Vị Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

Tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập ngày 22/12/1944, với 34 đội viên, ông Hoàng Sâm được lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn làm đội trưởng.

Ông Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915, trong gia đình nông dân nghèo ở làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1928, khi học ở Thái Lan, biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở đây, Trần Văn Kỳ chủ động tìm gặp và sau đó được Người chọn làm liên lạc viên. Mùa thu năm 1940, khi sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) hoạt động cách mạng, Trần Văn Kỳ gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người đặt tên là Hoàng Sâm. Gắn bó với quân đội từ ngày đầu thành lập cho tới ngày hy sinh, Hoàng Sâm để lại dấu ấn đậm nét trong những chiến công vang dội của QĐND Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào.

Từ cuối năm 1941 - 1943, ông lần lượt đảm trách vị trí đội phó, đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh; Tỉnh ủy viên tỉnh Bắc Kạn, phụ trách tự vệ chiến đấu trừ gian, tổ chức du kích khu vực biên giới 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Thời gian này, nhiều toán phỉ có vũ trang đã cướp bóc, giết chóc, gây khó khăn cho cuộc sống bà con các dân tộc. Để thu phục và hòa hoãn với quân phỉ, ông Hoàng Sâm không quản nguy hiểm vào tận sào huyệt của chúng thi bắn súng, cưỡi ngựa, ném lựu đạn, bắn cung, thậm chí uống rượu thi với trùm phỉ. Bằng nghệ thuật nhu cương, ông thu phục tướng phỉ, hạn chế sự phá phách, cướp bóc của chúng, làm cho Nhân dân thêm tin tưởng ở cách mạng. Nể phục Hoàng Sâm, hai anh em trùm phỉ họ Voòng đề nghị ông kết nghĩa huynh đệ.

Với ông Hoàng Sâm, tiến công đặt lên hàng đầu, là tư tưởng chủ đạo của đường lối chính trị, quân sự nước ta. Nó xuyên suốt mọi hoạt động xây dựng và chiến đấu của các lực lượng vũ trang Nhân dân, là cốt tủy của nghệ thuật quân sự chiến tranh Nhân dân.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Châu Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, với 34 đội viên. Quân số ban đầu được chia thành 3 tiểu đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung, ông Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng. Ngay sau đó, ông trực tiếp chỉ huy đánh thắng các trận Phai Khắt, Nà Ngần (xã Cam Lộng, Nguyên Bình, Cao Bằng), Đồng Mu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng)...

Ngày 25/12/1944, trong trận Phai Khắt, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “trận đầu nhất định phải đánh thắng”, ông mưu lược, quyết đoán, lợi dụng lúc địch lơ là và đồn trưởng đi vắng, cho đội cải trang làm quân tuần tiễu của cấp trên đến kiểm tra đồn, bộ phận tiên phong nhanh chóng chiếm kho súng, đội thứ hai bao vây quân lính buộc phải đầu hàng. Cùng lúc đó, đồn trưởng trở về cũng bị bắn chết. Chỉ trong thời gian ngắn, ta diệt và bắt 18 tên địch, thu 17 súng cùng toàn bộ trang bị và rút lui an toàn. Tại trận Nà Ngần (ngày 26/12/1944), được lệnh của đội trưởng Hoàng Sâm, đội xung phong thứ nhất xông vào chiếm kho súng đạn, đội thứ hai tìm khử viên quan đồn, đội thứ ba đối phó với binh lính, đội thứ tư bao vây các ngả đường. Tên quan đồn bị khử, quân lính trong đồn hoảng loạn đầu hàng. Thắng lợi của trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống “bách chiến, bách thắng” của QĐND Việt Nam.

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1950), ông Hoàng Sâm được giao giữ chức vụ Khu trưởng Khu 2, Chỉ huy Mặt trận Tây tiến, Tư lệnh Liên khu 3. Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho Hoàng Sâm khi ông mới 33 tuổi. Tại chiến trường Tây Bắc, nghệ thuật quân sự sắc sảo và quyết đoán của ông tiếp tục được khẳng định. Tiêu biểu là trận chỉ huy bộ đội lập trận địa chặn địch ở Dốc Đẹt. Lợi dụng địa hình tự nhiên, ông Hoàng Sâm bố trí bộ đội trên các dốc cao, tiện quan sát để mai phục, chờ quân Pháp đến gần nổ súng. Vốn nổi tiếng tài bắn súng, riêng ông đã tiêu diệt 5 tên địch. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường của bộ đội ta, quân địch buộc rút lui, âm mưu đánh úp Bộ Chỉ huy Mặt trận Tây Tiến bị đập tan.

Trong chiến dịch Trung Lào (21/12/1953 - 4/1954), Tư lệnh Hoàng Sâm chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của địch, không cố thủ Thà Khẹc và Ma Hả Xay mà tập trung lực lượng đánh địch ở Đường 9, phát triển xuống phía Nam - nơi địch sơ hở để tiêu diệt địch. Dưới sự chỉ huy của ông, các Trung đoàn 66 (Đại đoàn 304), Trung đoàn 101 và 18 (Đại đoàn 325) và một số đơn vị quân đội Việt - Lào nổ súng diệt vị trí Khăm He, Kha Ma; tiếp đó tập kích, phục kích địch ở Hin Xìu, Na Khăm, Pha Lan, Đồng Hến, Mường Phìn... cắt đứt Đường 9, tiếp tục vây hãm, giam chân địch ở Trung Lào, chặn đánh các cuộc hành quân giải tỏa của địch. Với nghệ thuật chỉ đạo tác chiến đúng đắn, linh hoạt của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặc biệt là vai trò của vị tư lệnh tài năng, chiến dịch Trung Lào thắng lợi vang dội.

Từ năm 1955 - 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh các quân khu: Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Quân khu 3, Trị - Thiên. Thời gian này, ông sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào vào năm 1962. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, được lãnh đạo nước bạn tin cậy, kính trọng. Tháng 12/1968, ông hy sinh tại chiến trường Bình - Trị - Thiên ở tuổi 53, khi tài năng quân sự đang tỏa sáng.

Ghi nhận những cống hiến của thiếu tướng Hoàng Sâm, Đảng và Nhà nước đã phong tặng, truy tặng nhiều huân chương cao quý cho ông, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...

N.HẢO (Tổng hợp)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/vi-doi-truong-dau-tien-cua-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-a411739.html
Zalo