Vị giáo sư 'mở đường' đưa kỹ thuật ghép chi thể về Việt Nam
Học tập ở Đức trở về, bác sĩ Hoàng không ngừng nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện thành công phẫu thuật ghép chi thể ở Việt Nam, mang đến niềm vui cho nhiều cuộc đời.
Tháng 4/2023, Thiếu tướng, giáo sư Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận ca bệnh đặc biệt - nam thanh niên 27 tuổi bị máy cắt gạch “chém” đứt rời cánh tay phải, ngang khớp vai. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng vết thương nhiễm khuẩn nặng, phần mềm tại chỗ bị dập nát hoàn toàn, không còn cơ hội bảo tồn.
Cánh tay của người bệnh không thể “trồng lại” được do mạch máu bị dập nát, toàn bộ các dây thần kinh chi phối bị giật hoàn toàn. Dù vậy, nhận thấy phần cẳng tay vẫn còn khá lành lặn, bác sĩ Hoàng liền nghĩ cách cứu sống phần cơ thể này, sau đó ghép cho những người bệnh bị cụt tay ở vị trí tương ứng.
Khi đó, các bác sĩ thăm khám và hội chẩn kỹ lưỡng. Bệnh nhân được giải thích là cánh tay bị tổn thương quá nặng, không còn khả năng giữ lại, buộc phải tháo bỏ. Dù rất sốc nhưng nam thanh niên đã đồng ý hiến phần cẳng tay để ghép cho người bệnh khác.
Đây được đánh giá là ca ghép chi thể ấn tượng và độc đáo, y văn trên thế giới cho đến nay chưa từng ghi nhận.
Để đạt được phục hồi chức năng hoàn hảo của chi ghép thường cần thời gian phục hồi dài, thông thường 1 - 1,5 năm. Với ca bệnh này, chỉ sau 18 tháng, tay ghép phục hồi chức năng gần như hoàn toàn. “Hiện bệnh nhân có thể dùng tay ghép để thực hiện hầu hết mọi hoạt động lao động và sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe của cả người cho và người nhận đều tốt”, GS Hoàng vui mừng thông báo.
Ca bệnh này là một trong số bốn trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được bác sĩ Nguyễn Thế Hoàng phẫu thuật ghép chi thể trong thời gian qua.
Bác sĩ Hoàng sinh ra trong gia đình truyền thống nghề y. Cha ông là Đại tá, thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thế Trang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 105. Ông Hoàng tốt nghiệp Học viện Quân y và về công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 1989. Năm năm sau, ông tiếp tục tốt nghiệp chuyên khoa 1 và thi đỗ nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức theo chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình và Vi phẫu thuật tạo hình.
Hướng dẫn của GS.TSKH. E. Biemer, Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật tạo hình Cộng hòa Liên bang Đức giúp ông có được những định hướng nghiên cứu và thực hành chuyên sâu về vi phẫu thuật.
Năm 2008, bác sĩ Hoàng là một trong năm phẫu thuật viên chính thực hiện thành công ca mổ có một không hai trên thế giới tại Bệnh viện Ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich (Đức). Đó là phẫu thuật ghép hai cánh tay đồng loại đầu tiên cho một công dân Đức bị cụt đồng thời cả hai cánh tay vì một tai nạn lao động xảy ra 5 năm trước đó.
Sau thành công vang dội này, ông về Việt Nam, mang theo ấp ủ về phẫu thuật ghép chi thể cho các bệnh nhân bị cụt chi ở trong nước. “Tôi luôn nung nấu để thực hiện trực tiếp trên những người bệnh ở đất nước mình, vừa có thể phát triển kỹ thuật, vừa mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ”, GS Hoàng nói.
Đầu năm 2020, sau thời gian dài tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và GS Hoàng thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện này đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện ghép chi thể thành công, và cũng là ca ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới.
Cho đến nay, phẫu thuật ghép chi thể chưa được thực hiện nhiều vì nguồn chi hiến tặng khan hiếm do những vấn đề liên quan đến nhận thức. Giáo sư Hoàng cùng các cộng sự nghiên cứu tìm cách thức khắc phục vấn đề này qua việc tận dụng những phần chi thể còn lành từ các nguồn chi thể bị đứt rời không có khả năng bảo tồn. Thông qua việc nuôi sống và tân tạo tuần hoàn tạm thời, phương pháp này mở ra khả năng mới và hoàn toàn độc đáo, giúp tăng đáng kể nguồn chi hiến tặng để ghép cho các bệnh nhân khác.
Lúc đầu, để có được những dụng cụ mổ vi phẫu, ông dành phần lớn tiền học bổng để mua từ Đức và mang về Việt Nam. Với ông, phải có dụng cụ tốt thì mới đưa được những kiến thức và kỹ thuật học được để áp dụng vào thực tế lâm sàng.
Đến nay, giáo sư Nguyễn Thế Hoàng cùng đội ngũ các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công 4 ca ghép chi thể với 6 chi ghép. Kết quả bước đầu của các chi ghép đều tốt. “Đây là kết quả ấn tượng, mở ra triển vọng lớn, góp phần vào thành công chung trong lĩnh vực ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”, giáo sư Hoàng nói.
Giờ đây, giáo sư Nguyễn Thế Hoàng vẫn làm song song cả công tác quản lý bệnh viện cũng như khám bệnh và điều trị, tiếp tục đào tạo các thế hệ kế cận để tiếp nối và phát triển các kỹ thuật mà ông đang làm. Vị giáo sư mong muốn các thế hệ sau sẽ giỏi hơn thế hệ của mình, sẽ có được những công trình nghiên cứu khoa học mang tính đột phá để đóng góp cho sự phát triển của nền y học nước nhà.
Với những đóng góp to lớn cho sự tiến bộ khoa học thế giới, Thiếu tướng, GS.TS, thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được bầu làm viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS). Quyết định có hiệu lực chính thức kể từ ngày 1/1/2025.