Về tri ân những người lính 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'
'Khoác chiếc áo màu thiên thanh của thanh niên tình nguyện, được sống trong vùng trời bình yên không đạn lửa, đứng giữa những hàng mộ liệt sĩ ở Quảng Bình, tôi thấy tim mình như lặng đi…'
Đó là dòng cảm xúc của sinh viên Chu Mạc Hải Lâm (quê ở Thái Nguyên) cùng Đoàn Thanh niên Trường Đại học Điện Lực vượt hàng trăm cây số về Quảng Trị thắp nén hương tưởng niệm và tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị).



PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện Lực dẫn đầu đoàn công tác cán bộ, giảng viên và sinh viên tình nguyện thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Người trẻ hôm nay sẽ sống ra sao để xứng đáng với thế hệ đi trước?
Mỗi bia mộ, mỗi dòng chữ đỏ được khắc tên trên những phiến đá trắng đang mòn dần theo thời gian lại là một câu chuyện về lòng yêu nước, sự can trường, là một minh chứng rõ ràng về tinh thần bất khuất của những người lính “xẻ dọc” Trường Sơn tham gia những trận chiến ác liệt nhất trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong khung cảnh trang nghiêm, làn khói trắng mờ từ những nén hương trầm tỏa ra như dần che đi những ánh mắt đỏ hoe như ngấn lệ cùng những bước chân chậm rãi, ai nấy đều không khỏi xúc động. Các anh đã ra đi khi chỉ vừa đôi mươi - tuổi đẹp nhất của đời người, để lại sau lưng bao ước mơ và khát vọng thanh xuân. Các anh nằm lại trên đất mẹ, nhưng tên tuổi và sự hy sinh của các anh thì mãi trường tồn cùng non sông đất nước.

Sinh viên Chu Mạc Hải Lâm trước tượng đài chính trong Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
“Khoác chiếc áo màu thiên thanh của thanh niên tình nguyện, được sống trong vùng trời bình yên không đạn lửa, đứng giữa những hàng mộ liệt sĩ ở Quảng Bình, tôi thấy tim mình như lặng đi. Tôi may mắn được lớn lên giữa hòa bình, được học tập, được mơ ước, và được sống trọn vẹn những điều mà các anh đã không còn cơ hội. Chính vì thế, tôi hiểu rằng, trách nhiệm của mình hôm nay và luôn biết ơn, trân trọng vùng trời bình yên của Tổ quốc”, Lâm chia sẻ.
Có những chuyến đi để mở mang tầm mắt, có những chuyến đi để trái tim lặng lại và sâu sắc hơn. Với sinh viên Nguyễn Bảo Khánh Ly - sinh viên Trường Đại học Điện Lực, hành trình đến với Quảng Trị, với Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn là dấu lặng thiêng liêng trong những năm tháng tuổi trẻ.
“Khi xe dừng bánh trước cổng nghĩa trang, cả đoàn gần như im lặng. Một không gian xanh thẳm, rộng lớn hiện ra trước mắt. Những hàng mộ trắng thẳng tắp nằm im giữa rừng cây xào xạc. Không ai nói gì nhiều. Chúng tôi lặng bước giữa những cái tên, những dòng chữ khắc sâu năm sinh, quê quán và cả những tấm bia chỉ đề “Liệt sĩ chưa rõ tên”. Mỗi dòng chữ như một vết dao khắc vào tim, gợi nhắc đến những người đã chọn cái chết cho Tổ quốc được sống”, Ly bộc bạch.
"Có gì đó nghèn nghẹn khi nữ sinh nghe thuyết minh viên kể về những người lính Trường Sơn, có người chỉ vừa tròn mười tám, tuổi chưa kịp yêu mà đã hy sinh. Rời khỏi nghĩa trang, tôi vẫn còn nghe trong lòng tiếng gọi âm thầm từ rừng già, từ hàng bia đá lạnh.
Đó không chỉ là lời nhắc nhở về sự hy sinh, mà còn là một câu hỏi lặng lẽ: Người trẻ hôm nay sẽ sống ra sao để xứng đáng với máu xương của thế hệ đi trước? Tôi đã chọn giữ lại câu hỏi ấy trong tim - như một lời hứa với Trường Sơn”, Ly nói.
Trân trọng vùng trời bình yên của Tổ quốc
Nhắc tới hai chữ “hòa bình” trong không khí linh thiêng tại vùng đất Quảng Trị những ngày tri ân, nữ sinh Nguyễn Ngọc Ánh - sinh viên Trường Đại học Điện lực nghĩ tới những giọt máu xương đã hòa vào đất mẹ của các anh hùng liệt sĩ.




Sinh viên vượt hàng trăm cây số về Quảng Trị thắp nén hương tưởng niệm và tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Châu Linh

Sinh viên Trường Đại học Điện Lực tưởng niệm, tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
“Họ là những con người đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, không thân quen, không máu mủ nhưng họ đều có chung một tinh thần yêu nước dạt dào, thật giống như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ””, Ánh nói.
Nói tới đây, Ánh lại nhớ đến ông nội quá cố của mình - một quân nhân hậu cần thời chiến tranh miền Bắc. Ông kể rằng:
“Trong một lần chuẩn bị nấu cơm cho các anh em về ăn trưa, thay vì nghe thấy tiếng chào nhau thân thương, mỗi khi đi làm nhiệm vụ về, ông lại nghe thấy tiếng hò từ xa: "Hãy giúp tôi băng bó cho những người anh em này”. Ông liền vứt ngay nồi rau đang nấu dở để ra băng bó cho đồng đội, người thì gãy chân, người thì… máu nhuộm cả màu áo.
“Hòa bình đẹp lắm nhưng đối với ông, đó còn là sự đau đớn và mất mát. Vậy nên, khi nghe những lời kể đó tôi tự nhủ với bản thân rằng mình phải trân trọng những gì mà ông cha ta đã làm và khắc ghi nó ở trong tim. Cầm nén hương trên tay, tôi xúc động và thành kính tri ân những con người vĩ đại…”, Ánh chia sẻ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chị Nguyễn Vân Anh - Bí thư Đoàn Trường Đại học Điện Lực cho biết, trong khuôn khổ chiến dịch Mùa hè xanh, sinh viên của trường đã đi với tâm thế của những người trẻ được sống trong hòa bình, mang theo lòng biết ơn chân thành và trở về với trái tim đầy tự hào, xúc động và trách nhiệm.
"Tôi tin rằng mỗi người khi rời khỏi mảnh đất Quảng Trị đều đã ghi khắc trong tim mình một lời hứa - sống tử tế hơn, cống hiến nhiều hơn và không bao giờ quên những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại ấy.
Với Đoàn trường, đây không chỉ là một hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là một chuyến đi hun đúc lý tưởng sống, nuôi dưỡng tinh thần cống hiến và thắp lên ngọn lửa yêu nước từ sâu trong tâm hồn các bạn sinh viên", chị Vân Anh nói.