Vẽ tranh bằng ngôn ngữ ký hiệu
Họ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đó là lớp dạy vẽ miễn phí dành cho các bạn trong cộng đồng người Điếc tại Huế của anh Huỳnh Văn Xuân.


Sinh năm 1995, anh Huỳnh Văn Xuân, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế truyền thông đa phương tiện, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Hiện, anh đang làm việc trong ngành truyền thông, họa sĩ minh họa và còn dạy thêm bộ môn vẽ.
Nhắc đến cơ duyên mở lớp dạy vẽ cho các em Điếc, anh Xuân kể: Ngày trước tôi có một người bạn bị điếc từ nhỏ. Lúc đó, bạn tôi chưa biết viết, cũng chưa được học ngôn ngữ ký hiệu nên chúng tôi chỉ còn cách dùng tay để diễn tả và vẽ tranh. Bạn tôi vẽ rất đẹp và nhờ những bức tranh đó, tôi hiểu được câu chuyện mà bạn mình muốn truyền tải.
Chẳng hạn, muốn kể chuyện về một nhân vật nào đó, tôi vẽ hình người, vẽ cách ăn mặc và những hành động của nhân vật và bạn tôi đã hình dung ra câu chuyện. Và cũng từ trò chơi tuổi thơ đó, trong tôi đã gieo những hạt mầm đầu tiên với niềm đam mê mỹ thuật”, anh Xuân nhớ lại.

Khi anh Xuân mở workshop vẽ tranh, bắt gặp hình ảnh những người khiếm thính chăm chỉ và tỉ mĩ trong từng nét vẽ làm anh nhớ lại câu chuyện của mình. Từ đó, anh nãy ra ý tưởng mở lớp dạy miễn phí cho các bạn Điếc có thể vẽ tranh để kể lại câu chuyện hàng ngày mà không cần dùng đến chữ viết hay ngôn ngữ ký hiệu.

Gần một năm qua, anh Xuân thường xuyên tổ chức các buổi workshop dạy vẽ cho cộng đồng người Điếc ở Đà Nẵng. Và trong tháng 3 vừa qua, anh đã tổ chức lớp vẽ đầu tiên dành cho các bạn người Điếc tại Huế. Trong không gian không có tiếng trò chuyện, chỉ có tiếng sột soạt của bút màu tì lên giấy, anh Xuân cùng 15 bạn học viên trao đổi với nhau bằng ánh mắt, nụ cười và ngôn ngữ của bàn tay - ngôn ngữ ký hiệu. Mỗi em đều có thiên bẩm và ý tưởng độc đáo, các em không thể nói, không thể nghe nhưng lại rất biết cách thể hiện cá tính qua từng nét vẽ.

Anh Xuân chia sẻ: "Ban đầu dạy các bạn Điếc, tôi gặp khó khăn, nhất là trong giao tiếp vì không phải bạn nào cũng biết ngôn ngữ ký hiệu. May mắn vẽ tranh là một ngôn ngữ đặc biệt - không cần quá nhiều lời, chỉ cần cảm nhận và vẽ ra". Chính điều đó giúp các bạn hiểu dân qua từng buổi học.

Bạn Nguyễn Thị Hà Thanh, học viên của lớp học háo hức chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia lớp học vẽ tranh. Em muốn kết hợp việc học vẽ và học ngôn ngữ ký hiệu để tranh vẽ không chỉ là phương tiện thể hiện mà còn là công cụ hỗ trợ học ngôn ngữ".
Anh Xuân nhận thấy rằng các bạn người Điếc có sức tập trung cao độ. Vào giờ vẽ, các bạn mải miết với những bảng màu, với khung tranh, chìm sâu trong trí sáng tạo của riêng mình. Thành quả của buổi học là những bức tranh mang đầy màu sắc cổ tích và mang cả hơi thở hiện đại. Là tranh về bầu trời đêm đầy sao, là chiếc thuyền giữa biển khơi, là những chuyến xe, nhà cửa,... Giá trị của buổi học còn len lỏi vào tâm thức của mỗi bạn học viên, niềm vui được học hỏi, được thể hiện thế giới nội tâm một cách sâu kín và niềm vui được giao tiếp với thầy giáo, bạn bè.


Vẫn còn muốn làm nhiều điều cho các bạn. Anh Xuân bộc bạch, điều làm anh thấy tiếc là có những bạn người Điếc vẽ rất tốt, có tiềm năng để họa lên những bức tranh hay những sản phẩm mỹ thuật có tính thương mại. Tuy nhiên, các bạn chưa có được định hướng rõ ràng cũng như chưa được tạo nhiều điều kiện để làm điều đó.
“Sau khi mở những lớp dạy vẽ đầu tiên cho những người bạn Điếc, tôi đã quyết tâm học ngôn ngữ của sự lặng im này để có thể thấu hiểu và giao tiếp tốt hơn với các bạn học viên. Khi tôi biết về ngôn ngữ ký hiệu, tôi mạnh dạn, tự tin hơn khi kết nối với các bạn. Cám giác thật thú vị khi cả lớp cùng học, cùng vẽ, cùng cười với nhau, cùng hiểu ý mà không cần lời nói”, anh Xuân chia sẻ.

Anh Xuân mong ước sau này sẽ mở một xưởng nghệ thuật nho nhỏ để tạo điều kiện cho các bạn được làm những việc liên quan đến kỹ thuật vẽ như là vẽ tranh lên nón lá, vẽ tranh lên các sản phẩm mỹ nghệ,... Anh mong muốn lớp vẽ ngày càng phát triển để giúp đỡ các em tự tin hơn, sống được bằng nghề của mình.
