Vì cuộc sống an toàn và phát triển của phụ nữ

Đề án 938 không chỉ tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức mà còn khơi dậy trách nhiệm và hành động của phụ nữ đối với các vấn đề xã hội xung quanh mình.

Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 938 tại Hội nghị sơ kết Đề án vừa qua.

Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 938 tại Hội nghị sơ kết Đề án vừa qua.

Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” được phê duyệt theo Quyết định số 938 ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 938) đến năm 2025 đã đi được 3/4 chặng đường. Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, trong giai đoạn 2 của Đề án (2022-2025), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tiếp tục nỗ lực để đạt được những kết quả đáng kể trong thực hiện Đề án, nhằm nâng cao vai trò của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, nhất là giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đề án 938 nhằm thực hiện 5 nhiệm vụ, trong đó các nhiệm vụ: nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, giáo dục vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức pháp luật, tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động hướng trực tiếp tới phụ nữ và trẻ em.

Nổi bật trong các hoạt động truyền thông, giáo dục phụ nữ là hoạt động tuyên truyền về phòng chống bạo lực, phòng chống mua bán người, giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền trên 1.000 buổi về: phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; pháp luật về giao thông đường bộ… cho gần 20.000 hội viên phụ nữ và nhân dân.

Hội LHPN cấp huyện và cơ sở phối hợp với các ngành tổ chức trên 1.120 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giáo dục kỹ năng sống... tới gần 67.400 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cặp vợ chồng có con dưới 16 tuổi và nhân dân.

Các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ được xây dựng, duy trì nhằm hỗ trợ giáo dục các bậc cha mẹ trong chăm sóc bảo vệ trẻ em; bảo vệ, hỗ trợ thân chủ bị bạo lực trên cơ sở giới, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thực hiện mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Rất nhiều cuộc thi, sự kiện truyền thông, lớp tập huấn được các cấp Hội tổ chức đã hỗ trợ các cặp vợ chồng và trẻ em tiếp cận các kiến thức trong chăm sóc và bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Cùng đó, 370 tổ tự quản, 186 tổ phản ứng nhanh, 531 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 80 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi”… là các mô hình được thành lập và duy trì để bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Cùng với các hoạt động trực tiếp hướng tới đối tượng phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội như: tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với phụ nữ với chủ đề "Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái”; lấy ý kiến tham gia vào 33 dự thảo văn bản quan trọng của tỉnh… liên quan đến bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững, phát triển vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đã có trên 120.000 hội viên tham gia đóng góp trên 3.600 ý kiến trực tiếp cho dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thể hiện tiếng nói mạnh mẽ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia hoạch định chính sách.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm khẳng định: "Đề án 938 không chỉ tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức mà còn khơi dậy trách nhiệm và hành động của phụ nữ đối với các vấn đề xã hội xung quanh mình. Từ công tác tuyên truyền, đối thoại chính sách đến việc xây dựng mô hình, lấy ý kiến luật pháp từ cơ sở… tất cả đều cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của phụ nữ trong tham gia quản lý, giám sát và xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Những nỗ lực ấy đang từng ngày góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Yên Bái tự tin, bản lĩnh và đầy trách nhiệm. Đề án 938 sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng để các cấp Hội LHPN lan tỏa giá trị, nâng cao vị thế và phát huy vai trò trong sự phát triển bền vững của tỉnh. Đây không chỉ là hành trình của một đề án mà là hành trình của niềm tin, trí tuệ và sự cống hiến”.

Thu Hạnh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/349241/vi-cuoc-song-an-toan-va-phat-trien-cua-phu-nu.aspx
Zalo