Vì một thế giới hòa bình bền vững

Ngày 24/10/1945, Liên hợp quốc chính thức được thành lập, sau 79 năm phát triển, từ 51 quốc gia đầu tiên, đến nay, Liên hợp quốc đã quy tụ hơn 190 quốc gia thành viên và trở thành tổ chức lớn nhất của toàn cầu. Liên hợp quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột; hóa giải mâu thuẫn để kiến tạo cho thế giới một nền hòa bình lâu dài, ổn định. Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm và đóng góp tích cực cho hòa bình của nhân loại.

Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, 192 trên tổng số 193 phiếu. Ảnh: TL

Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, 192 trên tổng số 193 phiếu. Ảnh: TL

Hai tiếng “hòa bình” đọc không khó, nhưng đó là ước mơ, là khát khao cháy bỏng của toàn nhân loại. Hòa bình tưởng chừng như một lẽ dĩ nhiên mà con người được hưởng. Thế nhưng, vì sự ích kỷ, hẹp hòi và những toan tính chính trị của con người, vì chủ nghĩa bá chủ cường quyền của một vài nước lớn mà nhân loại đã phải chứng kiến và trải qua những cuộc chiến tranh, xung đột đau thương, mất mát. Để có được hòa bình, nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam đã phải trải qua bao hi sinh, xương máu mới có được. Nhiều quốc gia hiện nay, hai tiếng "hòa bình" vẫn còn rất xa vời, hòa bình với họ vẫn chưa thành hiện thực. Nhiều quốc gia dù đã có hòa bình, nhưng vẫn rất mong manh, nguy cơ chiến tranh, xung đột có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc ngày càng có vai trò quan trọng, để giữ vai trò là trung tâm kết nối và điều phối duy trì trật tự hòa bình cho nhân loại. Đội quân mũ nồi xanh của Liên hợp quốc có mặt ở những khu vực chiến sự tranh chấp nóng bỏng, nhờ đó mà nhiều mâu thuẫn được hóa giải; nhiều bất đồng được giải quyết và nhiều vấn đề đối đầu về lợi ích giữa các nước được xoa dịu. Đó là những nỗ lực, đóng góp khẳng định tiếng nói và vị thế của Liên hợp quốc trong đời sống chính trị, xã hội đương đại.

Đối với Việt Nam, ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đơn gia nhập Liên hợp quốc. Trong bức thư gửi Liên hợp quốc, tháng 11/1947, Người đã khẳng định: “Nhân dân Việt Nam thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân Việt Nam cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất, là toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”. 30 năm sau, ngày 20/9/1977, Việt Nam đã chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Tuy gia nhập muộn, nhưng Việt Nam đã thể hiện rõ thiện chí hòa bình và tham gia ngày càng sâu rộng đối với các hoạt động của Liên hợp quốc.

Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) trao Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho các chiến sĩ "Bộ đội Cụ Hồ". Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) trao Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho các chiến sĩ "Bộ đội Cụ Hồ". Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Trước hết, Việt Nam luôn khẳng định chính sách ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển. Đường đối ngoại này không chỉ giúp Việt Nam xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia, mà còn tạo nên hình ảnh một Việt Nam thân thiện và sẵn sàng đối thoại, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, không làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình.

Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử gần 900 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Hoạt động của những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã góp phần vào việc xây dựng lại hòa bình, tái thiết và ổn định cuộc sống cho người dân ở những nơi phái bộ đóng quân.

Đội Công binh Việt Nam tham gia Phái bộ An ninh Lâm thời Liên hợp quốc ở Abyei (UNISFA) sửa thuyền giúp người dân Abyei. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Đội Công binh Việt Nam tham gia Phái bộ An ninh Lâm thời Liên hợp quốc ở Abyei (UNISFA) sửa thuyền giúp người dân Abyei. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Cùng với đó, Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương; chủ trì thành công nhiều sự kiện quy mô tầm vóc quốc tế. Không phải ngẫu nhiên, mà Việt Nam trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, để hai quốc gia bất đồng về lập trường và quan điểm có thể ngồi lại với nhau đàm phán, tìm kiếm một tiếng nói chung. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được chọn là Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 5 thành phố của thế giới được vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2018, Việt Nam được 53 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đề cử là ứng viên duy nhất của nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020-2021. Và Việt Nam đã trúng cử vị trí này với số phiếu gần như tuyệt đối.

Thế nhưng, chỉ những nỗ lực, thiện chí của riêng Việt Nam là chưa đủ, mà tất cả các quốc gia đều phải nhận thức và thấy được trách nhiệm của mình để cùng chung tay vun đắp, tạo dựng cho nền hòa bình được củng cố vững chắc. Việt Nam được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế ca ngợi như một hình mẫu về sự phát triển hòa bình, ổn định. Chỉ mấy chục năm trước, Việt Nam còn là quốc gia chìm trong khói lửa của chiến tranh. Mỗi người dân Việt Nam phải hứng chịu lượng bom đạn gấp 10 lần cơ thể mình. Nhưng sau tất cả những đau thương, mất mát đó, Việt Nam đã vượt qua thách thức để phát triển và khẳng định uy tín, trách nhiệm và vị thế của Việt Nam đối với sự phát triển hòa bình bền vững của nhân loại.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vi-mot-the-gioi-hoa-binh-ben-vung-post482675.html
Zalo