Vì sao cầu thủ Việt Nam không thành công ở Nhật Bản?
8 cầu thủ Việt Nam đã sang Nhật Bản thi đấu, từ J.League 3 cho tới J.League 1. Song ngoại trừ Lê Công Vinh tạo được ít nhiều dấu ấn, 7 gương mặt còn lại đều thất bại tại đất nước xứ sở hoa anh đào.
Hiểu nhầm về J.League
Hơn 10 năm qua, khái niệm cầu thủ Việt Nam xuất ngoại đi từ mơ hồ đến rõ rệt. Lê Công Vinh có thể xem là một trong những người mở đường cho việc rời V.League để thử thách bản thân ở môi trường nước ngoài. Consadole Sapporo (Nhật Bản) trở thành CLB nước ngoài thứ 2 trong sự nghiệp quần đùi áo số của Công Vinh, sau Leixoes (Bồ Đào Nha).
“Người Nhật không biết gì về Lê Công Vinh cả”, anh Higuchi Takeshiro – một CĐV Nhật Bản có 15 năm sinh sống và theo dõi bóng đá Việt Nam chia sẻ về thời điểm ấy. “Cá nhân tôi cũng phải lên mạng tìm hiểu và được biết, Công Vinh là một cầu thủ rất giỏi của bóng đá Việt Nam. Bản thân anh ấy cũng tạo được dấu ấn nhất định trong khoảng thời gian ngắn hạn thi đấu tại Sapporo”.
Tuy nhiên, Công Vinh chỉ là điểm sáng hiếm hoi trong một bức tranh không màu hồng cho cầu thủ Việt Nam khi lựa chọn Nhật Bản. Đồng ý với 8 cái tên sang J.League 1, 2 và 3, bao gồm cả Công Vinh thì Nhật Bản là nền bóng đá thu hút được sự quan tâm lớn nhất của cầu thủ Việt Nam.
“Những cầu thủ như Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Lâm cùng một vài gương mặt khác đã đến Nhật Bản nhưng không thành công. Trước tiên tôi cũng phải cắt nghĩa rõ hơn về bóng đá Nhật Bản nói chung và J.League 1, 2 nói riêng. Hầu hết mọi người đều đang hiểu nhầm về J.League. Quan điểm giải bóng đá Nhật Bản thiên về kỹ thuật, không chú trọng thể lực là một sai lầm lớn. Ngược lại, cầu thủ ở giải đấu này chạy rất nhiều và di chuyển nhiều”, anh Higuchi Takeshiro phân tích.
Anh nói thêm: “Bên cạnh đó, bóng đá Nhật Bản thường quy định một bộ kỹ năng rất rõ cho từng vị trí trên sân. Và họ luôn yêu cầu các vị trí phía sau tiền đạo cắm phải cực kỳ đa năng và linh hoạt vị trí. Công Phượng và Tuấn Anh vốn là tiền vệ và tiền đạo lùi. Họ không chỉ có nhiệm vụ tấn công mà còn phải sở hữu thêm các mảng miếng khác, từ phân phối bóng, tham gia phòng ngự, tranh chấp,… Khi một cầu thủ nước ngoài đến J.League không nhanh chóng làm quen và thích nghi với điều này, việc họ không thể đáp ứng yêu cầu của HLV trưởng sẽ kéo theo chuyện chẳng thể có tên trong danh sách ra sân.
Vậy nên với Tuấn Anh và Công Phượng, bên cạnh chuyện chưa thể quen với cuộc sống bóng đá ở Nhật Bản khi mới chân ướt chân ráo tới nơi đây thì vấn đề về thẩm thấu kỹ thuật, hiểu được ý đồ của HLV cùng khả năng chơi đa vị trí cũng chưa tốt lắm là những lý do kế tiếp”.

Công Phượng thất bại cả 2 lần khi thi đấu cho Mito Hollyhock và Yokohama FC.
Tại sao Thái Lan làm tốt hơn Việt Nam?
Trái ngược với sự trầy trật của Việt Nam ở môi trường Nhật Bản, Thái Lan lại xuất khẩu các ngôi sao thể hiện được mình ở những CLB hàng đầu xứ sở hoa anh đào. Theerathon Bunmathan thậm chí trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên vô địch J.League, khi anh nâng cao đĩa bạc với Yokohama F Marinos.
“Chúng ta biết Thái Lan có giải Thai League rất chất lượng ở Đông Nam Á. Phong cách bóng đá của Thái là chơi bóng ngắn, với các cầu thủ chủ động cầm bóng và phân phối bóng cũng như ban bậc nhỏ”, anh Higuchi Takeshiro đánh giá. “Điều này khác với Việt Nam, chúng ta vẫn chơi khá nhiều về thể lực. Tôi nghĩ đó là lý do lớn nhất khiến các cầu thủ Thái làm quen được ngay khi sang Nhật, bởi phong cách của họ rất giống nhau.
Đặc biệt Thái Lan có sự chuẩn bị rất tốt cho cầu thủ xuất ngoại, như về ngôn ngữ. Triết lý chơi bóng của họ rất gần với Nhật Bản nên khi sang J.League 1 hay 2, cầu thủ Thái Lan hiểu ngay HLV nói gì; các đồng đội mong muốn mình làm gì, di chuyển như thế nào. Chính vì thế Thái Lan có những cầu thủ rất xuất sắc như Chanathip hay Theerathon gặt hái thành công ở J.League”.
Cũng theo anh Higuchi Takeshiro, cầu thủ Việt Nam nên đặt cái tôi của bản thân sang một bên để chọn một giải đấu tầm thấp của Nhật Bản. “J.League 1 và 2 sẽ khá khác so với J.League 3. Giải hạng 3 Hàn Quốc vẫn áp dụng phong cách chơi bóng thiên về sức mạnh, chơi bóng dài thay vì bóng ngắn. Đây có thể là môi trường phù hợp cho bóng đá Việt Nam. Với những khó khăn trong việc thích nghi ở J.League 1 và 2 thì chuyện thi đấu trước cho J.League 3 sẽ là lựa chọn an toàn. Bản thân cầu thủ Thái Lan và Indonesia chưa thành danh cũng đã thi đấu tại J.League 3. Họ quyết định đi từng bước một hướng đến tham vọng cao hơn trong tương lai. Vậy tại sao, cầu thủ Việt Nam lại không nên thử?”.
Anh Higuchi Takeshiro khép lại: “Việt Nam có 4 cái tên nổi bật là Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh và Đình Bắc. Đây là những gương mặt triển vọng có thể chơi ở Nhật Bản. Đình Bắc đã ghi một bàn vào lưới của đội tuyển đâá́t nước chúng tôi. Anh ấy còn rất trẻ, nên việc được chơi J-League là hoàn toàn khả thi. Thời gian vừa rồi, tôi có để ý Lê Huy Việt Anh trong U17 Việt Nam. Đây là một cầu thủ khá triển vọng. Bên cạnh đó còn có cả Lê Đình Long Vũ, cầu thủ đã thể hiện được mình ở U17 Việt Nam 2 năm trước”.
ĐT Việt Nam đã “khó chịu” hơn trong mắt Nhật Bản
Có thể, cá nhân các cầu thủ Việt Nam chưa thành công ở J.League. Song khi kết hợp thành một khối thống nhất, ĐT Việt Nam lại rất khó bị đánh bại. ĐT Nhật Bản cũng hiểu rõ điều này, dựa trên những màn so tài gần đây.
“Phải thừa nhận rằng trình độ của bóng đá Đông Nam Á đã tăng lên rất nhiều so với quá khứ. Cách đây khoảng 10, 15 năm, khi một đội bóng Nhật gặp đội Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia, việc những đội kể trên trở thành “rổ đựng bóng” hết sức bình thường.
Nhưng gần đây, các đội Nhật Bản chỉ thắng cách biệt 1, 2 bàn. Điều này có nhiều lý do khách quan và chủ quan. Song phải thừa nhận là trình độ bóng đá Đông Nam Á đã tăng lên đáng kể. Việt Nam hay Thái Lan đều đã tìm cách để “bắt bài” Nhật Bản trong một số thời điểm thi đấu!