Về làng gặp ngọn gió nam

Những ngày giữa hạ tôi về làng và gặp ngọn gió nam. Gió nam như một người bạn của tuổi thơ tôi gian khó, vừa gần gũi lại vừa khó tính. Gió nam thổi thốc vào mặt tôi như muốn hỏi có nhớ đứa bạn này không hay sống xa quê lâu ngày mà quên mất rồi?

Tôi nhớ! Quê tôi giáp Quảng Trị - vùng đất được xem là “cái rốn” của gió nam thổi từ Lào sang, những ngọn gió không mát mà khô nóng, còn được gọi là gió Lào hay gió phơn nóng tây nam. Bởi vậy, gió nam ở vùng Ngũ Điền ven sông Ô Lâu và phá Tam Giang xứ Thừa Thiên Huế vẫn còn “chất Quảng Trị” thổi ào ào liên tục vào những ngày mùa hè với cấp độ khá mạnh. Hồi xưa, khi nhà cửa của người dân quê còn sơ sài tranh tre, thì có những trận gió nam mạnh có thể thổi xiêu vẹo luôn mấy căn nhà ở làng.

Gió nam lu là cách gọi của dân quê tôi về ngọn gió này khi trời nhiều mây ui ui, không nắng và thỉnh thoảng có vài giọt mưa ngoi nam. Gió nam lu chỉ có chút mát mát vào buổi sáng sớm sau đó thì trời nóng và khô dù gió cứ thổi. Nhớ gió nam lu là nhớ lời của mạ tôi những ngày đầu hè, trước khi ra đồng mạ thường kêu mấy anh em tôi vẫn còn đang ngon giấc: “Dậy mấy đứa, ngủ gắng là bị gió nam đè ngủ tới trưa luôn!”. Thiệt tình, là tôi đã nhiều lần bị “gió nam đè” ngủ li bì tới trưa vì đã nghỉ hè, không còn lo chuyện tới trường. “Gió nam đè” đến lúc người ra mồ hôi như tắm và trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy mình đang tắm mưa giông thiệt là mát mẻ trên đường làng, rồi tỉnh giấc...

Gió nam lửa là cách gọi ngọn gió nam vào những ngày trời nắng to, bầu trời buổi sáng mây trắng xếp hình như đậu hũ và sau đó thì mặt trời chói chang và gió thổi ù ù. Gió nam càng thổi mạnh, trời càng nóng gắt. Gió nam quét qua những con đường đất bụi cuốn mù mịt. Gió nam quét qua những rặng tre làm lá tre co quắp lại, còn những chú trâu nằm núp nắng dưới bóng tre thì lưỡi lè dài ra, vắt sang một bên mồm chẳng buồn nhai lại cỏ...

Đến trưa đứng bóng thì gió nam làm cho những con nước tù đọng ở ao, ruộng nóng lên. Tôi nhớ, có năm những ngày nam lửa, lũ cá đồng sống trong ruộng chịu không nổi, cứ thế ngoi lên trên mặt nước nằm ngửa chờ chết, cua cáy cũng bỏ hang dưới những bờ ruộng mà bò ra ngoài một cách mệt mỏi lắm. Đó cũng là lúc lũ trẻ con làng tôi có việc mà làm, mà chơi, đầu trần giang nắng mà lội xuống ruộng bắt cá, bắt cua. Hôm qua về làng, nghe ông anh ở làng nói lúa mới gieo gặp trời nam lửa như ri sáng thì trổ nước từ khe vô ruộng nhưng trưa thì phải tháo nước ra khỏi ruộng không thì nước nóng sẽ làm cây lúa non chết mất... Tất nhiên, tôi biết chuyện cá ngoi lên mặt nước bữa ni không còn nữa, vì ruộng rất ít cá...

Những ngày gió nam lửa thổi qua làng, tôi lại nhớ tiếng kẻng giữa ban trưa vang lên dồn dập báo cháy. Hồi đó, nhà cửa ở làng tôi phần lớn là lợp tranh, một nhà bị cháy gặp gió Nam lửa, nếu không dập kịp sẽ cháy lan ra cả xóm như chơi. Bởi vậy, chỉ cần nghe tiếng kẻng báo cháy vang lên thì đàn ông cả làng không ai bảo ai cầm gàu và các dụng cụ chữa cháy chạy nhanh về phía đám lửa...

Gió nam thổi từ sáng sớm. Có khi gió nam thổi suốt cả mấy ngày nóng nực đến ngao ngán. Nhưng trời vẫn còn thương con người khi gió nam chủ yếu gió thổi ban ngày đến khi sao mọc thì tắt gió. Đó là thời điểm mà dân làng tôi kêu là “nam nồm đánh nhau” khi trời im phăng phắc, không một gợn gió và cũng rất nóng. Và cũng thật lạ là trong cuộc tranh chấp thời tiết đó, gió nồm hay giành phần thắng mang hơi nước từ biển khơi “tắm gội” cho cây cỏ, súc vật và con người. Nhưng sáng mai ra, gió nam lại thổi, chắc là đã có trận tái đấu nam - nồm vào canh khuya và lần này thì gió nam đã giành phần thắng.

Gió nam thổi khi trời ui ui không nắng là nam lu, trời nắng gắt và gió thổi là nam lửa... Gió nam cứ thổi khó tính, nóng nực như thế từ bao đời nay rồi. Và cũng tự bao giờ gió nam cũng là người bạn của tôi, của làng, bởi cứ mùa hè là gió nam lại về...

Phi Tân

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/ve-lang-gap-ngon-gio-nam-145133.html
Zalo