Vì cuộc sống xanh
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm tái chế, thực phẩm và khác, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Đây được coi là giải pháp mạnh trong việc nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường sống, vì cuộc sống xanh.
Cùng với phát triển kinh tế, sự gia tăng về dân số, lãng phí tài nguyên trong thói quen sinh hoạt của con người, nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao dẫn đến lượng rác thải ngày một gia tăng. Theo tính toán, hiện mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 70.000 tấn chất thải sinh hoạt với thành phần ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại với môi trường và sức khỏe con người. Phần lớn lượng rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, đồng thời gây ra nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm cho con người.
Thực tiễn cuộc sống cũng cho thấy, rác thải sinh hoạt nếu không được thu gom và xử lý đúng cách không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí; làm mất mỹ quan đô thị mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên thế giới có 5 triệu người chết và gần 40 triệu trẻ em mắc các bệnh liên quan tới rác thải. Còn các kết quả đã nghiên cứu cho thấy, ở những bãi rác công cộng, vi khuẩn thương hàn có thể tồn tại trong 15 ngày, vi khuẩn lỵ là 40 ngày, trứng giun đũa là 300 ngày... Minh chứng, những người tiếp xúc thường xuyên với rác, nhất là người thu nhặt phế liệu ở bãi rác dễ mắc các bệnh viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai, mũi họng, ngoài da…
Tác hại của rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý đối với sức khỏe con người và môi trường là rất dễ nhận thấy. Đáng báo động là rác thải không phân loại và xử lý đúng quy trình còn gây thiệt hại cho kinh tế, xã hội và tác động tiêu cực tới biến đổi khí hậu do lượng phát thải khí nhà kính lớn từ chất thải hữu cơ. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý sao cho hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực lại không dễ dàng. Do đó, việc triển khai các quy định về thu gom và phân loại rác thải được hiện thực hóa bằng các chế tài cụ thể như trên là hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Để các chế tài đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận cao của người dân, ngoài thực hiện nghiêm các quy định về xử phạt trong phân loại rác thải, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn…, thậm chí “cầm tay chỉ việc” để mỗi người dân góp phần làm giảm tác hại của rác thải sinh hoạt đối với môi trường và chính cuộc sống của chúng ta từ những việc làm nhỏ nhất, như: không vứt rác bừa bãi, hãy tận dụng rác nếu còn có thể… Từ đó, hạn chế thải rác ra môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính mình ngày một tốt hơn.
Việc hình thành thói quen phân loại và xử lý rác thải đúng quy định cũng chính là cơ sở hình thành nền kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, phục vụ cho sản xuất. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, hướng tới nền kinh tế không phát thải và môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hy vọng, với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ của các cấp, ngành chức năng, mỗi người dân sẽ nêu cao ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ hằng ngày để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng cũng như làm cho môi trường sống không bị ô nhiễm bởi rác thải.