Vì sao chọn tên Đà Nẵng và đặt trung tâm hành chính tại đây sau sáp nhập với Quảng Nam

Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng nêu rõ lý do vì sao chọn tên Đà Nẵng để đặt cho TP mới và đặt Trung tâm chính trị - hành chính tại TP Đà Nẵng hiện nay.

Sáng 26-4, HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết tán thành chủ trương sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng với tên gọi là TP Đà Nẵng, Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Đà Nẵng hiện nay.

Vậy vì sao chọn tên Đà Nẵng sau sáp nhập và đặt Trung tâm chính trị - hành chính tại TP Đà Nẵng hiện nay? Đề án hợp nhất hai địa phương đã lý giải rõ việc này.

Theo đó, việc đề xuất lựa chọn tên gọi thực hiện đúng nguyên tắc điều 7 Nghị quyết 76/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định 759/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

 Theo đề án, Trung tâm chính trị - hành chính của TP Đà Nẵng mới sẽ đặt tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng hiện nay. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo đề án, Trung tâm chính trị - hành chính của TP Đà Nẵng mới sẽ đặt tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng hiện nay. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng là một trong sáu TP trực thuộc Trung ương, có tính thương hiệu cao; là đô thị năng động, hiện đại, văn minh, vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch hàng đầu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Việc chọn tên Đà Nẵng góp phần khẳng định rõ hơn tầm vóc, vai trò hạt nhân của TP, tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục thu hút đầu tư, nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập.

TP Đà Nẵng đã khẳng định được thương hiệu du lịch quốc gia, với các danh lam thắng cảnh, bãi biển nổi tiếng. Việc chọn tên Đà Nẵng sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng du lịch và dịch vụ, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế của khu vực.

Việc lựa chọn tên TP mới là một trong hai tên gọi đã tồn tại trước khi sáp nhập là giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các phát sinh đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính liên quan.

Về lý do đề xuất lựa chọn Trung tâm chính trị - hành chính tại TP Đà Nẵng hiện nay cũng thực hiện đúng theo nguyên tắc tại Quyết định 759/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Đà Nẵng từng là Trung tâm chính trị - hành chính trong lịch sử. Nơi đây có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với hệ thống bến cảng, đường sắt, đường bộ, sân bay kết nối với các vùng và hội nhập quốc tế.

Đà Nẵng là TP trực thuộc Trung ương, có hạ tầng hành chính đồng bộ, hạ tầng đô thị hiện đại, phát triển. Là đô thị loại I, Đà Nẵng có vị trí chiến lược nằm ở trung tâm miền Trung.

Đà Nẵng đáp ứng các điều kiện về quy hoạch và mở rộng không gian phát triển đô thị trong tương lai. Đà Nẵng được quy hoạch theo hướng phát triển thành một đô thị lớn, sinh thái, thông minh và bền vững, có vị thế ngang tầm quốc tế.

Mục tiêu quy hoạch đặt ra là xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước, đóng vai trò kết nối với mạng lưới đô thị trong khu vực và thế giới.

Việc chọn TP Đà Nẵng hiện nay đặt Trung tâm chính trị - hành chính của TP mới sẽ tối ưu hóa các cơ hội phát triển, kết nối các khu vực trong TP mới và nâng cao khả năng cạnh tranh của TP mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Lịch sử “tuy hai mà một” của Quảng Nam – Đà Nẵng

Năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng, Quảng Nam chính thức trở thành tỉnh. Năm 1888, dưới triều vua Thành Thái, Đà Nẵng được tách khỏi Quảng Nam để trở thành đất nhượng địa của thực dân Pháp.

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, TP Đà Nẵng là một đơn vị hành chính độc lập; buổi đầu mang tên Thái Phiên, sau trở lại với tên Đà Nẵng. Tháng 3-1952, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được sáp nhập lại.

Tháng 10-1962, Liên khu V quyết định chia tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1964, TP Đà Nẵng được tách khỏi tỉnh Quảng Nam.

Tháng 11-1967, Khu ủy V ra quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà, sau đó lại đổi tên thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày 6-11-1996, Quốc hội quyết định chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. TP Đà Nẵng chính thức trực thuộc Trung ương từ ngày 1-1-1997.

Tấn Việt

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-chon-ten-da-nang-va-dat-trung-tam-hanh-chinh-tai-day-sau-sap-nhap-voi-quang-nam-post846674.html
Zalo