Về thăm Trại rắn Đồng Tâm

Tiền thân là 'Đội Nuôi trồng dược liệu', được thành lập ngày 27-10-1977, Trại rắn Đồng Tâm (Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu, Cục Hậu cần-Kỹ thuật Quân khu 9) nằm tại ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), với diện tích gần 12ha. Trại rắn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; điều trị rắn cắn; nuôi trồng, sản xuất thuốc y học dân tộc kết hợp với tham quan du lịch sinh thái khoa học độc đáo.

Trại rắn Đồng Tâm từ lâu đã được biết đến với hàng trăm loài rắn (hơn 400 loài) được nuôi dưỡng và nghiên cứu. Để trở thành điểm du lịch độc đáo với nhiều du khách quốc tế và trong nước, các nhân viên tại đây được ví như là những “bảo mẫu”, hằng ngày tỉ mỉ, cẩn thận chăm sóc để rắn thích nghi và phát triển tốt nhất.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu trung tâm nuôi rắn, Đại úy QNCN Lương Minh Hải, nhân viên nuôi con thuốc cho biết: “Ở đây nuôi nhiều loài rắn từ khắp nơi trên cả nước, kể cả những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mỗi con rắn đều được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Ngoài mục đích du lịch, đơn vị còn tập trung nghiên cứu ứng dụng trong y học và chế biến thuốc chữa bệnh”.

 Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm lấy nọc rắn dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm lấy nọc rắn dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc.

Khu trung tâm hiện đang là nơi sinh sống của hàng trăm cá thể rắn hổ mang đất và rắn hổ mang chúa-hai loài được nuôi nhiều nhất để chiết xuất nọc độc. Những con rắn hổ mang đất dài mấy sải tay, da bóng nhẫy, phơi mình dưới nắng, trong khi khu vực chuồng nuôi rắn hổ mang chúa lại khiến chúng tôi rợn người với những “ông vua” rừng sâu dài hơn 2m, nặng tới 20kg. Mở cửa chuồng một con hổ mang chúa, anh Hải ra hiệu cho chúng tôi lùi lại. Một thân rắn màu vàng xanh lù lù trườn ra, đầy uy quyền. Anh Hải nhẹ nhàng gắp một con mồi đưa vào. “Xoạt!”, chỉ trong tích tắc, con mồi biến mất, còn lại tiếng thở dồn dập đặc trưng của họ nhà rắn: “Khù! khù!”.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm chăm sóc rắn.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm chăm sóc rắn.

Với 25 năm kinh nghiệm “bầu bạn” cùng rắn độc, anh Hải chia sẻ rằng, để rắn hổ ăn nhanh, con mồi phải chết hẳn. “Nếu để mồi cử động, rắn sẽ tiết nọc ra để giết chết con mồi, khiến quá trình ăn chậm hơn. Thức ăn khoái khẩu của chúng là các loài rắn tạp như rắn lục, rắn ráo được nuôi riêng. Đặc biệt, việc ghép đôi và duy trì sinh sản loài hổ mang chúa là một thách thức lớn. Mùa sinh sản thường bắt đầu từ tháng 4. Sau khi giao phối, rắn hổ mang chúa sẽ đẻ trứng trong vòng hai tháng. Trứng được đưa vào khu vực ấp kỹ thuật, tách riêng rắn non và chăm sóc cẩn thận, bảo đảm tỷ lệ sống đạt 75%”, anh Hải kể.

Bên cạnh anh Hải, Thượng úy QNCN Nguyễn Danh Hiếu, nhân viên nuôi con thuốc-người cũng gắn bó với rắn hổ mang suốt 25 năm, chia sẻ: “Mỗi ngày, làm việc ở đây đều đối mặt với nguy hiểm. Chỉ cần sơ suất nhỏ, hậu quả sẽ rất lớn. Nhưng với tình yêu nghề và mong muốn cứu sống người bị rắn cắn, anh em chúng tôi luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Không chỉ cứu người, Trại rắn Đồng Tâm còn tổ chức các chương trình tuyên truyền cho nhân dân về cách xử lý khi bị rắn cắn, giúp giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống”.

Chị Trần Tuyết Anh, hướng dẫn viên du lịch của Trại rắn Đồng Tâm là một gương mặt quen thuộc với nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước đến tham quan. Vốn rất sợ rắn, nhưng sau 12 năm làm việc tại đây, chị Tuyết Anh đã vượt qua nỗi sợ, trở thành “chuyên gia” thuyết trình về các loài rắn. “Ban đầu, tôi rất ám ảnh, nhưng công việc yêu cầu phải hiểu và làm quen với chúng, đặc biệt là khi hướng dẫn du khách tham quan”, chị Tuyết Anh tâm sự.

 Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm huấn luyện rắn.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm huấn luyện rắn.

Đến Trại rắn Đồng Tâm, du khách không chỉ được tận mắt nhìn thấy các loài rắn độc mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng các kỹ thuật viên thực hiện quy trình lấy nọc rắn dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn tâm sự: “Mỗi năm, Khoa Điều trị rắn cắn tiếp nhận khoảng 1.000 ca cấp cứu, trong đó hơn 80% bị rắn độc cắn. Nhờ huyết thanh chiết xuất, bào chế từ nọc rắn mà tỷ lệ cứu sống đạt 100%. Chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng thu dung, điều trị rắn cắn, giảm viện phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đến cấp cứu và điều trị”.

Hiện nay, Việt Nam là nơi cư trú của gần 200 loài rắn, trong đó các loài độc chủ yếu thuộc họ rắn hổ và rắn lục. Tại Trại rắn Đồng Tâm, các nhà khoa học đã thành công trong việc bảo tồn nhiều loài như: Rắn hổ mang chúa, rắn ráo trâu và rắn lục đuôi đỏ. Đại úy QNCN Lương Minh Hải chia sẻ thêm: “Chúng tôi không chỉ nghiên cứu mà còn muốn thay đổi cách nhìn của mọi người về rắn. Chúng không đáng sợ nếu được hiểu và tôn trọng”.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm hướng dẫn khách tham quan.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm hướng dẫn khách tham quan.

Theo Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, hằng năm, đơn vị còn duy trì nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ duy trì nguồn gen rắn hổ mang đất và rắn hổ mang chúa; hoàn thiện quy trình bảo tồn, quy trình bào chế thuốc từ nọc rắn, bảo đảm duy trì phát triển số lượng cá thể nguồn gen hai loài rắn này.

Đồng thời, duy trì được nguồn nguyên liệu quý giá là nọc rắn hổ mang chúa, nọc rắn hổ mang đất dùng cho sản xuất kháng huyết thanh và sản xuất kem bôi da Cobratoxan, từ đó để nghiên cứu bào chế các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tại đơn vị... “Giai đoạn 2019-2024, đơn vị vinh dự 3 lần được Bộ tư lệnh Quân khu 9 tặng danh hiệu “Đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng” (năm 2019, 2022, 2023); được UBND tỉnh Tiền Giang tặng bằng khen năm 2021, 2022 và Cờ thi đua xuất sắc năm 2023 vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, Trung tá Nguyễn Duy Hưng cho biết.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC - PHONG PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/ve-tham-trai-ran-dong-tam-809056
Zalo