu hạn tốt. Khi cây cao khoảng 1,2 - 1,5m, cần ngắt ngọn chính để cây ra nhiều cành. Cây hòe càng nhiều cành thì càng nhiều hoa.

Trồng khoảng 2 - 3 năm, cây hòe sẽ ra nụ và hoa. Khi nụ đã cương to sắp bung hoa thì nên ngắt. Nếu ngắt non hoặc hoa đã nở thì hiệu quả sẽ giảm. Sau khi đã ngắt chùm hoa hòe, cần loại bỏ lá và cuống hoa, đem phơi khô là có thể đem đi bán hoặc sử dụng.

Minh Hương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-co-cau-mot-cay-hoe-truoc-nha-khong-chieu-cua-bau-cung-chieu-tien-bac-ar920050.html
Zalo