Vì sao Bộ Giáo dục & Đào tạo hạn chế ba đối tượng được dạy thêm?

Siết dạy thêm nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên 'kéo' học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống; Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Về lý do Bộ GD&ĐT hạn chế ba đối tượng được dạy thêm trong nhà trường và không được thu tiền của học sinh, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, dạy thêm học thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt thực tế, chúng tôi thấy rằng, cũng có bộ phận học sinh có nhu cầu và tự nguyện học thêm nhưng cũng có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh đi học thêm vì không muốn bị lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô, hay chỉ để làm quen với một dạng bài kiểm tra. Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả.

Bộ Giáo dục cấm giáo viên thu tiền dạy thêm học sinh chính khóa. Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục cấm giáo viên thu tiền dạy thêm học sinh chính khóa. Ảnh minh họa

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, điểm mới trong thông tư lần này là Bộ GD&ĐT quy định ba đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh, gồm: học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.

Về nguyên nhân, thứ nhất là do với chương trình đó, đội ngũ đó nhưng vẫn còn có học sinh chưa đạt thì nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm (hay còn gọi là phụ đạo kiến thức).

Thứ hai, là dạy thêm cho đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi. Số này không nhiều và không phải một học sinh được lựa chọn ở tất cả các môn học cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường.

Thứ ba, là học sinh lớp 9, lớp 12 ôn thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp được học thêm trong trường học. Tuy nhiên, việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp phải nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, do nhà trường chủ động quyết định, sắp xếp, bố trí và không được thu tiền của học sinh.

Với quy định này, thay vì "kêu" vướng, các trường có thể sắp xếp giáo viên phụ trách các môn học một cách hợp lý để dành cho việc ôn thi, giúp các em củng cố, tổng hợp lại kiến thức. Với bất kỳ đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/tuần. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung được học trên lớp, tránh tình trạng học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.

Ngoài ba nhóm đối tượng trên, sau giờ học, để tránh việc dạy thêm, học thêm tràn lan, các trường cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… để các em học sinh nhiệt tình tham gia. Tôi tin rằng, những người làm nghề, tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ sẽ thấy điều này là vô cùng cần thiết. Phụ huynh và xã hội cần hướng tới điều đó, để giúp học sinh không học thêm quá nhiều.

Thông tư 29 cò quy định một số nội dung quan trọng đó là: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Theo ông Thành, quy định đó nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên "kéo" học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

"Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, em nào có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện của bản thân. Khi đó, phụ huynh, học sinh sẽ tìm hiểu, cân nhắc việc học thêm mang lại giá trị gì, có giúp tiến bộ hơn, hiểu sâu sắc vấn đề hay không.

Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng, do đó Bộ GD&ĐT không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ… Khi đó, nơi nào khiến học sinh, phụ huynh tin tưởng, đáp ứng được yêu cầu thì học sinh, phụ huynh sẽ lựa chọn.

Quy định là như vậy nhưng để hiệu quả cần phải có cơ chế giám sát và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thông tư đã quy định kỹ trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát", Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-bo-giao-duc-dao-tao-han-che-ba-doi-tuong-duoc-day-them-169250109154553038.htm
Zalo