Vì chưa có quy định nên mỗi trường hiểu 'tiến sĩ phù hợp' chủ trì ngành một kiểu

Trường đại học mong muốn có quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về vấn đề thế nào là tiến sĩ ngành phù hợp để dễ dàng vận dụng khi mở ngành.

Theo Khoản 1, Điều 4 của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mở ngành đào tạo đại học nêu rõ, “Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác…”;

Khoản 5, Điều 2 của Thông tư này cũng định nghĩa: “Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với ngành đào tạo dự kiến mở ở trình độ đại học/thạc sĩ là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo; trường hợp ngành đó chưa được đào tạo trong nước ở trình độ tiến sĩ hoặc chưa có nhiều người tốt nghiệp thì ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ…”

Đáng nói, đối với trường hợp ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ, việc xác định ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất trong cùng nhóm ngành làm ngành phù hợp chưa có tiêu chí quy định cụ thể. Điều này khiến mỗi trường lại hiểu và chọn tiến sĩ ngành phù hợp khác nhau.

Không dễ dàng có được tiến sĩ ngành phù hợp để mở ngành Công nghệ tài chính

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Trường Đại học Duy Tân cho hay, ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) mới được bổ sung vào danh mục mã ngành đại học theo Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo kể từ ngày 22/07/2022. Trong khi đó, đối với bậc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ lại chưa có mã ngành này.

Điều này đã dẫn đến thực trạng khi mở ngành Công nghệ tài chính ở bậc đại học thì hầu hết tất cả các trường đều phải vận dụng theo quy định của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT là đưa 01 tiến sĩ ngành phù hợp có chuyên môn gần nhất với kiến thức chuyên ngành về Fintech làm chủ trì ngành. Trên thực tế, đa số tiến sĩ này là giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ ngành Tài chính Ngân hàng, đặc biệt là có các công trình khoa học có giá trị công bố về mảng Công nghệ tài chính.

 Sinh viên Trường Đại học Duy Tân (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Duy Tân (Ảnh: Website nhà trường).

Việc lựa chọn tiến sĩ chủ trì ngành Công nghệ tài chính ở nhiều trường đại học ở nước ta đều đang gặp khó khăn ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, Việt Nam chưa có tiến sĩ ngành Công nghệ tài chính được đào tạo trong nước vì từ trước cho đến hiện nay ngành này chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Thứ hai, tiến sĩ ngành Công nghệ tài chính chỉ có thể tuyển dụng những tiến sĩ ngành này được đào tạo ở nước ngoài, song để thu hút những người này về không phải là việc dễ dàng với điều kiện lương và thu nhập như hiện nay ở Việt Nam.

Do vậy, giải pháp mà các trường áp dụng để có được tiến sĩ phù hợp chủ trì mở ngành là khả thi và phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, không phải trường đại học nào cũng có hoặc chiêu mộ được giảng viên có trình độ tiến sĩ Tài chính ngân hàng và có các công bố theo hướng nghiên cứu về Công nghệ tài chính.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, khi mở ngành Công nghệ tài chính, nhà trường thực hiện quy trình đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Theo đó, trường có một số giảng viên là tiến sĩ chuyên ngành Tài chính có nhiều kinh nghiệm công tác và công trình khoa học liên quan để chủ trì ngành Công nghệ tài chính. Ngoài ra, danh sách giảng viên khi mở ngành Công nghệ tài chính còn có thêm một số tiến sĩ/thạc sĩ chuyên ngành về Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin để tham gia tổ chức xây dựng chương trình và giảng dạy cho sinh viên đáp ứng các chuẩn đầu ra của ngành.

Còn tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, theo chia sẻ từ cô Phạm Thị Mai Hương – Ban chủ nhiệm Khoa Tài chính – Ngân hàng của nhà trường cho biết, ngành Công nghệ tài chính mới được nhà trường mở tuyển sinh và đào tạo năm 2024 với tiến sĩ chủ trì là tiến sĩ ngành Tài chính ngân hàng.

Cô Hương cho hay, giống như nhiều ngành mới khác, để mở ngành Công nghệ tài chính, Khoa cũng như nhà trường cũng gặp khó khăn trong việc tìm các dữ liệu về môn học, nguồn nhân lực đáp ứng để giảng dạy chương trình.

Hơn nữa, ngành Công nghệ tài chính là kết hợp kiến thức của cả Tài chính ngân hàng và kiến thức của Công nghệ thông tin, tuy nhiên nhà trường mới có thế mạnh về Tài chính ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ được về đội ngũ giảng viên Công nghệ thông tin để có thể giảng dạy được chương trình Công nghệ tài chính bậc đại học.

Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, cô Hương cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về chuyên môn phù hợp của giảng viên trình độ tiến sĩ để làm cơ sở cho việc phân công người chủ trì ngành dự kiến mở là cần thiết. Bởi, hầu hết các trường đại học đều mong muốn có định hướng, hướng dẫn rõ ràng về việc thế nào là tiến sĩ ngành phù hợp để dễ dàng vận dụng.

Trong khi đó, Phó Giáo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hà – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay trên thế giới chưa có chương trình đào tạo về tiến sĩ Công nghệ tài chính. Do vậy, một số trường sẽ lấy tiến sĩ chuyên ngành đào tạo về Tài chính ngân hàng hoặc Tài chính mà có nghiên cứu liên quan đến Công nghệ tài chính để chủ trì mở ngành này. Tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ ngành phù hợp để mở ngành Công nghệ tài chính là tiến sĩ Tài chính ngân hàng.

 Sinh viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Theo đó, để đảm bảo đủ điều kiện, các giảng viên này phải dành ra ít nhất 2 năm trước khi muốn đăng ký mở ngành để tập trung thực hiện những đề tài có liên quan đến Công nghệ tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra khó khăn bởi có thể làm mất đi cơ hội đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực đó.

Thầy Hà cho rằng, hiện nhiều trường đại học của nước ta dù tự chủ nhưng lại không được linh hoạt như nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, nên để cho các trường đã tự chủ được tự chủ trong mở ngành, đặc biệt là đối với những ngành mà trong nước chưa có mã ngành đào tạo tiến sĩ. Trong đó, để tránh các trường mở ngành một cách “vô tội vạ”, khâu hậu kiểm phải được thực hiện một cách chặt chẽ và tốt hơn nữa.

Cần có cổng thông tin dữ liệu thống kê về ngành đào tạo các trình độ của cơ sở giáo dục và số lượng người tốt nghiệp

Mặt khác, theo Phó Giáo sư Phan Thanh Hải, thực tế hiện nay, các cơ sở đào tạo đều công khai các thông tin về ngành nghề đào tạo, số lượng giảng viên, số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc việc làm, các điều kiện đảm bảo đào tạo, … trên các báo cáo 3 công khai hàng năm học và các báo cáo dữ liệu về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Vì vậy, hệ thống các dữ liệu thống kê này của một cơ sở đào tạo đã có từ trước đến nay và người quan tâm hoàn toàn có thể tiếp cận, phân tích một cách công khai, minh bạch.

 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Hải bày tỏ, việc chọn tiến sĩ ngành phù hợp để làm người chủ trì ngành theo đúng quy định là vấn đề thuộc về chuyên môn sâu, căn cứ vào đội ngũ giảng viên cơ hữu của từng cơ sở đào tạo nhằm đảo bảo chương trình đào tạo được xây dựng, áp dụng và cải tiến phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, nếu có cổng thông tin dữ liệu thống kê về ngành đào tạo các trình độ của cơ sở giáo dục, số lượng người tốt nghiệp để có thể làm minh chứng cho việc được chọn tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ thì rất tốt vì nó cung cấp cho xã hội, những người quan tâm có được nhiều thông tin hữu ích.

Cũng theo thầy Hải, vấn đề hiện nay là dù người chủ trì ngành là tiến sĩ ngành đúng hay ngành phù hợp thì khi đề án mở ngành hoàn thành, sản phẩm đầu ra của chương trình đó (người học tốt nghiệp) có đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động không?

Có thể thấy, việc mở ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường là điều hết sức cần thiết. Do đó, danh mục mã ngành đào tạo cần cập nhật và sửa đổi để đảm bảo giữa văn bản pháp lý và thực tiễn có sự hài hòa.

Hơn nữa, sau chu kỳ 2-3 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì việc lấy ý kiến đề xuất từ các cơ sở đào tạo, các bên liên quan khác để điều chỉnh sửa đổi các mã ngành đào tạo hợp lý hơn, đảm bảo tính liên thông từ trình độ đào tạo thấp đến cao.

Giáo sư Hồ Đắc Lộc cho rằng, quy định mở ngành của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi tích cực trong việc điều chỉnh các quy định về công tác mở ngành.

Thế nhưng, do quy định này còn khá mới (triển khai thực hiện được hơn 02 năm) nên trong quá trình thực hiện, các cơ sở giáo dục dù ít hay nhiều đều gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Vì vậy, Nhà trường hy vọng trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các quy định hoặc có những hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện để các trường thuận tiện hơn trong việc triển khai thực hiện công tác mở ngành.

Thực tế hàng năm, các cơ sở giáo dục đại học đều có báo cáo/công khai số liệu tốt nghiệp các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục, bên cạnh đó là công tác chuyển đổi số đang được triển khai trên hầu hết các lĩnh vực.

Do đó, có cổng thông tin thống kê về ngành đào tạo các trình độ của cơ sở giáo dục, số lượng người tốt nghiệp để làm minh chứng cho việc chọn được tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ là việc sẽ thực hiện được trong tương lai gần.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-chua-co-quy-dinh-nen-moi-truong-hieu-tien-si-phu-hop-chu-tri-nganh-mot-kieu-post245388.gd
Zalo