Vi phạm nồng độ cồn, hơn 2.700 ô tô, xe máy ở Hà Nội bị tạm giữ trong 1 tháng
Trong một tháng, CSGT Hà Nội xử lý 2.767 trường hợp điều khiển ô tô, xe máy vi phạm lỗi về nồng độ cồn. Trong số này, 54 tài xế vi phạm là người điều khiển xe ô tô.
Hơn 98% vi phạm nồng độ cồn là tài xế xe máy
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội cho biết, từ ngày 15/8 đến nay, các tổ công tác đã thường xuyên triển khai kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Đồng thời triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Kết quả trong một tháng qua, CSGT Hà Nội đã xử lý 2.767 trường hợp điều khiển xe ô tô, xe máy vi phạm lỗi về nồng độ cồn. Trong số này, 54 tài xế vi phạm là người điều khiển xe ô tô. Tổng số tiền cơ quan chức năng xử phạt hành chính là trên 13,2 tỷ đồng.
"CSGT các đơn vị tạm giữ toàn bộ số phương tiện ô tô, mô tô và xe máy cùng phương tiện khác đối với trường hợp người điều khiển vi phạm nồng độ cồn", CSGT Hà Nội nói và cho biết, lực lượng chức năng tước 769 bằng lái xe các loại.
Xác minh người vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức
Một cán bộ Đội CSGT đường bộ số 3 nhấn mạnh, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về giao thông sẽ được lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc với tinh thần "thượng tôn pháp luật", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Đặc biệt, quá trình xử lý người vi phạm lỗi này, các tổ công tác còn tiến hành xác minh, nếu cá nhân đó là cán bộ, công chức, viên chức thì CSGT thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Ngày 17/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 35/CT-TTg về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu, khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định.
Việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và định kỳ hàng năm (trước ngày 15/10) trao đổi kết quả xử lý kỷ luật với cơ quan gửi thông báo vi phạm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Đặc biệt, lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông.