Về văn bản Như Lai ứng hiện đồ và bộ ván khắc năm Tự Đức tại chùa Phúc Long ở Hải Dương

Từ việc xuất hiện các văn bản khác nhau truyền thế, có thể nói 'Như Lai ứng hiện đồ' là một truyện phẩm về tranh khắc gỗ của Phật giáo Việt Nam.

1. Văn bản Như Lai ứng hiện đồ

Như Lai Ứng Hiện Đồ, còn gọi là Thích Ca Phật Hội đô sự tích, không rõ ai là tác giả và đây có phải là bộ truyện tranh đồ họa về lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni cổ nhất và duy nhất xuất hiện chính xác vào năm nào. Nhưng căn cứ vào lời tựa dẫn Ngự chế đầu sách có viết kiêng húy chữ Lợi của Vua Lê Thái Tổ (1385-1433). Bài hậu tựa còn viết kiêng húy chữ Căn của Trịnh Căn (1633-?) và chữ Bang của Vua Lê Anh Tông (1557- 1573). Như vậy có thể khẳng định bộ sách này xuất hiện vào thời Hậu Lê. Đến niên hiệu Cảnh Hưng, năm Giáp Tý (1744) được Hòa Thượng Hiển Mật Chân Lý chùa Nguyệt Đường cho khắc lại. Năm Minh Mệnh thứ (1832) có Sa di tự Phổ Hòa trụ trì chùa Bảo Quang, xã Lãm Sơn huyện Quả Dương cho khắc ván lại. Năm Tự Đức thứ 10 (1857) có Sa môn tự Sinh Kiều trụ trì chùa Phúc Lâm, xã Đỗ Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang cho khắc ván lại. Năm Tự Đức thứ 13 (1860) lại có Sa di ni hiệu Diệu Bình chùa Khánh Ân xã Cổ Đô huyện Tiên Phong cho khắc ván. Niên Hiệu Thành Thái thứ 7 (1905) do Hòa Thượng Chu Viên Yết Ma Thích Tuệ ở Biên Hòa cho khắc ván lại.

Như vậy, từ thời Cảnh Hưng đến nay đã có 5 lần khắc ván lưu thông. Theo Nguyễn Thị Oanh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có bài nghiên cứu Về văn bản Như Lai Ứng Hiện Đồ hiện lưu trữ tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 6 năm 2014 đã giới thiệu 4 văn bản đang lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và 2 bản ở Thư viện Huệ Quang Tp.Hồ Chí Minh. Hiện Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm còn các bản sau:

Như Lai ứng hiện đồ //如 來 應 現 圖 4 bản in, 2 tựa, 1 chí.

1709: chùa Bảo Quang, h. Quế Dương in năm Minh Mệnh 13 1832, 90 tr, 38.5 x 19, 40 hình vẽ.

Vht. 34: 90 tr., 41 x 20, 39 hình vẽ cùng ván khắc với a. 1709.

2779: in năm Tự Đức 13 1860, 74 tr., 39 x 29, 37 hình vẽ.
1035: chùa Phúc Long, in năm Tự Đức 10 1857, 88 tr., 36 x 29, 41 hình vẽ.

Các bức vẽ về sự ứng hiện của Phật Như Lai từ lúc Đản sinh đến lúc thành Phật.

Dưới mỗi bức vẽ có nói sự tích của Phật. Hiện nay tại Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam còn lưu giữ được 4 bản Như Lai Ứng Hiện Đồ được in vào năm 1744, 1832, 1857 và 1860. Sách đều có khổ lớn 41,5x30, ruột sách khổ 28x25, sách có 39 hình vẽ, có 36 bức tranh liên quan đến sự tích đức Phật Thích Ca từ đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết Bàn. Tranh đồ họa đạt đến trình độ cao của hội họa mang phong cách thuần Việt từ trang phục, con người cho đến phong cảnh. Điều đặc biệt là kèm theo mỗi bức tranh là lời thuyết minh viết bằng chữ Hán theo phong cách thời Lê. Mỗi trang là một kiểu chữ khác nhau như: chữ Chân chữ Lệ, chữ Hành Thư, chữ Thảo,.. có cả trang khắc chữ chân, chữ trắng nền đen như thác bản Văn Bia.

2. Giới thiệu bài tựa: Ngự Chế khắc lại bộ Như Lai Ứng Hiện Đồ

Ta nghe nói: “Phật thánh nhân ưa làm việc thiện. Trong khoảng trời đất vô cùng, thứ thứ đạo lý không gì chẳng cầu, cái mầu nhiệm rộng lớn mà phúc đó ắt đến, phàm đến chỗ thiện mà dừng. Cho nên kinh của Đạo, Điển tịch của họ Thích đều có thể xem”.

Bài tựa ngự chế khắc lại Như Lai ứng hiện đồ (bên phải bản ván khắc, bên trái bản in)

Bài tựa ngự chế khắc lại Như Lai ứng hiện đồ (bên phải bản ván khắc, bên trái bản in)

Ta nối tiếp cơ nghiệp, nghĩ đến khôi phục khuôn phép, bèn sưu tập các sách Lý số muốn tìm nguồn Đạo. May gặp vị Sa Môn đem kinh Phật đến dâng, mở ra xem hai ba lần, thấy được trong hào quang bẩy báu hiện ra sắc vàng ngọc hào. Chẳng những tự đủ Phật tướng, mà do chỗ tâm tạo, thật cùng với hết thảy chúng sinh trong cõi diêm thì cách nhau như trời với đất.

Chúng sinh chìm đắm nơi vật dục, tạo các ác nghiệp. Mà Phật thì đoạn bỏ năm dục, phá phiền não trói buộc. Chúng sinh thì chạy theo danh lợi, chịu các nẻo khổ, mà Phật thì diệt hết mê lợi danh lên bờ giải thoát. Nên đạo của ngài sâu rộng nhiệm mầu, vắng lặng vi diệu. Mà muốn trở về đạo ấy thì không ngoài một chữ thiện vậy. Mở rộng thiện niệm này thì tại gia làm Chuyển luân thánh vương, xuất gia làm Thành đẳng chính giác. Chỗ công đức làm lợi ích chúng sinh thống nhất mà thôi.

Ta lấy đó mà suy, cái tâm vui với việc thiện của Thánh nhân, mà biểu thị ra lấy đó mà vào thiền môn, trở thành bậc xuất chúng. Nay đặc biệt viết tựa:

Phật đức vô biên như biển lớn

Vô hạn diệu bảo chứa ở trong

Vương nghiệp mãi mãi vô cùng

Nước đức trí tuệ thường đầy tràn

Trăm ngàn thắng định đều đầy đủ.

3. Bản khắc bộ Như Lai ứng hiện đồ chùa Phúc Long

Mặc dù bản Như Lai ứng hiện đồ đã nhiều lần được khắc lại, tuy nhiên bản ván xưa nhất không còn hoặc chưa tìm thấy. Tuy nhiên, năm 2024, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đã tiếp cận được bộ ván khắc vào năm Tự Đức thứ 10 (1857).

Tình trạng chung của bộ ván tương đối tốt, dù nhiều ván bị nứt, vỡ nhưng vẫn còn có thể in lại.

Bộ ván bị thiếu tờ số 10. (nên sách chỉ còn 42 trang)

Kết cấu của sách:

Ngự chế bài tựa khắc lại bộ Như Lai ứng hiện đồ
Phần chính văn từ trang 1- trang 38
Bài Hậu tự sau trang 38
Thập phương Tăng già chứng minh

4. Giới thiệu bản dịch bài Hậu tựa

Khắc lại Phật xuất thế đồ dẫn Tố-Đát lãm hậu tựa

Kính nghe: Đức Thế Tôn xuất thế bởi vì cứu giúp chúng sinh. Đức Thích Ca Đản sinh ắt có hiển bày dấu cũ, huống chi viên quang vắng lặng, lấy từ bi hỷ xả làm tông chỉ. Linh cảm mênh mang dùng phương tiện quyền hành mà tác pháp. Việc không nhất định gồm có năm việc. Ban đầu từ đâu suất giáng thần, Đản sinh nơi Tỳ Lam thị hiện sắc tướng đó là thứ nhất. Dạo chơi bốn cửa thành chợt có sự tỉnh ngộ, nửa đêm vượt thành nhanh chóng xuất gia đó là thứ hai. Sáu năm núi tuyết tu khổ hạnh, một sớm dưới cây đạo thụ thấy sao mai ngộ đạo chẳng phải là ba ư? Ban đầu ở Lộc Uyển chuyển bánh xe pháp, sau dừng nơi Sa Bà để lại di chúc, đó là bốn vậy. Năng sở đã dứt hết vào Niết bàn, Xá lợi đã lưu làm Phật bảo, đây là kết thúc ở việc thứ năm.

Tóm lại: Chính pháp từ phương Tây lại, tuệ nhật ở trời. Thời có trước sau, mà đạo thì không có lên xuống, đời có xưa nay mà pháp không có hưng suy Ở nơi người học đạo tâm thông ý hiểu, suy nghĩ sâu mà tự chứng được vậy.

Nay người xuất gia trong Thiền môn rộng xem sự lý, trộm thấy bản họa đồ xưa có 36 thể ban đầu từ Đông độ truyền đến nước Nam, ngày tháng bào mòn, tả tơi mục nát, bày ra trước mắt nên không tránh khỏi thở than thương hại để rơi mất ngọc châu. Bởi vậy, gánh vác sứ mệnh của Như Lai chẳng từ mệt nhọc, đi khắp nơi mộ hóa, khắc ván lưu thông, mãi truyền sữa pháp được vô cùng để lại nền phúc mãi không mất.

Trên chúc Hoàng cung ức tuổi, Thánh chúa vạn năm, Phật nhật tăng huy đèn pháp chiếu khắp.

Kính nguyện người người kính ngưỡng, mỗi mỗi tôn sùng, người nào thấy nghe gột sạch bể nghiệp trong khoảng chớp mắt. Người nào nhìn qua thì rửa hết trần tâm trong khoảng sát na. Lớn thay! Đẹp thay! Thụ trì công đức hằng hà sa, hết thảy hữu tình cùng thành Phật đạo.

Vậy thì những bức tranh này được làm ra có quan hệ lớn đến giáo hóa thế gian, há có thể là nhỏ được ư?

Kính cẩn viết tựa.

- Viên thông phương trượng Hiển Mật thiền sư truyền lại bộ tranh này.

- Chùa Nguyệt Đường Đại Hòa thượng Chân Lý tổ sư khắc ván.

- Từ năm Giáp Tý (1744), triều Lê niên hiệu Cảnh Hưng đến nay là năm Đinh Tỵ đã là 114 năm, chùa Phúc Long bần đạo tự Sinh Kiều khắc lại cung tiến.

- Nam mô Tịnh Quang tháp, sắc tứ Đạo Nguyên Hòa thượng, Thanh Lãng Tỷ khiêu, pháp húy Khoan Dực, Phổ Chiếu thiền sư hóa thân Bồ Tát.

- Nam mô Tiên Du Sơn, diệu hữu tháp, Tuệ Định Chiêu Minh, ma ha Tỷ khiêu tự Tính Thiện Thích Minh Minh thiền sư hóa thân Bồ Tát.

- Diệu Quang tháp bất vọng Sa môn, tự Khoan Đoan, hiệu Thanh Khoáng, thích Niểu Niểu thiền sư hóa thân Bồ Tát.

- Nghiêm Quang tháp Thanh Các Tỷ khiêu tự Đạo Thuyền thiền sư, tịnh thân Bồ Tát.

- Đại Quang tự giới sư Thanh Tịnh Tỷ khiêu, tự Đạo Thành thiền sư, tịnh thân Bồ Tát.

- Giáo thụ sư, Thanh Sơn Tỷ khiêu tự Đạo Chân thiền sư, tịnh thân Bồ Tát.

- Thiệu Đăng tháp ma ha Tỷ khiêu tự Đạo Bính hiệu Thanh Xán thiền sư, tịnh thân Bồ Tát.

- Diên Quang tháp ma ha Tỷ khiêu tự Đạo Trung hiệu Thành Phái thiền sư, tịnh thân Bồ Tát.

Xã Thanh Liễu phó cả Nguyễn Công Tiệp kính khắc.

Ván để ở chùa Phúc Long xã Đỗ Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang để biết sau đến in.

Xét thấy: Đức Thế Tôn ứng hiện nơi đời là vì hữu tình giác ngộ nơi chính đạo, cho nên thi hành tám vạn bốn nghìn pháp môn, hóa ra trăm vạn ức thân mà độ cho hết thảy chúng sinh chứng được quả vô sinh. Không có phương nào không có đức Thích Ca vậy, mà nay có đại Hòa thượng Chân Lý tổ sư chùa Nguyệt Đường tỉnh Hưng Yên nước Đại Nam đã khắc bản cũ. Chẳng ngờ rồng tranh hổ đấu đến nỗi mộc bản không còn vậy. Nếu không có trước tiến sau, sao có thể tuân hành đạo được, cho nên có đạo nên hành, thì người làm thiện cùng người đều vui mừng.

Nhân tôi cảm đức của Phật bèn lên lễ Tổ ở chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai trình bày nguyên do sau trước. Hạ tiết mới xong, muốn có thể để lại nhân duyên cho đời. Viện dẫn xưa kia đạo ở nơi quốc vương, trăm quan, trưởng giả, hết thảy tứ dân, ngoại hộ Phật pháp được lâu dài. Nay con trẻ thấy đủ Phật cùng ngài A-Nan trên đường đi khất thực mà vui mừng phát tâm mở kho gạo bố thí. Kho gạo ấy dùng đất cát đắp thành, Thế Tôn liền nhận lấy thụ ký cho đứa trẻ ấy làm Chuyển luân thánh vương, thống nhiếp bốn đại bộ chân, còn các đứa trẻ tùy hỷ được quả báo làm các vị đại thần. Huống chi người một lòng bố thí, một lòng hành đạo. Trung thành có thể thấu trời, thành thật có thể thay đổi trời, cho nên đức Thích Ca ứng hiện nơi đời vì độ hữu tình xa lìa sinh già bệnh chết. Mà Đại Phạn Thiên Vương hiện làm Tỷ khiêu Tăng mặc Ca Sa trì bình bát biểu thị tướng giải thoát. Thế Tôn thấu tỏ việc này mà tìm cách độ quần sinh. Ban đầu xuất gia tứ đại Thiên vương nâng bốn chân ngựa, Thế Tôn bay lên hư không, chính thần phù trợ theo sau, chóng thành Chính giác, không sinh không diệt để cứu với quần sinh.

Đức Phật xem bốn loại chúng sinh như con một, vĩnh kiếp không cùng tận. Ở trong các bức tranh vẽ xưa kia Nam Bắc đã có, nay chùa Phúc Long huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương hưng công khắc lại. Bần đạo tự Sinh Kiều vân tập thợ khắc, bỏ tiền của nhà cùng các sĩ thứ, kế đến thông báo đến các nơi dốc lòng làm việc thiện, dốc lòng hộ niệm, như trưởng giả hộ trì tiểu Sa di, quả báo được ức kiếp làm Bồ Tát đa văn phúc đức kéo dài, đạo phong nối. Bậc thông đạt vĩnh kiếp cùng dạo với chư thượng thiện nhân cùng hội họp một nơi. Trong kinh có dạy có một người bố thí nước sạch cúng dàng chúng Tăng, được phúc báo làm Tịnh Thân Phật. Có hai người bố thí một cái khố rách mà Thế Tôn thụ ký cho hai vợ chồng chứng được Bạch Điệp Như Lai. Kinh Pháp Hoa có nói: “Nếu người tâm tán loạn, vào trong tháp miếu Phật, một xưng Nam Mô Phật đều được thành Phật đạo”. Cho nên Thích tử khát vọng Như Lai, dốc hết tâm lực gánh vác tấc lòng, mãi mong ân đức để tỏ đời sau soi vào.

Cung kính viết lời bạt.

Thời Tự Đức năm thứ 10, trung tuần tháng mạnh thu (tháng 7) ngày tốt khắc xong.

(Đốc San) chùa Thắng Phúc Thanh Như Chiếu Tỷ khiêu, tự Đạo Sinh Quang Lịch Minh Đạt thiền sư đốc thúc việc khắc ván.

Chùa Linh Sơn Thanh Hóa Tỷ khiêu, tự Đạo Thuận luật sư, chứng minh khắc ván.

Chùa Linh Sơn, Thanh Tế Tỷ khiêu tự Tịch Ngân luật sư chứng san.

Chùa Danh Lam, Thanh Hóa Tỷ khiêu tự Tịch Cách luật sư chứng san.

Chùa Kim Sa, Thanh Quy Tỷ khiêu tự Giác Hiệp hiệu Minh Trí luật sư chúng san.

Cảnh Linh tự, Thanh Bạch Tỷ khiêu, húy tự Giác Đạo Ngạn như thường thiền bắt khí Bồ Tát chứng san.

Đại Khánh tự, Tỷ khiêu tự Chiếu Khuông luật sư chứng san.

Chùa Thanh Quang, Thanh Thân Tỷ khiêu, tự Đạo Đức, Minh Cẩn thiền sư chứng san.

Chùa Vĩnh Phúc, Thanh Thu Tỷ khiêu, tự Đạo An luật sư chứng san.

Chùa Đại Từ, Thanh Diện Tỷ khiêu, tự Hải Diễn luật sư chứng san.

Chùa Tường Vân, Thanh Dược Tỷ khiêu, tự Hải Vinh luật sư chứng san.

[Danh sách các thập phương Tăng già chứng minh xin lược]

5. Tạm kết

Một số hình ảnh bản ván khắc “Như Lai ứng hiện đồ”

Một số hình ảnh bản ván khắc “Như Lai ứng hiện đồ”

Từ việc xuất hiện các văn bản khác nhau truyền thế, có thể nói “Như Lai ứng hiện đồ” là một truyện phẩm về tranh khắc gỗ của Phật giáo Việt Nam.

Để thuận tiện cho độc giả tiếp cận tác phẩm này, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đã cho ấn ảnh toàn bộ cuốn Như Lai ứng hiện đồ năm Tự Đức thứ 10 (1857), bên cạnh đó là dịch nghĩa sang tiếng Việt để đông đảo tăng, ni phật tử trong và ngoài nước nhân đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam cùng chiêm bái.

Tác giả: TT.Thích Tiến Đạt - Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2025

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Nguyễn Thị Oanh, Về văn bản Như Lai Ứng Hiện Đồ hiện lưu trữ tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Tạp chí Hán Nôm, số 6 năm 2014.
Bản khắc gỗ Như Lai ứng hiện đồ chùa Phúc Long, Gia Lộc, Hải Dương.
Như Lai ứng hiện đồ bản năm 1744, lưu tại Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam.
Như Lai ứng hiện đồ bản năm 1832, lưu tại Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam.
Như Lai ứng hiện đồ bản năm 1857, lưu tại Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam.
Như Lai ứng hiện đồ bản năm 1860, lưu tại Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ve-van-ban-nhu-lai-ung-hien-do-va-bo-van-khac-nam-tu-duc-tai-chua-phuc-long-o-hai-duong.html
Zalo