Vén màn góc khuất của bóng đá
Bóng đá là môn thể thao vua, từ lâu đã được mến mộ trên toàn thế giới bởi tinh thần thể thao cùng sự cuốn hút đến không thể cưỡng lại.
Tuy vậy, môn thể thao này cũng có những góc khuất mà không phải ai cũng biết. Tác phẩm “Việt vị - Những góc tối của môn thể thao vua” của tác giả Dũng Lê và Duy Đào sẽ bật mí những bí mật của làng túc cầu.
Dẫn dắt ấn tượng
Ngay từ ban đầu, “Việt vị - Những góc tối của môn thể thao vua” đã để lại một ấn tượng thật khó phai với người đọc.
Những trang sách liên tiếp với hai mảng màu sáng tối xuất hiện xen kẽ, mang theo vài dòng chữ. Nếu đọc những dòng này, người đọc dĩ nhiên sẽ ngay lập tức nhận ra đây chính là lời bình luận khi trận chung kết của một kỳ World Cup đang bước vào những giây phút quyết định.
“Cho hi vọng của cả hai đội”, “Thời gian thi đấu chính thức đã hết”, “chỉ còn vài phút bù giờ ít ỏi”, “sắp kết thúc rồi”, “hai huấn luyện viên đã không còn giữ nổi bình tĩnh”, “có vẻ như đó là pha bóng cuối cùng”, “trọng tài chính đã nhìn vào đồng hồ, có vẻ như chúng ta đã tìm ra” “Nhà Vô Địch Thế Giới!!”.
Sau đó là hàng loạt hình ảnh của các đội bóng vô địch World Cup đang nâng cúp cùng xuất hiện nhưng dần bị bóng tối che dần và biến mất giống như màn hình của chiếc TV vụt tắt khi trận đấu kết thúc.
Và thế là chúng ta sẽ đến với “Việt vị”. Một trang giấy trắng cùng dòng chữ màu trắng, đại diện cho sự thánh thiện của trái bóng tròn đã trích lời Sepp Blatter - cựu Chủ tịch FIFA: “Trẻ em cần những giá trị đáng để noi theo, và bóng đá giúp các em nhận ra tầm quan trọng của tính kỷ luật, sự tôn trọng và tinh thần thượng võ trong thể thao cũng như trong cuộc sống”.
Nhưng thật đáng buồn, ngay trang sách sau vẫn là màu trắng quen thuộc, song bắt đầu nhuốm đen bởi những dòng chữ trích một mẩu tin: “Tháng 12 năm 2015, Sepp Blatter bị Ủy ban Đạo đức FIFA ra án phạt cấm hoạt động bóng đá trong vòng 8 năm. Ông nắm giữ vị trí Chủ tịch FIFA kể từ năm 1998”.
Quả là cách mở đầu thật ấn tượng khi phía sau tiếng còi kết thúc trận đấu, trái bóng tròn vẫn chưa hề ngừng lăn. Và hai mặt tối, sáng của quả bóng cũng vì thế mà đảo chiều.
Chẳng ai ngờ lời nói khuyến khích trẻ em chơi đá bóng để phát triển bản thân lại đến từ vị cựu Chủ tịch FIFA, người điều hành cao nhất hoạt động bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới, và cũng là người phạm tội dẫn đến bị cấm hoạt động ở môn thể thao vua. Bóng đá luôn là thế, chỉ trong khoảnh khắc 62,5% trong sáng, thuần khiết kia sẽ bị lấn át bởi 37,5% những gì tăm tối, bẩn thỉu nhất xoay quanh.
Tỷ thí… “võ thuật” xấu xí
“Trái bóng cổ điển gồm 32 mảnh ghép. 12 trong số đó là những mảnh màu tối, chiếm 37,5%. Chúng ta có thể xem con số đó là một biểu tượng của môn thể thao vua – những mặt đẹp, tích cực trong trẻo chiếm tới 62,5%.
Phần còn lại sẽ được nói đến trong cuốn sách này”. Ngay lời giới thiệu, cuốn sách đã dẫn dắt độc giả dần dần mở từng cánh cửa ẩn sâu trong bóng tối của môn thể thao vua.
6 chương sách, 6 lỗi vi phạm được tác giả chia thành hai phần, mỗi phần ba lỗi, lần lượt là thẻ vàng và thẻ đỏ. Để tìm hiểu xem hai loại thẻ để phạt hành vi xấu của cầu thủ ra đời như thế nào, chúng ta sẽ đến với World Cup lần thứ 7 năm 1962 tại Chile ở lỗi vi phạm đầu tiên: Bạo lực & hooligan.
“Một trong những màn trình diễn ngu ngốc, kinh hoàng, ghê tởm và xấu hổ nhất trong lịch sử”; “Sân đấu nhanh chóng trở thành chiến trường, khi các cầu thủ quên đi trái bóng và tập trung đá vào chân cầu thủ đối phương đứng gần nhất”.
Quả là một kỳ World Cup tai tiếng về cả khâu tổ chức và đặc biệt là màn trình diễn đầy tính chất phi thể thao, bạo lực của cầu thủ hai bên. Chẳng thế mà người dẫn chương trình David Coleman đã đi vào lịch sử ngành truyền hình thể thao tại Anh với những bình luận vô cùng gay gắt trước phần trình chiếu tổng hợp diễn biến trận đấu giữa Chile và Ý: “Chào buổi tối quý vị và các bạn.
Trận đấu các bạn chuẩn bị được chứng kiến là một trong những màn trình diễn ngu ngốc, kinh hoàng, ghê tởm và đáng xấu hổ nhất về bóng đá trong lịch sử môn thể thao này. Đây là lần đầu tiên hai đội tuyển này đối đầu; và chúng tôi hi vọng đây sẽ là lần cuối cùng”.
Một trận đấu mà tính bạo lực bao trùm, không còn là trận đấu túc cầu, đến mức cả hai đội còn được miêu tả rằng: “Hôm nay, người Chile không muốn sử dụng lí lẽ, người Ý chỉ dùng vũ lực. Kết quả là một thảm họa”.
Trái bóng tròn ở World Cup 1962 đã lăn theo nhiều vết đen như thế đấy. Tuy vậy, cũng tại Chile năm ấy, những mảng sáng vẫn xuất hiện, và có mảng làm thay đổi hoàn toàn thế giới bóng đá sau này.
Trước tiên là tinh thần vươn lên của người Chile trước thiên tai để có thể tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Cho dù phải đối mặt với “cơn Đại Địa chấn Chile, hay còn gọi là Động đất Valdivia 1960.
Với cường độ lên tới 9,5 MW (theo thang địa chấn mô men), đây được xem là trận động đất lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử”, người dân Chile vẫn kiên cường đứng lên và tiếp tục chuẩn bị thật tốt cho kỳ World Cup. Thế là chỉ trong vòng 2 năm, World Cup đã được tổ chức theo đúng kế hoạch, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của con người, đứng đầu là Dittborn - người đã phát biểu “Vì chúng tôi chẳng có gì, chúng tôi sẽ làm mọi thứ” gây xúc động mạnh và thuyết phục FIFA trao quyền đăng cai World Cup cho Chile.
“Đáng tiếc thay, 32 ngày trước khi World Cup 1962 chính thức khởi tranh, ông đã qua đời ở tuổi 38. Nhìn chung, hầu hết các nguồn đều nhận định rằng Dittborn đã suy nhược sau khi phải xử lí khối lượng công việc quá lớn trong một thời gian hết sức ngắn”. Vậy là, Dittborn đã dành hết tâm huyết của bản thân để có thể giữ trọn lời hứa với đất nước Chile, FIFA cũng như người hâm mộ trên toàn thế giới. Chỉ tiếc là ông đã ra đi mà chưa kịp nhìn thành quả của mình.
Một mặt sáng nữa của kỳ World Cup trên đất Chile năm ấy chính là khởi nguồn của sự ra đời của hai tấm thẻ vàng và đỏ. Hai tấm thẻ này đã thay đổi thế giới bóng đá rất nhiều, khi có tác dụng răn đe các cầu thủ và giúp cho trận bóng đá trở về đúng nghĩa của nó chứ không còn là màn tỉ thí võ thuật giữa hai đội.
Bê bối trọng tài
“Cho cháu mua một chiếc áo đấu của Hàn Quốc. Chắc chắn rồi, cháu muốn loại của cầu thủ hay trọng tài?”. Có lẽ kỳ World Cup 2002 diễn ra tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã đi vào lịch sử với tư cách là một trong những kỳ có tổ chức trọng tài bê bối nhất. Và không chỉ tại kỳ World Cup này, vấn nạn mua, bán độ đã được hai tác giả đưa ra tại phần sách “không trung thực”, một trong ba phần của mục “thẻ đỏ”.
“Ít ai biết rằng, một trong những trận đấu tai tiếng nhất trong lịch sử World Cup chuẩn bị được diễn ra”. Đó là trận đấu giữa Ý và Hàn Quốc, được trọng tài người Ecuador, Byron Moreno cầm còi điều khiển. Một bên là Ý với hàng loạt các hào thủ trên mọi tuyến đang ở độ tuổi chín nhất sự nghiệp với nhiều kì vọng, tuy nhiên lại có chiến dịch vòng bảng đầy thất vọng.
Bên kia là chủ nhà Hàn Quốc, được thi đấu dưới sự cổ vũ của khán giả nhà, có chuỗi trận ấn tượng tại vòng bảng và đang mơ ước về kỳ tích tại World Cup. Trận đấu diễn ra hấp dẫn ngay từ đầu, với sự ăn miếng trả miếng từ cả hai bên. Ý, với đẳng cấp của mình đã vươn lên dẫn trước 1-0 ngay từ phút 18.
Thế nhưng, người Ý đâu ngờ rằng từ phút 19 trở đi, trận đấu dường như đã bị bóp méo dưới tiếng còi của trọng tài Byron Moreno: “Byron Moreno tiếp tục gây “ấn tượng” với khán giả Ý trong phần tiếp theo của trận đấu. Lee Chun-Soo đá thẳng vào đầu
Maldini có thể xem là một tình huống dứt điểm hụt bóng. Nhưng ngay sau đó, khi Tomassi - lại là Tomassi - thu hồi trái bóng để tiến lên, anh liền bị Song Chong-Gug quét chân từ phía sau, không quên “kèm” một cú vung tay khác.
Trong cả hai tình huống này, trọng tài Moreno đều ở rất gần, có những góc nhìn thuận lợi. Nhưng khái niệm về hành vi phi thể thao của ông dường như hơi lạ lùng”. Ý sau đó còn bị tước đi bàn thắng vàng “Tomassi chỉ biết lắc đầu”. Và, thật nghiệt ngã, họ đã bị người Hàn “kết liễu” trong hiệp phụ.
“Tất cả những việc này diễn ra ngay trước mắt gần bốn vạn khán giả có mặt trên Daejeon. Dĩ nhiên, hầu hết trong số đó là cổ động viên của chủ nhà Hàn Quốc. Có thể họ đã nhìn thấy một màn cống hiến quật cường, những nỗ lực tận tâm dẫn tới đỉnh cao là bàn gỡ hòa vào phút 88 của Seol Ki-Hyeon”.
Nhưng người Ý và trận tứ kết với cổ động viên của Tây Ban Nha không hề nghĩ như vậy. Rõ ràng với Ý, Tây Ban Nha cũng như người hâm mộ trên toàn thế giới cũng không khỏi đặt ra những dấu hỏi khó hiểu về trọng tài. Stepp Blatter, Chủ tịch FIFA vào thời điểm đó, người dính bê bối sau này đã phát biểu như một cách an ủi tuyển Ý: “Công tác trọng tài là khía cạnh tiêu cực nhất của kỳ World Cup này.
Thật đáng buồn thay, và điều này làm cho tôi đau đớn, đã có những hoàn cảnh đặc biệt và những sự trùng hợp cho thấy rất nhiều lỗi hướng tới bất lợi cho đội Ý”. Trường hợp của kỳ World Cup 2002 trên đất Hàn Quốc chỉ là một trong vô số những vết đen mà “Việt vị - Những góc tối của môn thể thao vua” chỉ ra về vấn nạn mua bán độ trong bóng đá.
Đúng là khi tiền bạc đã chi phối, quả bóng sẽ không còn tròn nữa. Nhưng khi những mảng đen của trái bóng được bật mí từ mỗi trang sách, như là cách giúp cho trái bóng tròn hơn, lăn xa hơn và trong sáng hơn.
“Có lẽ từ bao lâu nay, chúng ta xem bóng đá còn là để kiếm tìm cái gì đấy chân thật giữa người với người. Con người vốn ít khi có dịp để thật với nhau về cảm xúc, ấy vậy mà tình yêu bóng đá, vô tình thôi, lại là dịp cho chúng ta thật với nhau về cảm giác”.