Vẽ lên sỏi đá… thu về đô la

Chị Nguyễn Thị Cúc đã thổi hồn nghệ thuật vào những viên đá để tạo ra tác phẩm độc đáo được săn đón trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Etsy, Amazon.

Từ những viên đá vô tri, chị Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 2000, ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) đã thổi hồn nghệ thuật, biến chúng thành những tác phẩm độc đáo được săn đón trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Etsy, Amazon.

Ban đầu, vẽ tranh trên sỏi chỉ là một sở thích cá nhân, nhưng với đam mê và sự kiên trì, chị Cúc đã biến nó thành công việc mang lại thu nhập ổn định, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Tháng 8-2024, chị Nguyễn Thị Cúc tình cờ lướt mạng và thấy những bức tranh vẽ trên sỏi được rao bán với giá hàng chục USD trên Etsy. Tò mò và yêu thích hội họa từ nhỏ, chị quyết định thử sức. Ban đầu, những bức tranh chỉ được vẽ để thỏa mãn đam mê cá nhân, trang trí góc làm việc hoặc làm quà tặng. Nhưng khi thử đăng một số sản phẩm lên Etsy, chị bất ngờ nhận được những đơn hàng đầu tiên từ nước ngoài.

Những viên đá mà chị Cúc sử dụng chủ yếu được nhặt ở sông, suối tại tỉnh Tuyên Quang (quê gốc của chị), nơi có nguồn đá tự nhiên với bề mặt mịn, thích hợp để vẽ. Mỗi chuyến đi tìm đá của chị Cúc thường kéo dài cả ngày. Chị cùng một số cộng sự cẩn thận lựa chọn từng viên có kích thước và hình dạng phù hợp.

Sau khi mang về, đá được rửa sạch bằng nước và bàn chải mềm để loại bỏ bụi bẩn, rêu mốc. Tiếp đó, đá được sấy khô và xử lý bề mặt bằng sơn lót để màu vẽ bám tốt hơn, đồng thời giúp tăng độ bền cho sản phẩm.

Chị Cúc lựa chọn từng viên sỏi để mài và làm sạch.

Sau đó, chị Nguyễn Thị Cúc lên ý tưởng, sáng tạo tác phẩm. Đây là giai đoạn đòi hỏi nhiều sự sáng tạo. Đôi khi, chính hình dáng tự nhiên của viên đá lại gợi ý cho chị một thiết kế phù hợp. Ví dụ, một viên đá tròn có thể trở thành gương mặt của một chú mèo đáng yêu, hay một viên đá dài có thể được biến tấu thành phong cảnh thiên nhiên. Chị Cúc thường phác thảo sơ bộ bằng bút chì hoặc bút dạ lên bề mặt đá để xác định bố cục trước khi bắt đầu tô màu.

Nhân viên vẽ chi tiết bức tranh lên từng viên sỏi.

Cuối cùng là tô màu và hoàn thiện sản phẩm. Màu vẽ được sử dụng chủ yếu là acrylic - loại màu có độ bám tốt và chống nước. Để tạo hiệu ứng chân thực, mỗi bức tranh có thể cần từ 3 đến 5 lớp màu, với từng chi tiết nhỏ được vẽ tỉ mỉ bằng cọ đầu nhỏ. Sau khi hoàn thành phần vẽ, tác phẩm sẽ được phủ một lớp sơn bóng bảo vệ để tăng độ bền và chống thấm nước.

Các sản phẩm nghệ thuật đã hoàn thành, chuẩn bị đóng gói vận chuyển đến khách hàng khắp nơi trên thế giới.

Hiện nay, sản phẩm chủ yếu được cung cấp ra thị trường nước ngoài, chị Cúc rất chú trọng khâu đóng gói. Mỗi viên sỏi được bọc bằng giấy nến, xốp hơi chống sốc và đặt trong hộp cứng để tránh nứt vỡ trong quá trình vận chuyển. Quá trình sáng tạo mỗi bức tranh trên sỏi thường kéo dài 1-2 ngày.

Khi đơn hàng ngày càng nhiều, một mình chị Cúc không thể đảm đương hết công việc. Chị tuyển thêm một số bạn trẻ có năng khiếu hội họa về làm việc cùng mình, hình thành một nhóm chuyên vẽ tranh trên sỏi tại Thái Nguyên.

Hiện cơ sở của chị có bốn họa sĩ trẻ, phần lớn là sinh viên hoặc cử nhân mỹ thuật. Một trong số đó là em Đặng Thị Kim Chi, là học sinh tốt nghiệp ngành Mỹ thuật, vẽ tranh tường nhưng chuyển sang vẽ trên sỏi vì thích sự độc đáo của chất liệu này.

Chị Cúc không chỉ hướng dẫn kỹ thuật vẽ mà còn giúp các bạn trẻ làm quen với kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, từ cách chụp ảnh sản phẩm, viết mô tả đến chăm sóc khách hàng.

Mỗi viên sỏi hoàn thiện đều được phủ một lớp sơn bóng để bảo vệ màu sắc và tăng độ bền. Giá bán dao động từ 35-40 USD (khoảng từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng), tùy theo độ phức tạp của thiết kế. Những bức tranh mang đậm dấu ấn cá nhân, khiến khách hàng nước ngoài thích thú và sẵn sàng trả giá cao.

Hiện tại, khách hàng của chị Cúc ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, Anh… Một trong những dòng sản phẩm bán chạy nhất là tranh chân dung thú cưng, phong cảnh và các chủ đề lễ hội như Giáng sinh, Halloween, Ngày của Mẹ.

Cũng giống như Jack, nhiều khách hàng quay lại đặt thêm hàng sau khi mua lần đầu vì ấn tượng với chất lượng tranh và sự chăm chút trong từng tác phẩm.

Không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, tranh sỏi của chị Cúc còn trở thành những kỷ vật ý nghĩa, chạm đến cảm xúc của khách hàng. Những lời cảm ơn, những phản hồi tích cực không ngừng gửi về, thể hiện sự trân trọng đối với giá trị tinh thần mà mỗi bức tranh mang lại, lưu giữ kỷ niệm, truyền tải yêu thương và tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ.

Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng trên các nền tảng thương mại quốc tế, chị Nguyễn Thị Cúc còn tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để lan tỏa đam mê nghệ thuật và tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Trên Facebook, TikTok, YouTube, chị thường xuyên chia sẻ video về quá trình sáng tạo một bức tranh trên sỏi, từ khâu chọn đá, phác thảo, tô màu đến hoàn thiện tác phẩm. Những video không chỉ thu hút hàng nghìn lượt xem mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người thử sức với bộ môn hội họa độc đáo này.

Nhận thấy tiềm năng phát triển thị trường trong nước, chị Cúc không chỉ tập trung vào xuất khẩu mà còn hướng tới việc quảng bá nghệ thuật vẽ sỏi ngay tại Việt Nam. Chị dự định lên kế hoạch tổ chức các workshop vẽ tranh trên sỏi dành cho trẻ em và người lớn. Theo chị, vẽ trên sỏi không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn giúp rèn luyện sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và kích thích tư duy sáng tạo.

Bên cạnh đó, chị còn mong muốn kết hợp vẽ sỏi với giáo dục mỹ thuật trong trường học, giúp trẻ em tiếp cận hội họa theo cách thú vị hơn. Không giống như giấy hay vải, mỗi viên sỏi có hình dáng riêng biệt, tạo nên sự bất ngờ và kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Chị Cúc tin rằng việc sử dụng vật liệu tự nhiên như sỏi có thể giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo theo cách gần gũi hơn với thiên nhiên.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Cúc không chỉ là hành trình kiếm tiền từ đam mê mà còn là minh chứng cho thấy nghệ thuật có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, biến những điều giản dị thành giá trị bền vững. Từ những viên sỏi vô tri, dưới bàn tay tài hoa của chị, chúng trở thành những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, được yêu thích trên toàn thế giới.

Với tầm nhìn xa và khát vọng phát triển, chị Cúc không chỉ vẽ tranh, mà còn đang vẽ nên một giấc mơ lớn hơn – không chỉ cho riêng mình, mà còn cho một ngành nghề sáng tạo đầy tiềm năng tại Việt Nam.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202504/ve-len-soi-da-thu-ve-do-la-cfb09a8/
Zalo