Vén màn nhóm vũ trang tự nhận đứng sau vụ tấn công đẫm máu ở Kashmir
Nhóm vũ trang ít tên tuổi Mặt trận Kháng chiến (TRF) đã nhận thực hiện vụ tấn công ngày 22/4 khiến 26 du khách thiệt mạng và hơn chục người khác bị thương tại Kashmir (Ấn Độ).

Lực lượng an ninh Ấn Độ được triển khai tại hiện trường vụ khách du lịch bị tấn công ở Kashmir ngày 22/4. Ảnh: ANI/TTXVN
Trong những năm gần đây, các nhóm vũ trang đấu tranh đòi ly khai cho Kashmir khỏi Ấn Độ thường không tấn công vào du khách. Tuy nhiên, vụ thảm sát ngày 22/4 đã đi ngược với thực tế đó. Vậy TRF là ai, và nhóm này có tầm ảnh hưởng như thế nào ở Kashmir?
Theo Al Jazeera, thời tiết chiều 22/4 khá dễ chịu và đầy nắng, nhóm du khách đang chiêm ngưỡng cảnh đẹp tại thảo nguyên Baisaran của thị trấn Pahalgam, Kashmir, thì bất ngờ bị một nhóm tay súng từ khu rừng gần đó tấn công.
Các tay súng đã bắn chết 26 du khách, trong đó 24 người là khách du lịch Ấn Độ, 1 người đến từ Nepal và người còn lại là hướng dẫn viên du lịch địa phương. Ngoài ra, còn có 17 người khác bị thương.
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã đích thân đến Srinagar để tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân và chia buồn với gia đình họ. Tại đây, ông cam kết sẽ trừng phạt nghiêm khắc nhất những thủ phạm gây ra vụ việc thương tâm.
Trong khi đó, nhiều lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn với Ấn Độ, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên mạng xã hội rằng "những kẻ đứng sau hành động tàn ác này sẽ bị đưa ra trước công lý".
TRF sau đó tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công. Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn đánh giá của tổ chức nghiên cứu theo South Asia Terrorism Porta có trụ sở tại New Delhi cho biết TRF xuất hiện vào năm 2019 và được coi là một nhánh của Lashkar-e-Taiba (LeT) tại Pakistan. Ấn Độ cáo buộc Pakistan ủng hộ nổi loạn vũ trang ở Kashmir. Tuy nhiên, Pakistan đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này. Pakistan khẳng định chỉ hỗ trợ ngoại giao và tinh thần cho người dân Kashmir. Pakistan cũng lên án vụ tấn công vào khách du lịch ở Kashmir.
Mỹ đã đưa Lashkar-e-Taiba vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài. Lashkar-e-Taiba bị cáo buộc âm mưu tấn công ở Ấn Độ và phương Tây, bao gồm cả vụ tấn công kéo dài ba ngày ở Mumbai vào tháng 11/2008.
Các quan chức an ninh Ấn Độ nói rằng TRF sử dụng tên Kashmir Resistance trên mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến, nơi nhóm này nhận trách nhiệm về vụ tấn công ngày 22/4.
Bộ Nội vụ Ấn Độ vào năm 2023 báo cáo với quốc hội rằng TRF đã tham gia vào việc lập kế hoạch giết hại nhân viên lực lượng an ninh và người dân thường ở Jammu, Kashmir. Bộ Nội vụ Ấn Độ đồng thời cho biết TRF còn phối hợp tuyển dụng phiến quân và buôn lậu vũ khí, ma túy qua biên giới. Tháng 1/2023, chính phủ Ấn Độ tuyên bố TRF là một “tổ chức khủng bố”.
TRF sử dụng tên gọi tiếng Anh khiến nhóm này hoàn toàn khác biệt với các nhóm phiến quân ở Kashmir hầu hết đều mang tên Hồi giáo. Các cơ quan tình báo Ấn Độ tin rằng điều này nhằm mục đích tạo ra “tính trung lập”. Một số quan chức Ấn Độ cho rằng vụ tấn công ngày 22/4 có thể do Lashkar-e-Taiba thực hiện, với TRF đứng đầu nhận trách nhiệm nhằm tung hỏa mù các cuộc điều tra của Ấn Độ.
Đến năm 2020, TRF bắt đầu nhận trách nhiệm đứng sau các vụ tấn công nhỏ, bao gồm cả những vụ giết người có chủ đích. Kể từ đó, các cơ quan an ninh Ấn Độ đã triệt phá nhiều nhóm chiến binh TRF. Nhưng TRF vẫn tồn tại và phát triển.
Theo hồ sơ của chính phủ Ấn Độ, đến năm 2022, phần lớn các tay súng thiệt mạng trong các cuộc đấu súng ở Kashmir đều có liên hệ với TRF. Các thành viên TRF ngày càng sử dụng nhiều vũ khí nhỏ như súng lục để thực hiện các vụ giết người có chủ đích.
Tháng 6/2024, TRF cũng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công vào một chiếc xe buýt chở người hành hương theo đạo Hindu, khiến 9 người thiệt mạng và 33 người bị thương, tại khu vực Reasi của Jammu. Chiếc xe buýt đã lao xuống một hẻm núi trong vụ tấn công.