Vi phạm giảm 1/3 sau ba tháng thực hiện Nghị định 168

Sau ba tháng thực hiện Nghị định 168 (từ ngày 1/1-31/3/2025), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 728.000, xử phạt giảm 1/3 so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong số 728.818 trường hợp vi phạm TTATGT, có gần 150.000 vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ là gần 170.000. Cả hai hành vi được đánh giá là có mức độ nguy hiểm lớn đối với người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác đều giảm so với cùng kỳ, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân.

Lực lượng CSGT đã tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 50.973 trường hợp; 75.202 GPLX bị trừ điểm; tạm giữ 203.341 phương tiện (3791 ô tô, 192.570 mô tô, 6.980 phương tiện khác); so với cùng kỳ, xử phạt giảm 341.519 trường hợp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện xử lý gần 1000 trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng hơn 10.600 trường hợp, không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông là hơn 9.100 trường hợp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tình hình TNGT có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể: toàn quốc xảy ra 4.440 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 2.446 người, bị thương 3.026 người; so với cùng kỳ năm 2024 giảm 1.821 vụ (-29,09%), giảm 245 người chết (-3,91%), giảm 1.864 người bị thương (-29,77%).

Tuy nhiên, thời gian gầy đây xuất hiện tình trạng “nhờn luật”, một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông có dấu hiệu không chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT, mặc dù đã biết các chế tài xử phạt đã được tăng nặng theo Nghị định 168. Để chấn chỉnh hình thành thói quen tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông; việc xử lý vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” từ đó tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông “văn minh”, “hiện đại” và “an toàn”; vận hành, khai thác, điều khiển đèn tín hiệu giao thông nhằm phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa giải quyết ùn tắc giao thông; quản lý việc sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cho người dân được nhanh chóng từ cấp cơ sở.

Sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát giao thông.

Sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát giao thông.

Tại Hà Nội, giai đoạn 2025-2030 và sau 2030, thành phố sẽ triển khai hơn 40.000 camera giám sát, trong đó gần 24.000 camera phục vụ giám sát an ninh, trật tự và xử lý vi phạm. Ngoài ra, hơn 16.000 camera sẽ được sử dụng để phục vụ quản lý Nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường và trật tự đô thị. Những camera này sẽ được lắp đặt tại các nút giao thông quan trọng, đường cao tốc, khu vực xây dựng... để giám sát tình hình giao thông và xử phạt vi phạm.

Diệu Phú

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vi-pham-giam-1-3-sau-ba-thang-thuc-hien-nghi-dinh-168-318955.htm
Zalo