Vì sao Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025?

Chiều 7-12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đã lý giải vì sao Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Về tăng trưởng tín dụng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, kết quả kinh tế vĩ mô năm 2024 tích cực, tăng trưởng tín dụng cũng hòa đồng với nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, bảo đảm kiềm chế lạm phát đạt mục tiêu mà Quốc hội giao.

Tính đến 29-11, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,9% và đến ngày 7-12, đã đạt được 12,5%. Con số này so với cùng kỳ 2023 là khá tích cực (thời điểm này năm ngoái mới tăng được 9%). Tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 15,3 triệu tỷ đồng; huy động vốn cũng đã đạt được khoảng 14,8 triệu tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đầu năm đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, nếu không có bão số 3 thì kết quả đạt sẽ cao hơn.

 Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thống đốc cho rằng, sự điều hành tích cực, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ kinh tế ngành đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ có sự hài hòa giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Lãi suất cho vay giảm (tính đến thời điểm hiện nay so với đầu năm lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96%), giúp cho các doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực vay vốn hơn… Ngân hàng Nhà nước cũng tháo gỡ nhiều khó khăn trong thủ tục, quy định và đặc biệt là có cơ chế giãn hoãn nợ sau cơn bão số 3.

Có thể thấy, những chính sách này trong năm 2024 đã thực sự phát huy hiệu quả và được các doanh nghiệp đón nhận tích cực, hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng. Tín dụng cho bất động sản, chứng khoán mặc dù vẫn kiểm soát chặt rủi ro nhưng tạo điều kiện cho 2 lĩnh vực này khởi sắc hơn.

“Con số tăng trưởng tín dụng 15% là định hướng điều hành, không phải có con số pháp luật. Thời gian cuối năm bao giờ tốc độ giải ngân cũng nhanh hơn, do đó có thể đạt 15%”, ông Đào Minh Tú nói.

 Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: QUANG PHÚC

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: QUANG PHÚC

Về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 cũng như phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025 liệu có quá sức không, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, chỉ còn chưa đầy 1 tháng là hết năm, do đó cần tăng tốc các giải pháp đã đề ra từ đầu năm, phải thực hiện với cường độ cao nhất để đạt mục tiêu năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 15% là một trong những yếu tố quan trọng để đạt các mục tiêu năm nay.

Theo Thứ trưởng, nếu từ nay đến cuối năm không có gì bất thường xảy ra (thiên tai, tác động tiêu cực từ bên ngoài…) thì có thể đạt tăng trưởng khoảng hơn 7% (tăng GDP quý 4 đạt khoảng 7,4 - 7,6%, cả năm 2024 đạt trên 7%). Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu khá tốt, các nhà đầu tư và các chuyên gia nước ngoài đều đánh giá khi thị trường đầu tư thế giới ảm đạm thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại rất tốt.

 Quang cảnh họp báo Chính phủ chiều 7-12. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh họp báo Chính phủ chiều 7-12. Ảnh: QUANG PHÚC

Đầu tư trong nước cũng tích cực, những tháng gần đây cho thấy số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng trở lại. Bên cạnh đó, tiêu dùng hàng hóa cũng có dấu hiệu tích cực dù chưa đạt như kỳ vọng, hy vọng tháng cuối cùng, với những ngày nghỉ tết dương lịch, dịp lễ Giáng sinh sẽ tăng sức chi tiêu. Cùng với đó, khách du lịch quốc tế tăng cao trở lại (du lịch phục hồi mạnh, khách quốc tế tháng 11 đạt 1,7 triệu lượt, tăng 38,8% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 15,8 triệu lượt, tăng 41%)...

Trên cơ sở đà tăng trưởng 2024, năm 2025, hiện nay Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%, cố gắng phấn đấu để đạt 7-7,5%. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh dạn đặt mục tiêu 8% cho năm 2025.

“Chúng ta có cơ sở để đề ra mục tiêu này, bởi lẽ sự tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024 có thể dẫn thêm vào năm 2025, năm cuối cùng của kế hoạch năm 2021- 2025. Đồng thời có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 với nhiều luật được thông qua nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có mức đầu tư hàng tỷ USD

Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nghiên cứu phát triển dự án điện hạt nhân.

Về tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công thương đã nghiên cứu, rà soát, báo cáo lên Chính phủ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở được sự đồng ý về mặt chủ trương của Trung ương và gần đây Quốc hội cũng đã thống nhất nội dung này. Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành có liên quan và Bộ Công thương chủ trì nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ.

Về cơ sở pháp lý, hoàn thiện thể chế, Quốc hội vừa thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), có nội dung về năng lượng hạt nhân; tới đây Chính phủ sửa Luật Năng lượng nguyên tử, do đó hành lang pháp lý sẽ đầy đủ cho việc xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận (về các vấn đề công nghệ, an toàn về điện hạt nhân, đầu tư, xây dựng, an toàn, môi trường… ).

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ cũng tham mưu Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Chính phủ về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban; phó trưởng ban là Phó Thủ tướng và các thành viên là tổ công tác, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học trong phát triển điện hạt nhân. Tổ trưởng tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Công thương.

Bộ cũng sẽ tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư dự án, đây là chủ thể quan trọng gắn với triển khai, đề xuất, nghiên cứu, xây dựng và vận hành dự án. Về mặt bằng, đề nghị địa phương sớm chuẩn bị mặt bằng sạch, tạo sự đồng thuận của người dân địa phương, tạo thuận lợi nhất trong quá trình triển khai.

Về tổng mức đầu tư, chưa có tính toán cụ thể, nhưng chắc chắn phải hàng tỷ USD, phụ thuộc quy mô, công nghệ lựa chọn, đòi hỏi yêu cầu an toàn cho dự án.

Thứ trưởng cho biết, tái khởi động điện hạt nhân, thuận lợi là dự án tiếp nối sự chuẩn bị trước đó, cơ bản hiện nay đã đạt được sự đồng thuận rất cao. Khó khăn là cần phải tiếp tục nghiên cứu các khuyến cáo về lựa chọn công nghệ, vấn đề an toàn, nhất là nguy cơ có thể xảy ra sự cố… Tuy nhiên, hiện nay công nghệ điện hạt nhân rất tiên tiến, đảm bảo an toàn, do đó ông tin tưởng những vấn đề trên sẽ bảo đảm.

Về lợi ích, điện hạt nhân sẽ tạo được năng lượng nền, xanh, sạch, trong xu thế phát triển năng lượng xanh, tái tạo, thì điện hạt nhân là điều kiện tốt để bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng tiêu chuẩn kép; đáp ứng được nhu cầu năng lượng, cho cả xuất khẩu. Dự án cũng tạo động lực và nền tảng cho phát triển khoa học công nghệ cao, đặc biệt là khoa học nguyên tử, từ đó thúc đẩy nền công nghiệp và nhân lực chất lượng cao…

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-sao-chinh-phu-phan-dau-dat-tang-truong-8-trong-nam-2025-post771908.html
Zalo