Vì một sinh mệnh đang chờ
Vận chuyển tạng bằng đường hàng không dân dụng là một sáng tạo trong ghép tạng xuyên Việt. Hành trình nhận tạng, di chuyển, tiếp nối qua các phương tiện khác nhau luôn có vô vàn tình huống xảy ra, khiến y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ví cuộc chạy đua thời gian hồi hộp... hơn cả phim!
Những phút giây làm nên kỳ tích
“Hẹn bác tài Lê Văn Khánh thì đến chiếc xe cấp cứu Toyota mang biển số 75A-00582 thể nào cũng gặp”. Câu nói của nhiều cán bộ Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tưởng đùa mà thật. Hóa ra, chiếc xe này sẵn sàng nổ máy lao đi bất cứ khi nào nhận lệnh, vì thế, anh có thói quen săn sóc, theo dõi “người bạn đồng hành” của mình mỗi ngày.
Anh Khánh là “cán bộ đường lối” được GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế tin tưởng giao trọng trách lái xe vận chuyển mô tạng. Chế độ khởi động lên đường luôn thường trực, đòi hỏi phương tiện vận chuyển ổn định; người điều khiển không dùng thuốc lá, rượu bia. Từng nhiều năm lái xe đường dài, sau khi đầu quân vào BVTW Huế, năm 2011, anh Khánh tham gia ca chở tạng đầu tiên và gắn bó với nhiệm vụ này đến nay.
Mỗi khi tạng rời cơ thể người hiến, thời gian thiếu máu lạnh càng thấp, chất lượng mảnh ghép càng cao, nghĩa là về sớm chừng nào tốt chừng ấy. Bởi vậy, lộ trình di chuyển của xe 75A-00582 được “người ở nhà” trông chờ từng giờ, từng phút. Ví như tuyến đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế chỉ trong 60 phút, từ sân bay Phú Bài về BV khoảng 11 phút. 13 năm qua, phần lớn các chuyến xe của anh đều đúng giờ hoặc sớm hơn. “Vừa nhanh, vừa đảm bảo an toàn nên áp lực đè nặng lên tay lái. Cứ nghĩ phía trước có một cuộc đời đang chờ được thắp lên sự sống, mình có thêm niềm tin và động lực”, anh Khánh chia sẻ.
Chung sức mang nhịp sống mới đến bệnh nhân ghép tạng ở Huế còn có nhiều hãng hàng không. Bamboo Airways từng gửi đến 160 khách hàng trong chuyến bay QH1201 Hà Nội - Huế lời “xin lỗi” rất ấn tượng: “Mong rằng bạn đã không phiền lòng và mệt mỏi. Bởi có một cuộc đời ở Huế, đêm nay, hy vọng sẽ được viết tiếp, nhờ một trái tim gấp gáp chạy đua với thời gian để đi cùng chúng ta. Ngày hôm nay, 23 phút quý giá của bạn có thể sẽ làm nên kỳ tích”.
Mới đây, trong chuyến bay VJ1567, Vietjet Air điều chỉnh giờ khởi hành chuyến bay sớm hơn 10 phút, từ 11h10 lên 11h00 đưa tim hiến từ BV Bạch Mai về BVTW Huế. Lãnh đạo hãng hàng không này khẳng định: “Chúng tôi đã đồng hành trong các chuyến bay vận chuyển tạng, cùng ngành y tế góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân. Điều này không chỉ thể hiện tính chuyên nghiệp, mà còn khẳng định trách nhiệm xã hội và tấm lòng nhân ái vì cộng đồng của hãng”.
Hồi hộp tuyến đi, gay cấn đường về
Trong tổng số 13 ca ghép tim xuyên Việt của BVTW Huế, ThS.BS. Nguyễn Đức Dũng, Phụ trách Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch có 9 lần nhận nhiệm vụ. “Nhiều chuyện phát sinh, song phải chủ động xử lý trong bất kỳ tình huống nào. Có khi thót tim…” BS. Dũng bỏ lỡ mạch chuyện, nhíu mày nhớ lại. Ấy là khi xe đang bon bon trên cao tốc lúc 22h giờ đêm bất ngờ thủng lốp, anh em phải bật hết đèn điện thoại, chia nhau đứng giữa đường cảnh báo, tâm trạng vừa sợ vừa run.
...Gian khổ nhất là ca ghép tim xuyên Việt thứ 7. Ngày 3/11/2022, 8 người đi trên xe cấp cứu ra Hà Nội lấy tạng vì hàng không ngừng hoạt động vào đỉnh dịch COVID-19. Hơn 22h đêm xuất phát tại BVTW Huế, tài xế Khánh chạy xe đến BV Việt Đức lúc 7h sáng. Anh em nhịn luôn chuyện… giải quyết nhu cầu cá nhân nhằm tận dụng từng phút. Ấy vậy đến cổng, bảo vệ BV Việt Đức báo phía BV sẽ mổ và đưa tạng ra xe trước 11h trưa, còn lại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thời điểm ấy, quán ăn chỉ bán mang về, tình thế “bí bách”, BS. Dũng phải gọi điện thoại nhờ người bạn đến mở cửa phòng khám để có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống. Đến 9h sáng, tất cả quay lại bệnh viện Việt Đức chờ nhận tim hiến.
Nếu các chuyến bay về được Huế sẽ là một yếu tố thuận lợi, cực chẳng đã phải bay chuyến Đà Nẵng. Đường bộ từ Đà Nẵng về Huế không dài nhưng... khá ám ảnh. Ai nấy chọn cách ngồi bệt giữa sàn, hai tay ôm chặt thùng tạng tránh va đập. Xe cấp cứu di chuyển với tốc độ cực nhanh, anh em sau hành trình dài sẽ phải “lắc lư” thêm một giờ đồng hồ nữa, nhiều khi nôn thốc nôn tháo nhưng tay nhất quyết không được rời thùng bảo quản tạng.
Cùng song hành với BS. Dũng còn có ThS.BS. Nguyễn Xuân Hùng, Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tim mạch. Từ khi bước chân vào nghề, 11 năm sau, anh chính thức tham gia ca ghép tim đầu tiên tại BVTW Huế. Năm 2022, trong khi hỗ trợ ghép thận cho BV Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia báo nhận tim hiến ở BV Nhân dân Gia Định, BS. Hùng vào trước phẫu thuật lấy tim, bàn giao cho GS. Phạm Như Hiệp và BS. Trần Hoài Ân xong tức tốc sang ghép thận cho hai ca bệnh ở BV Nguyễn Tri Phương. “Phải có sức khỏe, tinh thần thép để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ. Đó là ngày làm việc không thể nào quên trong đời nghề y khi thực hiện và hỗ trợ 3 ca ghép tạng cách nhau 1.000km. May mắn, tất cả đều thành công, 3 bệnh nhân có thêm cơ hội sống là sự tưởng thưởng xứng đáng cho mọi người”, BS. Hùng cảm thán.
“Em út” của ê kíp đi lấy tạng là ThS.BS. Vũ Hoài Anh, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp BVTW Huế Cơ sở 2. Sau mấy năm tu nghiệp tại Krimlin – Bicetre, trung tâm ghép gan nhi quy mô của Pháp, anh quyết định trở về quê nhà cống hiến… Ba lần lấy tạng hiến, ghép gan xuyên Việt, anh hồi tưởng: “Mình như bước vào một hành trình mới, ngoài sức tưởng tượng. Lần đầu được ghép gan, điều trong sách vở lúc học chưa hề nhắc đến. Cuộc sống đang thử thách và khích lệ mình vượt qua một giới hạn mới mẻ”.
Tự nhận may mắn được với tay tới lý tưởng của nghề, BS. Hoài Anh trải lòng: “Áp lực vô cùng nhưng phải thành công. Đó là mệnh lệnh trái tim! Không được bỏ phí sự hy sinh cao cả của người hiến và tấm lòng của gia đình họ. Ngành y vốn dĩ chống lại mệnh trời, bác sĩ dù làm việc bằng khối óc, nhưng là con người ai cũng có trái tim, biết xúc động, biết thương cảm. Từng người trong ê kíp đều trải qua những cung bậc đó khi lấy tạng và ghép tạng, nhưng phải dặn lòng vượt qua để cứu sống người bệnh”.
Lập nhiều kỳ tích trong ghép tạng xuyên Việt cả về thời gian di chuyển, thời gian ghép, kỹ thuật ghép... GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế cho rằng: “Không có mẫu số chung nào cho việc tiếp nhận - vận chuyển, thậm chí cả cấy ghép. Chúng tôi dựa trên từng trường hợp cụ thể và thực tế để đưa ra giải pháp. Quả ngọt của hành trình hiến - ghép mô tạng có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị nói chung và các ê kíp nói riêng”.
Bao câu chuyện của người trong cuộc khiến tôi liên tưởng đến “The Transporter” (Người vận chuyển), loạt phim hành động nổi tiếng làm nên tên tuổi của tài tử Jason Statham và nhà sản xuất Luc Besson. Có lẽ, với những người vận chuyển đặc biệt trong hành trình hiến - ghép tạng, phần thưởng lớn nhất của họ chính là góp sức hồi sinh một sự sống. Điều này giá trị gấp ngàn lần hào quang của các ngôi sao giải trí trong lòng người hâm mộ.