Vẹn nguyên ký ức về ngày giải phóng Thủ đô

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (21-7-1954), suốt 80 ngày sau đó, Hà Nội và một số khu vực ở miền Bắc nước ta vẫn còn là vùng tập kết, chuyển quân của Pháp.

Đến ngày 10-10-1954, Thủ đô mới chính thức được giải phóng trong niềm hân hoan của bao người dân đang khao khát 2 tiếng “hòa bình”. Đó là thời khắc lịch sử trọng đại, hào hùng mà những nhân chứng từng có mặt không bao giờ quên.

1. Khi đoàn quân rùng rùng khí thế tiến vào tiếp quản Thủ đô cách đây tròn 70 năm, ông Nguyễn Hữu Khuê (đường Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku), nguyên Phó Chỉ huy trưởng chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mới là cậu bé 11 tuổi, nhà ở quận Hoàng Mai. Lớn lên giữa thời chiến nên ông sớm biết quan sát thời cuộc. Ông nhớ lại, trước khi chuẩn bị giải phóng, quân và dân Thủ đô hân hoan sửa soạn cờ, hoa. Một số nhà máy, xí nghiệp của Pháp được vận động chuyển toàn bộ máy móc về cho Chính phủ kháng chiến để sau khi hòa bình lập lại còn có tư liệu sản xuất, bởi khi đó kinh tế đất nước còn rất lạc hậu.

Ký ức của người cựu chiến binh cứ sống động mãi thời khắc đầu ngày 10-10-1954: Như dòng nước lớn đang cuộn chảy, các anh bộ đội mặc áo trấn thủ hàng nối hàng từ 5 cửa ô tiến thẳng vào trung tâm thành phố. Người dân Hà Nội từ già đến trẻ nô nức chào đón và mang hoa ra tặng đoàn quân chiến thắng. Đường phố đông nghịt người, tất cả cùng hòa chung niềm hạnh phúc lớn lao. Ông cũng tò mò ra xem và cứ thế bị chen lấn, xô đẩy mãi ra tận cầu Long Biên, cách nhà đến vài cây số.

Ông Nguyễn Hữu Khuê tại buổi gặp mặt của Hội đồng hương Hà Nội tại TP. Pleiku nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (ảnh nhân vật cung cấp).

Hình ảnh người lính in vào tâm trí sáng hôm ấy đã hình thành trong ông Khuê lý tưởng cách mạng gắn liền với tinh thần sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc. Năm 1963, ông lên đường nhập ngũ. Sau quá trình rèn luyện, học tập, năm 1965, ông cùng đơn vị hành quân vào Nam, chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên suốt 10 năm cho đến ngày đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước.

Mối lương duyên với Tây Nguyên càng bền chặt khi ông Khuê lập gia đình tại đây và gắn bó với phố núi cho đến nay. Hiện ông là Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Hà Nội tại TP. Pleiku. Hội thành lập cách đây 26 năm, thu hút khoảng 70 hội viên tham gia. Hàng năm, Hội đều tổ chức họp mặt, sinh hoạt, kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô. Mới đây, trong dịp kỷ niệm 70 năm, ôn lại truyền thống hào hùng, Hội đồng hương Hà Nội tại TP. Pleiku đã quyên góp trên 4,5 triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Nói đến niềm tự hào của một người Hà Nội gốc, ông Khuê không quên nhắc nhớ lịch sử hào hùng cũng như niềm tri ân dành cho quê hương thứ hai: “Trong những ngày thu tháng 10 lịch sử, cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, những người con của Hà Nội đang sinh sống và làm việc tại TP. Pleiku tri ân sâu sắc Đảng, chính quyền, Nhân dân tỉnh Gia Lai-mảnh đất kiên cường, bất khuất đã và đang xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến từng buôn làng, thôn xóm”.

2. Rất khó để tìm gặp những người từng trực tiếp tham gia tiếp quản Thủ đô cách đây 70 năm bởi họ đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Nhiều người đã qua đời hoặc già yếu, khó lòng chia sẻ chuyện xưa. Và thật may mắn, dịp này, chúng tôi có cơ hội tiếp cận cuốn hồi ký chép tay của ông Nguyễn Văn Tân (SN 1932, quê Phú Thọ) do con trai ông là ông Nguyễn Minh Trí (trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cung cấp. Dù ông Tân đã qua đời cách đây 12 năm nhưng những dòng thơ, hồi ký ông để lại đã giúp thế hệ sau hình dung và nắm bắt trọn vẹn cảm xúc của thời khắc lịch sử khi đó, đánh dấu thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước thế lực thực dân xâm lược.

Ông Trí cho biết, cha ông từng thuộc biên chế Đội 38 (Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó tiếp tục nằm trong đội ngũ được giao tiếp quản Thủ đô. Liên quan đến sự kiện này, ông Tân ghi rõ trong hồi ký: “Hòa bình lập lại sau Hội nghị Genève. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Ngày 14-9-1954, đơn vị được về Thủ đô tiếp quản. Được sự chỉ huy của anh Vũ Kỳ, anh Nguyễn Văn Long cùng Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, đoàn quân các ngả kéo về 5 cửa ô”.

Những dòng thơ, hồi ký của ông Tân về sự kiện giải phóng thủ đô. Ảnh: Lam Nguyên

Bên dưới những dòng này, người lính có tâm hồn của một thi sĩ ghi lại sáng tác của mình, đó là bài thơ “Cầu Giấy cửa ô”. Người xem không khỏi xúc động trước những câu thơ rất đẹp, giàu hình ảnh và nhạc tính: “Cửa ngõ của Thủ đô/Rừng cờ lại rừng cờ/Chật đường dân đón tiếp/Thực thực mà như mơ/Muôn miệng cười hoa nở/Nước mắt cứ tuôn trào/Đón bó hoa tươi thắm/Cô gái cửa ô trao/Đoàn người quân chân đất/Sức mạnh như thiên thần/Nhớ bao đồng chí mất/Cho Hà Nội mùa xuân”.

Nhiệm vụ của những người tiếp quản Thủ đô cũng được chủ nhân cuốn hồi ký mô tả chi tiết: “Ngày 10-10-1954, đơn vị tôi vào tiếp nhận Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Việt-Xô), Nhà hát Lớn với nhiệm vụ vệ sinh nơi công sở”. Và đây là những câu thơ của ông khi kể về việc trung đội được giao dọn vệ sinh cầu Long Biên: “Bấy giờ bốn giờ sáng/Xếp súng, vác chổi tre/Sương mờ buông ướt áo/Thời gian dài lê thê/Phương Đông mặt trời mọc/Xua tan làn sương mù/Chiếc xe cuối cùng rút/Cờ của giặc xác xơ/Quân ta hùng dũng tiến/Nhìn lên vòm cầu cao/Có hai chiến sĩ trẻ/Treo cờ đỏ vàng sao”. Có một niềm cảm khái và tự hào lớn lao trong những nhiệm vụ tưởng chừng quá đỗi bình thường. Nhưng điều bình thường ấy nào có dễ kiếm tìm một khi chưa được là công dân của một đất nước tự do?

Nhìn lại, ghi chép lại những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước mà bản thân mình từng là nhân chứng, ông Tân không khỏi bâng khuâng khi viết: “Thời gian trôi đi như mây bay nước chảy. Thấm thoát đã gần 60 năm rồi đấy. Nhưng kỷ niệm xưa vẫn hiện hữu trong tôi”. Ngày giải phóng Thủ đô năm ấy không chỉ sống động trong ký ức của một người mà đã trở thành ký ức dân tộc, để rồi niềm tự hào, tự tôn ấy tiếp thêm cho thế hệ sau tinh thần tự lực, tự cường trong bảo vệ, dựng xây Tổ quốc.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ven-nguyen-ky-uc-ve-ngay-giai-phong-thu-do-post296456.html
Zalo