Về Tây Tựu dự hội 'thủy chiến' làng Đăm

Sáng nay, ông Nhung, một người bạn già trong 'hội nước chè sáng', sau khi chiêu xong ngụm trà nóng hổi thì nói: 'Tôi tạm xa hội ta 3 ngày. Hẹn gặp lại các ông'. Nghe ông Nhung nói vậy mấy ông bạn già cũng như chợt thấy 'trống vắng' bèn hỏi lại: 'Ông có việc gì à?'. Ông Nhung lại chiêu một ngụm nước trà nữa rồi mới trả lời: 'Tôi về dự hội làng các ông ạ'.

“Làng La canh cửi, làng Đăm đua thuyền”

Thì ra “hội làng” mà ông Nhung phải về những 3 ngày là hội làng Đăm”, diễn ra từ mùng 9 đến 11 tháng 3 Âm lịch. Đây là một làng cổ của Hà Nội có truyền thống văn hóa lâu đời bởi từ xưa đã có câu: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy” hay “Làng La canh cửi, làng Đăm đua thuyền”. Ông Nhung bảo: “Đó là những câu ca dao quen thuộc vang đến tận kinh thành Thăng Long đấy”.

Làng Đăm có từ hơn 600 năm trước, gắn liền với di tích miếu Tây Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đây là ngôi miếu thờ Đào Trường - một vị tướng tài đã ba lần giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh tan giặc ngoại xâm.

Gần 20 năm trước tôi đã đến xã Tây Tựu (nay là phường Tây Tựu). Từ khi “Đổi mới” người dân Tây Tựu “đổi đời” nhờ việc trồng hoa. Chỉ trong vài năm danh xưng “làng hoa” đã gắn với người dân nơi đây. Quãng thời gian tôi về Tây Tựu là để thực hiện phóng sự truyền hình về làng hoa. Để có được những hình ảnh đẹp, chúng tôi đã lăn lộn mấy ngày trời, từ sáng tinh mơ đến nhập nhoạng tối chỉ để ghi hình. Phải nói rằng, ghi hình giữa mênh mông cánh đồng hoa hồng, hoa cúc cứ gọi là thích mê đi. Rồi đến nhập nhoạng tối, chúng tôi vẫn phải ghi hình bởi thời điểm này người dân Tây Tựu miệt mài cắt hoa để kịp sớm mai đi chợ, để kịp tối đến người buôn hoa khắp nơi về cất hàng. Vui nhất là cảnh cả nhà, người lớn việc lớn, trẻ em việc nhỏ, mải miết sắp xếp, chọn lựa hoa. Ngoài sân nhà sáng choang ánh đèn điện, ai vào việc ấy trong một niềm vui tất tả. Mảnh sân nhỏ thơm lừng hương hoa, cánh quay phim chúng tôi cũng bị hương hoa quyện vào người.

Ông Nhung bảo: “Sau một thời gian bị gián đoạn, đến năm 1994, lễ hội bơi Đăm được tổ chức lại, nhưng thời gian mở hội và thực hiện các nghi thức đã có sự thay đổi so với trước đây. Điểm độc đáo của lễ hội bơi Đăm chính là vừa rước Thánh trên đường bộ, vừa rước trên đường thủy. Việc thi bơi ở hội Đăm cũng là một nghi lễ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa mang tính nghệ thuật cao”.

Lễ hội làng Đăm mở đầu là màn rước kiệu

Lễ hội làng Đăm mở đầu là màn rước kiệu

Gìn giữ giá trị văn hóa

Lần về Tây Tựu tôi đã đến miếu Tây Đăm. Dịp ấy cuối năm, ở góc miếu đã thấy những chiếc thuyền dài được bảo quản chu đáo, trang trí bắt mắt. Nhìn thấy mà tiêng tiếc bởi được biết phải tới đầu năm sau, tức là vào tháng B3 Âm lịch thì hội đua thuyền Đăm mới khai cuộc. Ông Nhung kể: “Hội đua thuyền Đăm năm nay sẽ tổ chức hoành tráng”. Tôi hỏi lại: “Thế nào là hoành tráng hả bác?”. Ông Nhung cười: “Hoành tráng là bởi hội đua thuyền Đăm 5 năm mới tổ chức một lần”.

Theo như ông Nhung cho hay thì để có được hội đua thuyền thì dân làng Đăm nói riêng, người Tây Tựu nói chung, phải chuẩn bị khá lâu. Trước khi diễn ra lễ hội, họ phải chọn ra những chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú và quan trọng là phải chưa có vợ. Tôi thắc mắc: “Sao lại phải là trai chưa vợ mới được chọn vào đội đua thuyền?”. Ông Nhung lại cười: “Những chàng trai chưa vợ được chọn ấy làng gọi là “giai đua” ông ạ”. Rồi ông chậm rãi cho biết, những “giai đua” sau đó sẽ được làng “nuôi cơm” cả tháng. Việc nuôi cơm cũng là một cách để các tay đua thuyền được mạnh khỏe và quên đi các chuyện “vẩn vơ”, ảnh hưởng đến tinh thần và sức lực. Các “giai đua” được làng lo ăn, lo uống và lo cho cả tinh thần. Thế mới biết việc đua thuyền Đăm không chỉ vui vẻ mà rất chỉn chu, cẩn trọng.

Đoạn sông tổ chức đua thuyền tôi cũng đã ngắm nhìn và còn ghi hình nữa. Đó là sông Pheo, một nhánh của sông Nhuệ. Ông Nhung bảo: “Sông Pheo ngày trước rộng lắm, giờ nó bị đô thị hóa làm hẹp dòng chảy. Sông Pheo chảy ngang miếu Tây Đăm nên tiện cho việc tổ chức đua thuyền”.

Lễ hội làng Đăm khá công phu và trang trọng. Mở đầu ngày lễ là màn rước kiệu diễn ra hết sức hoành tráng. Ông Nhung cho biết, chỉ tính riêng đoàn tham gia rước kiệu, mặc áo lễ hội đã lên đến gần 1.000 người và dài đến hơn 1km. Đoàn rước kiệu từ đình Tây Tựu đi quanh các thôn rồi cuối cùng là về đình Thủy Tạ. Theo tục lệ, ngày thường Thánh sẽ ngự ở đình Tây Tựu, đến ngày hội đình Thủy Tạ là nơi Thánh về. Tôi chợt nhớ nên hỏi thêm: “Nhưng sao lại phải là trai chưa vợ hả bác?”. Ông Nhung cho hay: “Theo như các cụ kể lại thì từ ngày xưa đã có tục như thế. Nếu trên thuyền đua mà có trai đã có vợ thì sẽ lật hèo ngay. Lật hèo là cuộc đua thuyền sẽ bị hỏng cuộc”. Tôi lại hỏi: “Lật hèo là gì hả bác?”. “Là lật thuyền chứ còn là gì nữa” - ông Nhung trả lời.

Việc thi bơi ở hội Đăm cũng là một nghi lễ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa mang tính nghệ thuật cao

Việc thi bơi ở hội Đăm cũng là một nghi lễ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa mang tính nghệ thuật cao

Náo nức nghe chuyện hội làng

Mới hay, chuyện đua thuyền trên sông Pheo đâu chỉ là chuyện vui, nó còn là chuyện rất nghiêm túc và tôn trọng thánh thần của người làng Đăm. Tìm về nguồn cội của lễ hội Đăm, chúng tôi được hay: Tương truyền thời xa xưa có dòng nước lũ cuốn theo một con hạc bằng gỗ trôi dạt vào cửa miếu Tây Đăm thì mắc lại. Sau đó có một người ở nơi khác bơi thuyền đến miếu định làm lễ xin đầu hạc đem về. Các bô lão hỏi ra mới biết con hạc đó là từ đền Bạch Hạc trôi về và đền Bạch Hạc cũng thờ Thổ lệnh tam giang Đại vương Đào Trường. Đầu hạc là đầu mũi thuyền bơi ở đình Bạch Hạc. Sau đó, dân làng Đăm đã cử người đến đền Bạch Hạc hỏi thể thức bơi, lấy mẫu thuyền về đóng. Bơi Đăm bắt nguồn từ đó nhằm diễn tả lại việc huấn luyện thủy binh và chiến thuật đánh giặc bằng đường thủy của ông cha ta thuở trước.

Hỏi chuyện kỹ hơn, được hay hội bơi Đăm mô tả lại chiến công của tướng Đào Trường thời Hùng Duệ Vương và thủy quân Việt thời đó. Bơi Đăm vừa vui khỏe, vừa đẹp mắt, vừa hấp dẫn, vừa độc đáo. Đây cũng là bộ môn văn hóa cổ truyền đấu trí thi tài, xứng đáng ở vị trí hàng đầu trong lễ hội truyền thống khắp vùng.

Ông Nhung có vẻ hơi vội nên uống nước cũng vội, ông náo nức về làng lắm bởi 5 năm trước vì đại dịch Covid-19 nên hội làng Đăm tạm hoãn. Sau 5 năm, tính đúng thì là sau 10 năm, người làng Đăm mới tổ chức lễ hội. Thảo nào ông háo hức là phải. Tôi nói với ông: “Bác về làng dự hội, có chuyện gì hay hay, mơi mới thì kể lại cho chúng tôi nghe nhé”. Ông Nhung dĩ nhiên là gật đầu tắp lự.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ve-tay-tuu-du-hoi-thuy-chien-lang-dam-post608143.antd
Zalo