Về vùng cà phê công nghệ cao

Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao khoảng 300 ha tại các thôn Tiền Yên, Đông La 1, Đông La 2 (xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm) là vùng đầu tiên của huyện được công nhận. Hiện nay, 100% sản phẩm quả cà phê trong vùng đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, hình thái, mẫu mã sản phẩm để dùng làm nguyên liệu chế biến và xuất khẩu.

Vùng sản xuất cà phê 300 ha ứng dụng công nghệ cao tại xã Lộc Đức

Vùng sản xuất cà phê 300 ha ứng dụng công nghệ cao tại xã Lộc Đức

CÔNG NHẬN 300 HA ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Hiện nay, vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao có 3 hợp tác xã (HTX) là HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Organic Lộc Đức, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Đức, HTX Nông nghiệp Nông Đức Thịnh thu mua cà phê và 10 đại lý cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất cà phê cho người dân. Cùng với đó, trong vùng có HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Organic Lộc Đức đã thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chiếm khoảng 80% tổng sản lượng của vùng.

Diện tích cà phê trồng trên địa bàn xã gồm các giống chủ lực: TR4, TS5, TS1, Thiện Trường và Hữu Thiên được mua tại những cơ sở cung cấp giống cây trồng đủ tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. 100% sản phẩm quả cà phê trong vùng đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, hình thái, mẫu mã sản phẩm để dùng làm nguyên liệu chế biến và xuất khẩu; có 255 hộ canh tác trên diện tích 300 ha cà phê có bản cam kết sản xuất nông sản an toàn. Năng suất cà phê bình quân trong vùng đạt 6 - 7,8 tấn/ha, so với bình quân chung toàn tỉnh cao hơn 79% - 132%.

300 ha sản xuất của vùng áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, sử dụng máy phun thuốc phòng trừ dịch bệnh bán tự động; áp dụng các công nghệ trong khâu thu hoạch, phân loại sản phẩm, bảo quản, chế biến nông sản đạt 86,6%. 120 ha ứng dụng hệ thống tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, tưới thấm có thiết bị điều khiển tự động. 150 ha sử dụng các loại thiên địch có sẵn trong vườn, bổ sung thêm các chủng vi sinh vật từ các sản phẩm vi sinh để ngăn chặn dịch hại và giảm thiệt hại do sâu, bệnh gây ra.

Ông Bùi Hoàng Giang - Chủ tịch UBND xã Lộc Đức cho biết, vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao của xã đã được công nhận vào ngày 25/2/2025. Đây là tiền đề để người nông dân hướng đến việc sản xuất cà phê chất lượng cao; đầu tư chuyên canh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cà phê sạch, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để nâng tầm sản phẩm của cà phê địa phương đến thị trường trong và ngoài nước, mang lại thu nhập cao cho người trồng cà phê.

Là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận, ông Lê Quang Linh hiện canh tác 9 ha cà phê trong vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao cho rằng, việc tham gia vào vùng sản xuất mang đến nhiều lợi thế cho gia đình, nhất là việc tiếp cận, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường. Hiện tại, gia đình ông đã mua máy bay phun thuốc để chăm sóc cà phê.

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG SẢN XUẤT

Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm hằng năm sử dụng 50% thuốc sinh học phòng trừ các loại thiên địch có sẵn trong vườn, bổ sung thêm các chủng vi sinh vật từ các sản phẩm vi sinh để ngăn chặn dịch hại và giảm thiệt hại do sâu, bệnh gây ra đã góp phần làm giảm 50% rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Hàng năm, UBND xã Lộc Đức cùng Đoàn Thanh niên tuyên truyền, vận động và phối hợp bà con trong vùng tiến hành thu gom, phân loại và xử lý rác theo quy định. Hiện nay, 100% rác thải vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng được các hộ dân thu gom, trả lại cho các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp để các cơ sở này tập kết và xử lý theo quy định về môi trường nhằm giảm ô nhiễm môi trường tối đa trong vùng sản xuất. 100% nông hộ sử dụng phân chuồng đã ủ hoai, thực hiện tốt việc vệ sinh vườn cây trước khi sản xuất vụ tiếp theo như: cắt tỉa cành, làm cỏ, vệ sinh.

Khoảng 250 ha/300 ha (đạt 83,3% diện tích của vùng) được bà con nông dân trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao như: bơ, sầu riêng, chuối Laba… trong vườn cà phê nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác và đóng vai trò che bóng cho cây cà phê. Người dân còn được hướng dẫn trồng xen các loại cây như muồng đen để tạo độ che phủ đất, vừa có thể bảo vệ tài nguyên đất vừa có tác dụng che mát cà phê, chắn gió, chống xói mòn đất. Triển khai các giải pháp phục hồi và mở rộng các diện tích sản xuất cà phê, nhân rộng các mô hình sản xuất cà phê cảnh quan bền vững. Cùng với đó, UBND xã cũng tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo giống cà phê trên những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp và áp dụng các quy trình sản xuất bền vững, hiệu quả.

Đặc biệt, năm 2020, Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm đã đầu tư, xây dựng Mô hình Hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu tại xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm. Hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu gồm 1 trạm quan trắc thời tiết độc lập kết nối 3G; 3 thiết bị thu sóng trung tâm; 20 thiết bị cảm biến độ ẩm đất không dây phát sóng tầm xa. Những thiết bị này sẽ phục vụ theo dõi trực tiếp tình hình khí hậu, báo lên trạm tổng để người cần thông tin sử dụng. Ngoài ra, còn thực hiện lấy 20 mẫu đất để phân tích sa cấu đất. Một phần mềm trên điện thoại thông minh, website phục vụ 100% nông hộ trong vùng. Mô hình lắp đặt và vận hành thiết bị kiểm soát qua internet, lắp đặt pin mặt trời, giám sát thời tiết tự động qua internet, các thiết bị đo độ ẩm và trạm thời tiết độc lập.

Điểm nhấn đối với các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh là thông qua các cảm biến, thiết bị, hệ thống sẽ thu thập các chỉ số môi trường liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để dự báo, khuyến cáo cho nông dân trong vùng. Qua đó, giúp nông dân giảm được nhiều khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; thay đổi dần tập quán canh tác trong nông dân phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu.

Với sự vào cuộc quyết liệt và nhiều giải pháp hỗ trợ của chính quyền và các hộ nông dân trong đổi mới phương thức sản xuất, xây dựng vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê ở xã Lộc Đức, đáp ứng những yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

ĐỨC TÚ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/ve-vung-ca-phe-cong-nghe-cao-dd94899/
Zalo