Venezuela và Mỹ nối lại đàm phán về dầu khí

Caracas và Washington đã nối lại đối thoại vào thứ Tư ngày 3/7 trong nỗ lực cải thiện quan hệ của họ, mặc dù Washington vẫn duy trì các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela. Cuộc đối thoại này đã đạt được kết quả ban đầu.

Jorge Rodriguez, trưởng đoàn đàm phán của Venezuela với Mỹ. Ảnh Reuters

Jorge Rodriguez, trưởng đoàn đàm phán của Venezuela với Mỹ. Ảnh Reuters

Duy trì giao tiếp một cách tôn trọng và mang tính xây dựng

“Sau cuộc họp đầu tiên này, chúng tôi đã nhất trí: Một là về mong muốn của hai chính phủ nhằm hợp tác cùng nhau để đạt được sự tin tưởng và cải thiện quan hệ. Hai là duy trì liên lạc một cách tôn trọng và mang tính xây dựng”, Jorge Rodriguez, trưởng đoàn đàm phán của Venezuela và là chủ tịch Quốc hội, tuyên bố trên X sau một “cuộc họp trực tuyến”.

Tổng thống Nicolas Maduro, người đang chạy đua cho nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/7, đã bất ngờ công bố việc nối lại đối thoại với Mỹ vào thứ Hai.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm thứ Tư hoan nghênh cuộc đối thoại này và cho rằng sự thay đổi dân chủ sẽ không dễ dàng và đòi hỏi những cam kết nghiêm túc.

“Do đó, chúng tôi vẫn cam kết ủng hộ ý chí của người dân Venezuela và mở đường cho một chính quyền dân chủ thông qua các cuộc bầu cử cởi mở và toàn diện. Tôi không có thông tin chi tiết cụ thể về cam kết ngoại giao, nhưng chúng tôi chắc chắn hoan nghênh điều này một cách thiện chí”, bà Karine nói thêm.

Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Châu Mỹ Latinh Brian Nichols cho biết hôm thứ Hai rằng Mỹ “luôn sẵn sàng đối thoại”.

Caracas và Washington bắt đầu đàm phán bí mật vào năm ngoái tại Qatar. Trong các cuộc thảo luận này, họ đã đồng ý về việc trao đổi tù nhân. Washington đã thả Alex Saab, người bị cáo buộc là kẻ môi giới của ông Maduro, để đổi lại việc thả 28 tù nhân, bao gồm 10 người Mỹ và 18 người Venezuela đang bị giam giữ ở Venezuela.

Dầu mỏ và chính trị

Đổi lại, Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vận dầu mỏ áp đặt lên nước này kể từ năm 2019 trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Maduro, người tái đắc cử vào năm 2018 mà họ không công nhận.

Nhưng Washington sau đó đã áp dụng lại các lệnh trừng phạt vào tháng 4, đặc biệt là sau khi xác nhận Maria Corina Machado, người chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống, không đủ tư cách.

Venezuela lên án biện pháp này và tố cáo “việc Mỹ có ý định giám sát, kiểm soát và thao túng ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela thông qua chính sách áp đặt các biện pháp cưỡng chế và giấy phép bất hợp pháp của nước này”.

Washington cũng chỉ trích việc bắt giữ các đối tượng, 46 người trong 6 tháng qua, theo Tổ chức phi chính phủ Access to Justice, cũng như việc rút lại lời mời tới EU để quan sát cuộc bầu cử tổng thống.

Ông Maduro hôm thứ Hai tuyên bố muốn “đối thoại, thấu hiểu, một tương lai cho mối quan hệ của hai bên, những thay đổi dưới sự chủ quyền và độc lập tuyệt đối”.

Theo nguồn tin ngoại giao, Caracas và các đồng minh, cũng như Washington và Liên minh châu Âu, đều quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Venezuela đang tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để có thể phục hồi nền kinh tế bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến GDP của nước này giảm 80% trong 10 năm qua.

Về phần mình, trong bối cảnh căng thẳng về giá dầu thô với xung đột ở Ukraine và các sự kiện ở Trung Đông, các nước phương Tây sẽ hoan nghênh sự trở lại thị trường dầu mỏ trong trung hạn của Venezuela.

Quốc gia từng khai thác hơn 3 triệu thùng mỗi ngày đang phải vật lộn khi sản lượng chỉ dưới 1 triệu thùng.

Ngoài ra, khoảng 7 trong số 30 triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước của họ, gây ra các vấn đề và tranh luận xoay quanh nhập cư giữa các nước láng giềng cũng như ở Mỹ, đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 đang tới gần.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/venezuela-va-my-noi-lai-dam-phan-ve-dau-khi-713845.html
Zalo