Về Nặm Đăm gặp già làng tiên phong làm kinh tế

Trăn trở trước cái đói, cái nghèo, già làng Lý Đại Thông đã tiên phong áp dụng mô hình làm kinh tế mới mang lại ánh sáng hy vọng cho bà con đồng bào Nặm Đăm.

Người tiên phong làm kinh tế

Trong chuyến công tác giữa cái lạnh buốt của mùa đông nơi đại ngàn cao nguyên đá, chúng tôi có dịp ghé thăm Làng Du lịch văn hóa cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Khác với những bản làng hoang sơ, bao quanh là núi non trùng điệp, ấn tượng khi chúng tôi tới đây chính là sự yên bình, khung cảnh lãng mạn với điểm nổi nật là những ngôi nhà trình tường màu sáp ong vàng óng cùng miền văn hóa mang đậm nét xưa cũ của người Dao chàm.

Không chỉ ấn tượng với cách người dân nơi đây làm du lịch, chúng tôi còn đặc biệt bị thu hút sự chú ý với một già làng - người tiên phong trong phát triển kinh tế nông nghiệp, mong muốn "đem cái ăn, cái mặc, no ấm" cho bà con thôn bản. Già làng đó chính là ông Lý Đại Thông (SN 1958) - người có uy tín trong làng Nặm Đăm.

Già làng Lý Đại Thông chia sẻ về quá trình ông gây dựng nghề trồng cây ăn quả tại địa phương. Ảnh: Vũ Mừng

Già làng Lý Đại Thông chia sẻ về quá trình ông gây dựng nghề trồng cây ăn quả tại địa phương. Ảnh: Vũ Mừng

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thông kể, xưa kia, làng nghèo lắm, du lịch chưa phát triển như bây giờ, đời sống của bà con cũng chỉ dựa vào nương rẫy từ việc trồng ngô, khoai, sắn. Đặc biệt, với địa hình trên đồi núi cao cũng khó khăn cho người dân đi lại, phát triển kinh tế.

Nhận thấy, phải thay đổi chỗ ở, cần tìm đến những nơi bằng phẳng, màu mỡ hơn mới có thể ổn định sản xuất, đúng thời điểm đó, khoảng năm 1992, làng Trúc Sơn bị một trận hỏa hoạn làm cháy 27 nóc nhà. Do vậy, người dân tại thôn có động lực để di cư về Nặm Đăm ở. Đến tận năm 1999, thôn Nặm Đăm chính thức được thành lập.

"Lúc đó, do là người có tiếng nói trong bản làng nên tôi được bà con bầu làm Trưởng thôn. Nhận trọng trách với sự tin tưởng của dân bản, tôi đã trăn trở làm sao để phát triển kinh tế cho địa phương, cải thiện đời sống, thu nhập cho bà con. Sau đó, tôi tự tìm tòi học hỏi. Đặc biệt là qua tivi từ các chương trình của Hà Giang phát triển kinh tế tốt, tôi tự nhận thấy, mình có đất đai tại sao không thể làm. Thế rồi tôi đã bắt đầu bằng việc trồng cây mận và cây lê" - ông Thông nói.

Cũng theo ông Thông, ban đầu chúng tôi chỉ trồng diện tích nhỏ. Trong quá trình ấy, mô hình cũng được các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm, hướng dẫn về kỹ thuật và chăm sóc. Thế nên sau một thời gian, các loại cây trồng đã cho quả, có năng suất, chất lượng. Rồi người dân tin mà làm theo, tới giờ cả thôn đã có tới vài chục ha chuyên canh cây ăn quả.

Vượt qua những khó khăn bước đầu, ông Thông đã chứng minh cho bà con dân bản một mô hình làmkinh tế mới trên chính nơi mọi người sinh sống. Và sau bao nỗ lực vất vả, một khu vườn rộng gần 2ha, nào mận, nào đào, nào bưởi, cả thảy gần 200 gốc, vươn tán đều tăm tắp, tạo thu nhập cho gia đình ông mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng. Bà con trong thôn cũng dần có "của ăn của để" nhờ trồng cây ăn quả.

Kể lại lý do bắt đầu với cây ăn quả, ông Thông nói, nhận thấy đây là công việc phù hợp với người dân địa phương, đặc biệt là những người có tuổi có một công việc nhẹ nhàng, do đó, chúng tôi đã phải tuyên truyền, việc tham gia lao động nó như một hình thức tập thể dục, thể thao, vui vẻ trong gia đình. Nhờ đó, mọi người có động lực và hăng say lao động, sản xuất.

Nói về thành quả mình dày công gây dựng sau bao năm, ông Thông tự ví mình như đường cày đầu tiên xới lật lên những gia tài của đất, mà gia tài ấy chỉ dành cho những ai đủ kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm thay đổi.

Lưu giữ giá trị truyền thống của đồng bào

Từ những sườn đồi trọc, nhờ chắt chiu sự chịu thương, chịu khó, tần tảo của bà con Nặm Đăm, diện mạo nơi đây ngày một đổi sắc. Già làng Thông kể, nhờ sự chung sức đồng lòng xây dựng quê hương của bà con, năm 2001-2002, thôn Nặm Đăm đã vinh dự trở thành làng văn hóa sạch đẹp.

Cũng theo già Thông, nhờ có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, với bản sắc văn hóa truyền thống của người dân địa phương, dấu mốc đánh dấu sự thay đổi lớn của Nặm Đăm đó là phát triển du lịch. Tới năm 2013, Nặm Đăm đã trở thành một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Quản Bạ làm du lịch cộng đồng.

Lễ Cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo của dân tộc Dao chàm Nặm Đăm. Ảnh: Đ.N

Lễ Cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo của dân tộc Dao chàm Nặm Đăm. Ảnh: Đ.N

"Gìn giữ, xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa là giải pháp trọng tâm mà ngành du lịch địa phương hướng tới để thu hút du khách. Vừa có thể đảm bảo cuộc sống, vẫn gìn giữ được văn hóa cha ông, đó là điều tuyệt vời" - già Thông nói.

Thế nên, ngay từ thời điểm đó, ông Lý Đại Thông đã cất công tìm hiểu, sưu tầm những điệu múa, bài hát truyền thống và cùng người dân địa phương phục dựng, tái hiện lại để trình diễn phục vụ du khách.

Hiện nay, đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, du khách có thể nghỉ ngơi trong nhà trình tường của người Dao, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cùng người dân và tham gia các hoạt động như: Lễ Cấp sắc, Lễ cầu mùa, hát giao duyên, hát đối, múa sạp... Cùng với đó, du khách cũng được thưởng thức những món ăn độc đáo mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Ông Thông cho biết: “Khách đến với Nặm Đăm bởi vẻ đẹp nguyên bản của người Dao. Chúng tôi thường bảo nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Dao, để du khách đến với Nặm Đăm nhiều hơn. Chúng tôi tổ chức các hoạt động lễ hội với những trích đoạn riêng vào các buổi tối phục vụ du khách, giúp họ hiểu được một phần văn hóa của người Dao’’.

"Đặc biệt, để giữ được cái hồn và sự chất phác của con người cao nguyên đá, chúng tôi đã phải đào tạo hướng dẫn từng người dân, em nhỏ trong thôn tuyệt đối không được cò kéo, xin tiền, nâng giá đối với du khách. Có lẽ, đây cũng là điều để lại ấn tượng với du khách khi tới Hà Giang nói chung và Nặm Đăm nói riêng" - ông Thông nói.

Chia tay Nặm Đăm vào một chiều tà, khi nắng vừa tắt, nhưng giọng già Thông vẫn còn vang vọng trong tâm tưởng của người lữ khách: "Những nếp nhà có thể xa nhau nhưng nếp nghĩ phải gần nhau, vì nhau". Đó chính là sự hài hòa của xóm thôn, biết yêu thương, sẻ chia và đùm bọc lẫn nhau, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy những phong giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Chia sẻ với Báo Công Thương, Lý Tà Đành - Bí thư thôn Nặm Đăm - nói: Hiện nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có 65 hộ sinh sống trên địa bàn. Trong đó, có 39 hộ làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 600 lượt khách/ngày đêm, mang lại thu nhập trung bình hằng năm của mỗi hộ làm du lịch từ 200 - 300 triệu đồng.

Nga Đỗ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ve-nam-dam-gap-gia-lang-tien-phong-lam-kinh-te-368642.html
Zalo