Vị quan nghè họ Phạm ở Nam Sách hết lòng phụng sự quê hương
Dù được triều đình ban nhiều bổng lộc nhưng quan nghè Phạm Đồng Viện không giữ cho riêng mình mà góp phần xây dựng quê hương.

Đình La Đôi ở xã Hợp Tiến (Nam Sách), nơi thờ Tiến sĩ Phạm Đồng Viện
Theo "Phạm tộc gia phả" và các nguồn tư liệu lịch sử, Phạm Đồng Viện sinh năm 1717 trong một gia đình trung lưu có truyền thống hiếu học tại xã La Đôi, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thôn La Đôi, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, Hải Dương).
Thuở nhỏ, ông thông minh, tháo vát, theo học các thầy đồ trong vùng, trong đó có tiến sĩ Trần Tiến ở làng Điền Trì (nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách). Năm 50 tuổi, ông đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766). Sau đó, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Hàn lâm Thị giảng, Đông các Đại học sĩ, Đốc trấn Lạng Sơn, Khâm sai tiếp sứ. Sau khi về trí sĩ, ông đổi tên là Phạm Đình Toại.
Trong những năm làm quan, ông luôn giữ phẩm chất thanh liêm, chính trực, trung với vua, hiếu với dân nên được triều đình và nhân dân kính trọng. Năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786), ông được nhà vua ban tặng sắc phong và bốn đôi câu đối, trong đó có câu:
"Vẫn truất bảng khoa nho thạc võng/ Trùng khai trú cẩm sĩ hoàn nguyên"
Tạm dịch:
"Tuổi cao thi đỗ khoa bảng vẫn là niềm hy vọng lớn/ Công việc làm quan nhiều tốt đẹp thành vẻ vang"
Do có nhiều công lao đối với triều đình, ông được vua ban nhiều bổng lộc như tiền bạc, gỗ lim, ruộng đất. Tuy nhiên, ông không giữ cho riêng mình mà dành phần lớn để xây dựng quê hương, giúp đỡ dân nghèo.
Theo văn bia "Vạn cổ linh phương - Phụng thần bi ký" tại đình La Đôi, ông đã bỏ tiền, góp gỗ lim, chọn đất tốt để xây đình làng, đồng thời cấp phát lương thực cứu đói cho dân. Ngoài ra, ông còn tổ chức làm quán, bắc cầu, đào giếng, lập chợ và soạn một số văn bia như "Hậu thần bi ký" tại đình xã Kinh Dương, tổng La Đôi, phủ Nam Sách.
Ông mất ngày 9/4/1787 (năm Đinh Mùi), mộ táng tại gò Cổ Bồng (nay thuộc cánh đồng Sung).
Ghi nhận công lao to lớn của ông đối với quê hương, nhân dân La Đôi đã suy tôn ông là Phúc thần và phối thờ tại đình làng cùng hai vị Thành hoàng La Tuyên và La Thành. Ngoài ra, ông còn được thờ tại từ đường họ Phạm cùng các vị thủy tổ của dòng họ. Từ đường được xây dựng năm 1907, trùng tu năm 1986 và những năm gần đây. Hiện nay, công trình được bảo tồn khang trang với kiến trúc kiểu chữ Nhị (二), gồm ba gian tiền tế và ba gian hậu cung. Nhà thờ họ Phạm còn lưu giữ hai tấm bia gia phả quý giá.
Đình La Đôi - nơi thờ Phạm Đồng Viện có nguồn gốc từ một ngôi miếu khởi dựng vào thế kỷ VI. Đến giữa thế kỷ XVIII, khi ông về trí sĩ, vua ban tặng một bè gỗ lim để xây dựng tư dinh, nhưng ông đã cung tiến cho dân làng để kiến thiết đình làng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình bị phá hủy một phần. Đến năm 1960, di tích bị hạ giải hoàn toàn, đất bị bỏ hoang và sau đó được chia cho nhân dân làm đất ở. Năm 1991, đình La Đôi được phục dựng và tiếp tục trùng tu vào năm 2002, bảo tồn kiến trúc như hiện nay.
Hằng năm, lễ hội đình La Đôi diễn ra từ ngày 12 - 14 tháng hai âm lịch. Điểm nhấn đặc sắc nhất của lễ hội là lễ rước văn từ đình đến từ đường họ Phạm - nơi thờ tiến sĩ Phạm Đồng Viện, mời ngài về dự hội. Sau đó, đại diện dòng họ Phạm (thường là ông trưởng họ) giao văn tế, bái đặt vào long đình và tiến hành rước về đình. Ngoài ra, dân làng còn tổ chức lễ hóa nhật quan Phạm Đồng Viện vào ngày 9/4, do hương lão trong thôn cùng dòng tộc thực hiện.
Đình La Đôi được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2022, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của người dân địa phương.