Về Phương Giai nhớ ngày thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh
Đền Phương Giai nằm trên địa bàn xã Kỳ Bắc - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi đánh dấu sự kiện thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Trò chuyện với ông Nguyễn Công Định - nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Bắc từ 1985-2010 trong không gian yên tĩnh của khuôn viên đền Phương Giai, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về chặng đường đấu tranh trong những ngày đầu mới thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh.
Theo ông Định, kể từ ngày thành lập Đảng (tháng 3/1930) đến tháng 5/1930, ở Kỳ Anh đã có 7 chi bộ và 42 đảng viên. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, ngày 4/6/1930, Ban vận động thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu các chi bộ và đền Phương Giai - nơi có địa hình thuận lợi, đã được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị.
Tại đây, Đại hội thành lập huyện Đảng bộ Kỳ Anh đã được tiến hành và đã bầu ra Ban Chấp hành huyện gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Tiến Liên làm Bí thư. Trong cao trào 1936 - 1939; 1939 - 1945, tại đền Phương Giai cũng đã diễn ra nhiều cuộc họp của Việt Minh bàn chủ trương sách lược đấu tranh cách mạng, chỉ đạo khâu tiếp quản của Nhân dân trong giành chính quyền của Cách mạng tháng Tám 1945 ở khu vực Bắc huyện Kỳ Anh.
Đến tháng 9/1930, Đảng bộ Kỳ Anh phát triển lên 9 chi bộ với 93 đảng viên. Cùng với việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng và lực lượng tự vệ của Đảng cũng được kiện toàn và phát triển; trong đó nổi bật là Nông hội đỏ, được tổ chức ở 27 thôn với gần 900 người.
Đây cũng là thời điểm cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh từ điểm khởi đầu của công nhân Bến Thủy đã lan rộng khắp các huyện trong tỉnh, Nhân dân Kỳ Anh cũng vùng lên đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến.
Lịch sử Đảng bộ huyện Kỳ Anh ghi lại: đầu tháng 9/1930, Huyện ủy chủ trương tổ chức cuộc tổng biểu tình thị uy, đưa yêu sách cho tri huyện. Các chi bộ, đảng viên tỏa ra vận động quần chúng nhân dân các tổng.
Sáng 9/9/1930, quần chúng Nhân dân ở các xã trong huyện trống mỏ rộn vang, cờ búa liềm phấp phới tập trung ở Cụp nước mắm (Kỳ Thọ) theo đường quốc lộ tiến thẳng về huyện lỵ. Đoàn người cứ thế đông dần, lên đến 5 ngàn người, xếp hàng, nắm tay nhau dài hàng cây số, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo bọn đế quốc - phong kiến”.
Cuộc biểu tình lớn vào ngày 9/9 là đỉnh cao trong phong trào 1930-1931 ở Kỳ Anh. Mặc dù sau cuộc biểu tình, phong trào cách mạng ở Kỳ Anh bị thực dân, phong kiến khủng bố, đàn áp nhưng tinh thần yêu nước, đấu tranh của Nhân dân đã được nhen nhóm, như bếp than hồng âm ỉ chờ ngày thổi bùng thành ngọn lửa lớn.
Nối tiếp mạch nguồn quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân xã Kỳ Bắc luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực cao nhất, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng khang trang, tươi đẹp.
Từng là địa phương khó khăn của xã Kỳ Bắc nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ và Nhân dân, thôn Lạc Tiến đã và đang chuyển mình, khởi sắc từng ngày. Không chỉ có hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ, cảnh quan, môi trường trên các tuyến đường, khu vui chơi công cộng luôn xanh - sạch - đẹp, mà ở Lạc Tiến ngày đang có nhiều công trình, nhà cao tầng kiên cố "mọc" lên trên vùng đất bạc ngày xưa.
Điều đáng phấn khởi hơn, cùng với nhà cửa, đường sá, công trình mới, vườn mẫu mát xanh cho thu nhập cao... thì con người nơi đây cũng đã có những suy nghĩ mới, cách thức sản xuất mới và lối sống mới… Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, qua thực tiễn chỉ đạo xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu đã trưởng thành, gắn bó và biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Ông Trần Quang Huy - một người dân thôn Lạc Tiến, xã Kỳ Bắc chia sẻ: “Gần 70 tuổi, chứng kiến biết bao đổi thay của quê hương, đất nước, nhưng chưa bao giờ tôi thấy quê hương mình có sự thay đổi rõ rệt như hôm nay. Nếu như trước đây là cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo để giành độc lập, thì ngày nay, xây dựng NTM cũng chính là cuộc cách mạng mà Đảng lãnh đạo để đem lại cuộc sống mới cho người dân”.
Bức tranh NTM thôn Lạc Tiến cũng là bức tranh chung trên địa bàn xã Kỳ Bắc. Dù đi đến bất cứ đâu trên địa bàn, cũng đều có thể cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Các tuyến đường giao thông được nâng cấp rộng đẹp, thông thoáng, các công trình văn hóa, thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng đều được xây dựng khang trang, cảnh quan sạch đẹp.
Những năm qua, kinh tế, xã hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực. Năng suất lúa bình quân đạt 56,6 tạ/ha, sản lượng 2.790 tấn. Kỳ Bắc tiếp tục phát huy được thế mạnh phát triển chăn nuôi tổng hợp với tổng đàn trâu, bò gần 1.000 con; đàn lợn 23.500 con; đàn dê 500 con; gia cầm 37.500 con... Thu ngân sách bình quân đạt gần 20 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/năm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%...
Ông Nguyễn Giang Đông - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh chia sẻ: “Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân chúng tôi tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy đoàn kết, dân chủ, sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội; tập trung xây dựng xã Kỳ Bắc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025”.