Về Vạn Trạch nghe vạn chuyện vui
Khi Công an tỉnh Quảng Bình giới thiệu tôi về xã Vạn Trạch (Bố Trạch) để viết về chuyển biến tích cực trong an ninh trật tự sau khi có công an chính quy về xã, thật lòng là tôi hơi băn khoăn: Chỉ là địa phương thuần nông, không trung tâm đô hội, không điểm nóng…, tại sao lại là Vạn Trạch?
Từ ngã ba thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch chạy theo Tỉnh lộ 2 (đường lên động Phong Nha) chừng 7km, nằm phía trái là xã Vạn Trạch. Là một xã thuần nông, bán sơn địa, Vạn Trạch có hơn 2.000 hộ, với hơn 7.500 nhân khẩu, một thời được quy hoạch nằm trong thị trấn Hoàn Lão mở rộng.
Ăn cắp vặt
Trong dãy nhà cấp 4 cũ kỹ nhưng khá sạch sẽ và ngăn nắp, Trung tá Hà Anh Hai - Trưởng Công an xã Vạn Trạch kể về những ngày đầu gian nan khi mới về nhận nhiệm vụ ở đây. Đến nay, cả cán bộ và người dân xã Vạn Trạch vẫn không thể lý giải một cách cặn kẽ, vì sao trước đây địa phương mình lại có quá nhiều tệ nạn đến vậy, trộm cắp, ma túy, cờ bạc, đâm, chém, cướp, hiếp… gần như đủ cả. Công an tỉnh Quảng Bình từng lập một chuyên án riêng về an ninh trật tự tại xã Vạn Trạch.
Theo Trung tá Hai, xưa ở Vạn Trạch có nhiều phụ nữ ăn cắp vặt. Họ tổ chức thành từng nhóm, tỏa về các chợ, hay làng quê ở tỉnh Quảng Bình để ăn cắp. Một người giả vờ hỏi mua hàng, chọn hàng, chờ khi chủ hàng lơ đễnh là tuồn hàng ra cho người đứng phía sau, giấu vào bao bì mang theo hoặc trong quần áo.
Lập mỗi nhóm từ 3-5 người, cứ thế họ tỏa đi khắp nơi, thậm chí lên tận huyện miền núi Minh Hóa, cách Vạn Trạch hơn 100km. Hàng trộm cắp hữu dụng thì chia nhau mang về nhà để dùng, hàng dư ra thì bán lấy tiền chia nhau. Họ kín đến mức, nhiều ông chồng và con cái trong gia đình không hề biết vợ mình, mẹ mình là đạo chích, trừ những trường hợp bị bắt.
Vì là ăn cắp vặt nên chỉ bị người mất hàng nổi nóng đánh đập, rồi mang nộp cho chính quyền địa phương sở tại. Do không đủ tang số để khởi tố hình sự, nên chính quyền sở tại chỉ phạt hành chính và gọi lãnh đạo xã Vạn Trạch đến nhận người về.
“Ngày trước, anh chủ tịch Mặt trận xã ở đây mỗi khi nghe điện thoại, yêu cầu đến địa phương nào đó nhận người là ngán ngẩm. Đi nhận người quá nhiều, không chỉ vất vả, mà còn tốn kém, rồi còn xấu hổ với xã bạn. Hết cách, lãnh đạo xã bèn đợi đến ngày Tết, tổ chức đá bóng, bắt những người chuyên ăn cắp vặt trong xã, đeo 1 bảng trước ngực, ghi rõ: “Tôi là người chuyên trộm cắp”, đi dạo khắp sân bóng, trước hàng nghìn cặp mắt nhìn vào, nhưng rồi chứng nào, tật ấy, năm bữa, nửa tháng lại nghe điện thoại đi nhận người” - Trung tá Hai kể.
Hoàn lương nhờ cảm hóa
Trung tá Hai dẫn tôi vào một ngôi nhà 2 tầng, vừa mới hoàn thành nhìn như biệt phủ của đại gia và giới thiệu chủ nhân ngôi nhà này từng là đạo chích. Như hiểu được sự hoang mang của tôi, Trung tá Hai giải thích: “Cơ ngơi này không phải do ăn cắp mà có đâu. Sau khi hoàn lương, chị ấy cùng chồng chí thú làm ăn, đặc biệt, có cậu con trai vào Bình Dương mở cửa hàng buôn bán hàng điện tử, ăn nên làm ra đã gửi tiền về góp cùng cha mẹ xây nhà”.
Cổng, cửa nhà không khóa, chúng tôi đang đứng ở sân ngắm nhìn ngôi nhà, một người phụ nữ chạy xe máy lao từ ngoài vào, trên vai vác một cây chuối to. Chị hồ hởi mời chúng tôi vào nhà và cho biết chị nuôi rất nhiều gà nên phải đi mua chuối về băm cho gà ăn. Rót nước mời khách, chị ngại ngùng kể về những tháng ngày xưa cũ.
Sinh năm 1977, chị N.T.Đ. không nhớ mình lần đầu vào “nghề” từ năm nào. Chị chỉ nhớ, chị gái rủ đi chợ cùng, và chị gái cũng chính là người đầu tiên hướng dẫn chị ăn cắp. Những thứ mà các chị lấy cắp giá trị vật chất thường không lớn, khi thì miếng thịt, khi thì con cá, hay gói đường, gói bột ngọt… Cứ thế chị Đ. trở thành “siêu trộm” khi nào không hay biết.
Chị Đ. nhớ lại: “Có hôm bị bắt tại trận, bị mắng nhiếc, đánh đập tủi hổ và đau đớn lắm. Đêm về nằm nghĩ lại nước mắt cứ chảy dài ướt cả gối. Tui suy nghĩ rất nhiều, nếu lỡ chồng con mà biết thì sống sao nổi. Tự hứa với lòng mình là sẽ từ bỏ cái nghề không ra gì này. Nhưng không hiểu sao, như ma xui quỷ khiến, vài ba ngày ở nhà là thấy trong người bứt rứt, khó chịu. Khi ra đến chợ, thấy món đồ của họ để hớ hênh là trong người cứ rạo rực không kiềm chế được, thế là lại “ngựa quen đường cũ”. Nói thật, nếu không có mấy chú công an xã, không có chú Hai đây tận tình động viên, giúp đỡ, rồi răn đe thì tui không biết mình giờ ra sao nữa”.
Ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch, chia sẻ: “Cách làm của các anh em Công an xã khác trước đây rất nhiều, có phương pháp, có nghiệp vụ, chứ không cứng nhắc, thậm chí là vi phạm nhân quyền như kiểu bắt các chị đeo bảng đi diễu hành. Các anh ấy khi thì rất rắn nhưng khi lại rất mềm mỏng, đánh vào tâm lí các chị, các mẹ là hạnh phúc gia đình, tương lai của con cháu sẽ ra sao khi có mẹ, có chị là những người chuyên trộm cắp. Mưa dầm thấm lâu, các mẹ, các chị đã dần nhận ra và từ bỏ cái nghề đã ăn vào máu thịt của họ hằng bao năm nay”.
Ông Lương cho biết, từ khi có Công an chính quy về xã đã tham mưu cho chính quyền địa phương được rất nhiều mặt công tác, nhiều điểm nóng về an ninh trật tự đã được tháo gỡ, và hơn hết là thay đổi được lối tư duy, suy nghĩ của người dân về việc chấp hành pháp luật. “Như việc tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với công ty giống, rồi nạn cờ bạc, rượu chè, gây rối, đâm, chém… đều được dẹp yên. Đặc biệt, là nạn đánh bắt chim trời, rồi đánh bắt hải sản bằng xung điện. Việc này liên quan thiết thân đến nghề nghiệp và cuộc sống của một bộ phận người dân nên ban đầu rất khó và tưởng chừng như không làm được. Nhưng nay đã khác, tự ý thức người dân mong muốn bảo vệ, giờ thì cá tôm sinh sôi đầy đặc, chim trời về đậu rợp những cánh đồng của Vạn Trạch” - ông Lương tâm sự.
Chia sẻ về những thành tích đạt được, Trung tá Hà Anh Hai cho rằng, cần phải gần dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, còn khi thực thi nhiệm vụ phải quyết liệt và thật sự tâm huyết.
Không chỉ làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội mà Công an xã Vạn Trạch còn là điển hình của huyện Bố Trạch trong thực hiện các chỉ tiêu của Đề án 6 như: phối hợp cài đặt và kích hoạt định danh điện tử đạt 68% (vượt chỉ tiêu năm 2024); tổ chức cấp căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi đạt 100%...