Về Quảng Ngãi thăm làng rèn hơn 300 năm tuổi
Làng rèn hơn 300 năm tuổi đã trải qua 5 - 6 đời 'cha truyền con nối', duy trì cho đến tận ngày nay với gần 60 lò rèn nổi lửa suốt đêm ngày.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025, tại làng rèn Minh Khánh (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), không khí nhộn nhịp, tất bật hiện hữu liên tục từ sáng đến tối.
Từ đầu xóm, tiếng búa, tiếng dập sắt thép, tiếng gò… vang vẳng khắp nơi đã làm nên nét đặc trưng của làng rèn hơn 300 năm tuổi.
300 năm giữ lửa
Các bậc cao niên trong làng rèn Minh Khánh cũng không thể biết chính xác làng rèn này hình thành từ thời điểm nào. Họ chỉ biết tổ nghề có gốc từ phía Bắc nước ta, có tên cụ Đinh Khắc Nhơn.
Hơn 300 năm trước, cụ tổ nghề đã cùng gia đình di cư từ phía Bắc vào rồi chọn mảnh đất sát bờ sông Trà để khai hoang, lập làng, lập nghề rèn. Từ đó, hình thành một ngôi làng với nhiều lò rèn rực lửa suốt ngày đêm.
Hầu như năm nào cũng vậy, cận Tết là thời điểm làng rèn Minh Khánh tất bật nhất bởi lượng đặt hàng tăng cao. Từ tờ mờ sáng, khắp cả làng lại vang lên tiếng búa, tiếng kim loại, tiếng đập, tiếng gò rộn ràng cả xóm.
Ông Nguyễn Tòng (66 tuổi, ngụ thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh) đã có hơn 50 năm theo nghề thợ rèn. Cũng như các cao niên khác, ông Tòng cũng không rõ nghề có từ bao giờ. Ông chỉ biết ông là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm lò rèn.
Theo những người thợ, nghề rèn là nghề vất vả, đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự bền bỉ và sức lực… chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm. Từ những miếng sắt, thép thô, người thợ phải rất kỳ công để tạo thành các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng và tinh xảo.
Ngoài ra, việc nung sắt rồi máy dập cho nhẵn, mài, đóng cán… mỗi khâu đều yêu cầu sự khéo léo rất cao của người thợ. Yêu cầu cao hơn nữa là phải biết “căn” nhiệt độ nhằm xác định thời gian tôi trong bễ là bao lâu để đưa ra sản phẩm đạt chất lượng.
Anh Nhang Văn Thân (trú ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh) cho hay so với nhiều nghề khác thì nghề này vất vả hơn và mất nhiều thời gian. Người làm nghề phải có sức khỏe dẻo dai và chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm của khói.
Những năm trở lại đây, hầu hết người dân làng rèn Minh Khánh chuyển dần từ làm thủ công sang máy móc. Những chiếc máy dập thép, máy mài, máy cắt... được đầu tư tạo năng suất cao hơn nhiều nên được sử dụng phổ biến.
Tất bật làm hàng phục vụ Tết
Cận Tết, hầu hết các lò rèn trong làng đều tập trung sản xuất các loại liềm, dao, rựa, cuốc… phục vụ khách hàng từ khắp mọi miền đất nước.
“Người dân làm nghề rèn ở đây đỏ lửa quanh năm nhưng cứ vào vụ Tết thì tất bật hơn gấp 2-3 lần so với ngày thường. Vì vậy, hàng ngày những người làm nghề ở đây đều phải bắt đầu công việc từ lúc sáng sớm tinh mơ, kết thúc khi trời tối muộn” - ông Nguyễn Tòng chia sẻ.
Dịp Tết, các loại dao là mặt hàng bán chạy hơn so với liềm, rựa… Bên cạnh làm theo đơn đặt hàng, người dân còn trực tiếp bày bán tại các chợ đầu mối, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Theo anh Nhang Văn Thân, những ngày giáp Tết là khoảng thời gian thợ rèn ở Minh Khánh bận rộn nhất vì số lượng người đặt các loại dao để sử dụng tăng cao. Riêng gia đình anh Thân phải làm việc với công suất gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường mới đảm bảo đủ. Trung bình mỗi ngày người thợ có thể làm ra được 30 - 35 chiếc dao, rựa.
Sản phẩm kim khí ở đây có nét riêng, sắc sảo khiến người dùng ưa thích. Các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Mỗi năm làng rèn Minh Khánh sản xuất ra khoảng hơn 200.000 sản phẩm, chủ yếu là rựa, liềm, dao, xẻng, cuốc, búa...
Theo lãnh đạo xã Tịnh Minh, làng rèn Minh Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tỉnh Quảng Ngãi công nhận đây là làng nghề truyền thống. Sản phẩm từ làng nghề cũng đạt OCOP 3 sao. Hiện, nơi đây có khoảng 60 hộ gắn bó với nghề rèn.