'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'

Hưởng ứng phong trào thi đua (PTTĐ) 'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau', thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Tích cực hỗ trợ người nghèo

Nằm khuất sâu trong con đường nhỏ thuộc ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, tỉnh Long An, căn nhà tình thương của bà Trần Thị Mừng được bàn giao những ngày cận Tết Nguyên đán vừa qua giúp gia đình có nơi "an cư, lạc nghiệp". Rửa vội đôi tay còn lấm lem bùn đất, giọng bà Mừng nghẹn ngào: “Sống đến gần hết đời người, tôi mới có căn nhà kiên cố che nắng, che mưa. Tôi nuôi 2 cháu nhỏ, trong khi bản thân già yếu, thu nhập không ổn định, bán hàng rong sống qua ngày. Căn nhà cấp 4 nhỏ, xây từ rất lâu, xuống cấp nặng nhưng tôi không có khả năng sửa chữa. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đơn vị tài trợ, tôi có căn nhà mơ ước. Tôi cảm ơn mọi người đã quan tâm đến cuộc sống của bà cháu tôi”.

Bà Trần Thị Mừng nhận quyết định bàn giao mái ấm tình thương

Bà Trần Thị Mừng nhận quyết định bàn giao mái ấm tình thương

Bà Mừng thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Trước hoàn cảnh khó khăn của bà, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tỉnh được sự hỗ trợ của Phó Chủ tịch Hội LHPNVN - Tôn Ngọc Hạnh vận động kinh phí 50 triệu đồng xây dựng mái ấm cho bà. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, Hội LHPNVN xã An Vĩnh Ngãi trao cho bà 26 triệu đồng để hoàn thiện thêm căn nhà. Theo bà Mừng, vì nhà nằm sâu trong đồng, đường sá đi lại khó khăn, gia đình đơn chiếc nên những ngày xây nhà, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, lực lượng dân quân,... ở xã đến hỗ trợ vận chuyển vật liệu xây dựng.

Chồng mất sớm, một mình chị Nguyễn Thị Quế (ấp 4, xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) tảo tần nuôi 5 người con ăn học. Cả nhà chị chen chúc trong căn nhà tạm. Do không có đất ở nên chính quyền địa phương chưa thể hỗ trợ kinh phí giúp chị xây dựng nhà tình thương. Vì vậy, vào những dịp lễ, tết hay khi có đoàn từ thiện về xã, gia đình chị thường xuyên nhận được quà, tiền. Chị Quế cho biết: “Ở xã biên giới nên tìm việc làm ổn định cũng khó. Tôi rất biết ơn và cảm động khi địa phương quan tâm giúp đỡ gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Lệ được hỗ trợ bò sinh sản từ Dự án Heifer

Bà Nguyễn Thị Lệ được hỗ trợ bò sinh sản từ Dự án Heifer

Xét thấy hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Lệ (ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) lớn tuổi lại nuôi 2 người cháu bị bệnh, Hội LHPNVN huyện hỗ trợ bà con bò sinh sản từ Dự án Heifer. Đến nay, con bò mẹ sinh được 3 con bò con và được bà chăm sóc tốt. Bà dự tính làm hồ sơ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế gia đình.

Kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo

Nhiều năm qua, tỉnh có các chính sách hỗ trợ để người dân có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, hưởng ứng PTTĐ “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Phong trào thật sự là động lực quan trọng mang lại những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo.

Thông tin từ Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, đây là một trong những PTTĐ sôi nổi, góp phần hỗ trợ những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,... Nổi bật trong phong trào này là nhiều mô hình giảm nghèo bền vững; giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo của các hội, đoàn thể cấp cơ sở. Những cán bộ làm công tác giảm nghèo tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm; sự đồng hành của tập thể, doanh nghiệp, mạnh thường quân,... cùng đóng góp kinh phí, công sức để giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Từ sự chung sức ấy, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm rõ rệt.

Đơn vị tài trợ trao bảng tượng trưng hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ huyện Bến Lức

Đơn vị tài trợ trao bảng tượng trưng hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ huyện Bến Lức

Thời gian qua, các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện hiệu quả PTTĐ. Nổi bật là tập trung vào các hoạt động, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn tùy điều kiện thực tiễn của địa phương đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo; bố trí và huy động tối đa nguồn lực nhằm giảm nghèo; gắn PTTĐ với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phát động Tháng cao điểm Ngày vì người nghèo; tổ chức các hoạt động hỗ trợ chăm lo tết cho người nghèo, xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương;...

Đặc biệt, chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, từ đó giúp công nhân có điều kiện ổn định cuộc sống.

Thông tin từ Tỉnh ủy, thực hiện chủ trương của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tỉnh trợ cấp, chăm lo cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hưu trí mất sức; người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn; đặc biệt là người nghèo, công nhân nghèo, người lao động bị mất việc, giảm việc, giảm giờ làm và các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội,... với tổng kinh phí từ ngân sách và vận động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên 130 tỉ đồng. Nhờ sự chung tay chăm lo của Đảng bộ, chính quyền và cả xã hội trong dịp Tết năm 2023, mọi nhà, mọi người trên địa bàn tỉnh đều được vui xuân, đón tết, bảo đảm tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vi-nguoi-ngheo-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-a151304.html
Zalo