Về một số từ láy manh mún, mỏng mẻo, mỏng manh
Trong chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã nêu ra 3 từ ghép bị Từ điển từ láy tiếng Việt nhận lầm là từ láy: nghỉ ngơi, ngơi ngớt, ngột ngạt. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục phân tích nghĩa đẳng lập của 3 từ: manh mún, mỏng manh, mỏng mẻo. (Phần để trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của Từ điển từ láy tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):

1. “MANH MÚN tt. Ở trạng thái bị chia cắt thành từng mảnh, nhỏ, vụn, rời rạc. Đồng ruộng còn manh mún. Cách làm ăn manh mún, cục bộ”.
Thực ra manh mún là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó manh 萌 gốc Hán nghĩa là mầm cỏ cây mới nhú ra, hãy còn nhỏ bé; nghĩa rộng chỉ các vật mỏng, nhỏ bé, không đáng kể (như manh quần; manh áo; mỏng manh); mún có nghĩa là thứ vụn vặt, nhỏ bé (như băm mún = băm nhỏ, băm vụn ra).
Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng nghĩa hai từ manh và mún như sau:
- “manh • mt. Chiếc, miếng, mảnh, tiếng gọi những vật mỏng mềm: Manh quần tấm áo; Cơm ba bát, áo ba manh, đói chẳng xanh, rét chẳng chết; Đến tối chị giữ lấy chồng, Chị cho manh chiếu, nằm không ngoài nhà (CD). • tt. Mỏng, rách tả - tơi: Buồn ngủ lại gặp chiếu manh (CD)”.
- “mún • dt. Miếng vụn: Mảy mún, manh mún. Chia manh chia mún”.
Chúng ta còn thấy các biến thể đồng nghĩa với mún như mủn (mủn bánh), mùn (mùn cưa), mụn (mụn vải),...
Như vậy, manh mún là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
2. “MỎNG MẺO tt. (kng.; id.) Mỏng (nói khái quát). Tấm bìa mỏng mẻo. Bộ bàn ghế đóng bằng gỗ mỏng mẻo quá”.
Mỏng mẻo là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó mỏng nghĩa là không dầy dặn (cùng nghĩa với chữ mỏng trong mỏng mảnh); mẻo nghĩa là ít ỏi, nhỏ bé (như mẻo đất; mẻo thịt; mẻo bánh; Có mỗi một mẻo đất mà tranh giành nhau.). Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng:
- “mỏng • tt. Rất kém về bề dày: Giấy mỏng, lụa mỏng, ván mỏng; • (B) Bạc, kém sút: Đức mỏng, phận mỏng; Một dày một mỏng biết là có nên (K)”; “mẻo • Một tí một chút <>Mẻo xôi. Mẻo thịt”.
- Từ điển Thanh Nghị: “mẻo • dt. Một chút, một ít <>Ngứt cho một mẻo bánh”.
Như vậy, các ngữ liệu như “giấy mỏng, lụa mỏng...”, “mẻo bánh”, “mẻo thịt”... cho ta thấy mỏng mẻo không phải là từ láy.
3. “MỎNG MANH tt. 1. Rất mỏng, gây cảm giác không chắc chắn, không đủ sức chịu đựng. Tấm áo mỏng manh, không đủ ấm”.
Mỏng manh là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó mỏng nghĩa là không dày dặn, dễ bị tổn thương khi tác động (như mỏng tang; mỏng như tờ giấy; Phận mỏng cánh chuồn); manh có nghĩa là những vật mỏng, mảnh, miếng nhỏ bé không đáng kể (như chiếu manh; quần manh). Mỏng manh đồng nghĩa với mỏng mảnh (mỏng và mảnh).
Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng:
- “mỏng • tt. Rất kém về bề dày: Giấy mỏng, lụa mỏng, ván mỏng; Dùng lòng đem lụa bán cho, Có chê lụa mỏng thì đo thước già (CD)”.
- “manh • mt. Chiếc, miếng, mảnh, tiếng gọi những vật mỏng mềm: Manh quần tấm áo; Cơm ba bát, áo ba manh, đói chẳng xanh, rét chẳng chết”.
Như vậy, cả 3 từ manh mún, mỏng mẻo, mỏng manh đều là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.