Về trong nắng ấm... (Bài 2): Gieo yêu thương ...

Không được đón tết nơi quê nhà nhưng họ, những người có hoàn cảnh không may mắn vẫn có một nơi để trở về và để ấm lòng khi tết đến, xuân về...

Những ngày cận tết, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa đón nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ.

Những ngày cận tết, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa đón nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ.

Khu nhà trọ của những bệnh nhân bị suy thận nặng hay còn gọi “xóm trọ 0 đồng” nằm trong một con ngõ nhỏ ở tổ 3, phố 9, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa). Tại đây, nhiều người vẫn đang vật lộn với đớn đau bệnh tật để giành giật sự sống. Và họ, đã nhiều năm không được đón tết quê nhà.

Bà Trần Thị Liên, quê xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) có hoàn cảnh khó khăn, lại bị suy thận nặng khiến người phụ nữ ấy đã có những lúc nghĩ quẩn. Bà chia sẻ: “Tôi phải đến viện chạy thận, lọc máu thường xuyên, cứ cách một ngày phải chạy thận một lần. Vì thế, phòng trọ giống như là nhà. Ngày cuối năm cũng muốn về quê, nhưng vì bệnh tật nên đành thôi...".

Không thu nhập, lại bệnh tật, những năm qua, cuộc sống của bà Liên phần lớn trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Cũng như bà Liên, chị Nguyễn Thị Thúy, xã Yên Phú (Yên Định) bị suy thận mạn đã hơn 8 năm. Chồng chị cũng thường xuyên đau ốm. Mỗi tuần, chị Thúy phải chạy thận ba lần. “Mấy năm qua, để điều trị bệnh, vợ chồng tôi chuyển hẳn xuống gần bệnh viện thuê trọ. Ngoài thời gian phải vào viện lọc máu thì tôi đi làm thuê để có thêm chi phí trang trải. Từ ngày chuyển đến “xóm chạy thận”, vợ chồng tôi nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, giúp cuộc sống đỡ chật vật hơn".

Bà Liên, chị Thúy là 2 trong số 8 bệnh nhân suy thận mãn nhiều năm qua đang sống tại “xóm chạy thận”. Họ đều là những người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhưng, họ không cô đơn.

Một ngày cuối năm, tôi dừng chân ở “xóm chạy thận” cũng vừa lúc chị Nguyễn Thị Hồng - một doanh nhân, người sáng lập quỹ thiện nguyện “Kết nối yêu thương, lan tỏa nhân ái” đến thăm và tặng quà cho bệnh nhân dịp tết đến, xuân về. Nhiều năm qua, quỹ “Kết nối yêu thương, lan tỏa nhân ái” của chị đã tài trợ toàn bộ chi phí thuê trọ hằng tháng cho các bệnh nhân. Vậy nên, khu trọ mới có tên gọi: “xóm chạy thận 0 đồng”.

Anh Nguyễn Văn Hưng, một bệnh nhân suy thận mạn, cho biết: “Không chỉ tài trợ toàn bộ tiền trọ, vào các dịp lễ tết trong năm, doanh nhân Nguyễn Thị Hồng còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà... Đó là nguồn động viên vô cùng lớn đối với người bệnh như chúng tôi".

Được biết, không chỉ tặng quà cho các bệnh nhân tại “xóm chạy thận”, trong dịp tết đến xuân về, quỹ thiện nguyện “Kết nối yêu thương, lan tỏa nhân ái” còn có nhiều hoạt động tặng quà cho các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi và đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, quỹ còn hỗ trợ xây nhà cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Đối với doanh nhân Nguyễn Thị Hồng, thì: “Trong khả năng có thể, tôi muốn hỗ trợ một phần nào đó để người bệnh, người nghèo vơi bớt nhọc nhằn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống".

Doanh nhân Nguyễn Thị Hồng tặng quà cho các bệnh nhân tại “xóm chạy thận” nhân dịp tết đến, xuân về.

Doanh nhân Nguyễn Thị Hồng tặng quà cho các bệnh nhân tại “xóm chạy thận” nhân dịp tết đến, xuân về.

Ngoài doanh nhân Nguyễn Thị Hồng, “xóm chạy thận” còn nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân khác thông qua sự kết nối từ phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nếu như “xóm chạy thận” là nơi trọ của những bệnh nhân bị suy thận nặng đang giành giật sự sống mỗi ngày, thì Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa đóng trên địa bàn phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) hiện là nơi sinh sống của hơn 130 đối tượng. Trong đó có người già, trẻ mồ côi và người khuyết tật.

Trong những ngày cận tết, trung tâm tấp nập hơn bởi sự ghé thăm của nhiều đoàn thiện nguyện. Từng suất quà mang hương vị tết, là bánh chưng, giò chả... với mong muốn mang đến cho các đối tượng bảo trợ tại đây một cái tết đủ đầy hơn.

Ông Trương Phú Toàn là người già cô đơn không nơi nương tựa, chia sẻ: “Chúng tôi sống ở đây, mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng nhờ sự quan tâm của Nhà nước, của các tấm lòng hảo tâm, tôi và mọi người đã có cuộc sống tốt hơn. Tết nào cũng vui, cũng ấm lòng...".

Bà Đỗ Thị Liên,Tổ trưởng tổ công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa, cho biết: “Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán, trung tâm thường đón khoảng 20 đoàn đến thăm, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, đã có sự đấu mối, phối hợp giữa các đoàn thiện nguyện với trung tâm vì vậy căn cứ trên tình hình thực tế để các đoàn có những suất quà phù hợp cho các đối tượng".

Tại trung tâm, tôi gặp cụ bà Nguyễn Thị Tường, 85 tuổi, trú tại phố Thế Lữ, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) là thành viên của “nhóm 5k”. Đây là nhóm thường xuyên có các hoạt động nhân ái đối với đối tượng bảo trợ trong dịp tết đến, xuân về. “Tôi không có lương hưu, nhưng tôi có một gia đình đầm ấm”. Bà Tường nói. "Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người vì còn được vui vầy bên con cháu. Tôi và các thành viên trong nhóm thống nhất, mỗi ngày sẽ bỏ ống tiết kiệm ít nhất 5.000 đồng, góp gió thành bão, để dành số tiền đó mua quà thăm tặng những hoàn cảnh khó khăn...".

“Tương thân, tương ái” vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Trong những ngày tết đến, xuân về, truyền thống ấy lại được “thắp” lên trong mỗi người, mỗi nhà...

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ve-trong-nang-am-bai-2-gieo-yeu-thuong-35174.htm
Zalo