Về với cội nguồn cách mạng
Từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước, Cao Bằng luôn giữ vị trí kinh tế, chính trị, quốc phòng đặc biệt quan trọng ở dải biên cương phía Bắc Tổ quốc Việt Nam. Cao Bằng không chỉ được biết đến với vẻ đẹp núi non đại ngàn, thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây còn là vùng đất có một bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc, mang đậm dấu ấn của lịch sử cách mạng.
Hành trình lịch sử - chiếc nôi cách mạng
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, nhiều lần bị chia tách, sáp nhập, Cao Bằng vẫn luôn giữ cho mình vị thế của một “tấm khiên” trọng yếu, vững chắc nơi biên cương. Lịch sử Cao Bằng rực sáng trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là truyền thống chống giặc ngoại xâm, vượt qua những khó khăn, thử thách trong hành trình bảo vệ nước nhà. Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn tự hào, năm 1961, Bác Hồ lên thăm Cao Bằng, thăm hang Pác Bó nơi Người đã sống và làm việc 20 năm trước, gặp gỡ bà con làng Pác Bó. Ngày 21/2/1961, trong cuộc mít tinh tại Sân vận động Thị xã Cao Bằng, Người căn dặn: “Bác mong Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc giải phóng dân tộc”.
Trong những ngày đầu tiên của cách mạng Việt Nam, đặc biệt vào đầu thế kỷ 20, đất nước ta bị thực dân Pháp đàn áp, đô hộ, năm 1941, Cao Bằng tự hào trở thành căn cứ địa được lãnh tụ Hồ Chí Minh lựa chọn và đặt chân tới đầu tiên để làm cách mạng, sau bao nhiêu năm bôn ba tìm đường cứu nước. Với đầy đủ yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tại Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Bác Hồ đã sinh sống và làm việc, lãnh đạo các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nơi đây, mỗi con đường, mỗi hòn đá, mỗi chiếc lá... đều thấm đẫm tinh thần cách mạng, làm nên những trang sử vàng son của đất nước.
Trở về với cội nguồn Pác Bó, sau 83 năm ngày Bác Hồ về nước và chọn nơi đây làm căn cứ địa cách mạng, khu Di tích Lịch sử Pác Bó đã có những thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Từ một vùng đất hoang sơ, khó khăn trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách du lịch đến tham quan khu di tích Pác Bó đạt khoảng 700.000 lượt, trong đó có khoảng 60.000 lượt khách quốc tế vào năm 2023. Song, dù diện mạo về cơ sở vật chất hạ tầng, dịch vụ và các hoạt động văn hóa địa phương không ngừng cải tiến, phát triển nhưng những giá trị về lịch sử, giá trị tinh thần, cảm xúc linh thiêng của vùng đất từng là cái nôi của cách mạng vẫn luôn được lưu đọng, không hề lu mờ trong lòng du khách khi đến với Pác Bó.
Cao Bằng - nơi chiến tuyến cách mạng của nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân với thực dân Pháp, từ khởi nghĩa của những người dân tộc thiểu số, những người công nhân thợ mỏ, đến chiến công hiển hách của Chiến dịch Biên Giới 1950, là nơi ghi dấu sự thành lập của biết bao tổ chức hoạt động cách mạng lẫy lừng.
Mảnh đất địa linh, nhân kiệt
Trong suốt tiến trình lịch sử đã chứng minh sự phát triển liên tục của Cao Bằng, từ thời kỳ đồ đá đến thời đại văn minh đều gắn liền với các truyền thống văn hiến. Nhiều di tích văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử còn được lưu giữ cho tới ngày nay. Đặc biệt, nhiều làng nghề, lễ hội, nghi lễ truyền thống của người dân bản địa được lưu truyền qua bao thế hệ như lễ hội Lồng Tồng của người Tày, hát Then, lễ hội Nàng Hai,... mỗi truyền thống đều ẩn trong mình những niềm tin về cuộc sống ấm no, tỉnh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Cao Bằng còn là nơi giao thoa, cư trú của nhiều dân tộc anh em. Hơn 95% người dân Cao Bằng là người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán chỉ, Lô Lô,... Mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa riêng biệt, làm nên một bức tranh phong phú và đa màu sắc. Trước khi Đảng ra đời, nhân dân các dân tộc anh em Cao Bằng đã có những thời kỳ đồng lòng đấu tranh, phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm từ thời đại phong kiến đến khi lật đổ chế độ thực dân Pháp.
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Cao Bằng nhiều cảnh sắc hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh và khu di tích lịch sử hào hùng. Thác Bản Giốc, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích lịch sử Kim Đồng... Những địa điểm này vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là nơi để các thế hệ cả nước tự hào tìm về, thấu hiểu tinh thần đấu tranh của cách mạng dân tộc. Non nước hữu tình hòa quyện với con người cùng vẻ đẹp văn hóa, ẩm thực đậm đà bản sắc dân độc đã đem đến cho Cao Bằng nét đẹp quyến rũ rất riêng và trường tồn.
Nhiều du khách khi đến tham quan, du lịch tại Cao Bằng đã chia sẻ về những trải nghiệm về cảnh sắc và con người nơi đây: “Cao Bằng thật đẹp... người Cao Bằng rất thân thiện, chân thành và hiếu khách...".
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên riêng biệt, Cao Bằng còn là nơi ươm mầm, sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các chiến sĩ cách mạng như: Thục Phán An Dương Vương, Nùng Trí Cao; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đình Giong - nhà hoạt động cách mạng chân chính, cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng ta, quân đội ta; anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn; anh hùng liệt sĩ Kim Đồng; Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu...
Người Cao Bằng xưa nay được biết đến với tỉnh thần kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, cần cù trong lao động. Ở thời chiến, họ đoàn kết, chia sẻ ngọt bùi, chung sức bảo vệ quê hương với tinh thần cách mạng ăn sâu vào từng thế hệ. Ở thời bình, họ là những mảnh đời chân chất, miệt mài lao động, xây dựng và phát triển quê hương.
Diện mạo Cao Bằng giờ đây ngày càng đổi mới, đời sống vật chất ngày càng được nâng lên. Công tác xây dựng và phát triển Thành phố không ngừng củng cố. Dù Cao Bằng đã trải qua bao nhiêu thời kỳ thay áo và cải cách, nhưng với những giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa, Cao Bằng mãi là biểu tượng của tinh thần cách mạng, lòng yêu nước và sự kiên cường của dân tộc Việt Nam.