Về làng Chuông đi chợ phiên nón lá
Diễn ra từ tờ mờ sáng, mỗi tháng 6 lần, phiên chợ nón làng Chuông không chỉ là nơi diễn ra hoạt động trao đổi mua bán, mà còn góp phần lưu giữ và lan tỏa giá trị của làng nghề hơn 300 năm tuổi. Từ đây, những chiếc nón lá – biểu tượng mộc mạc của văn hóa vùng châu thổ sông Hồng – âm thầm 'theo chân' người mua đến khắp mọi miền đất nước.
Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng là “quê hương của nón lá” – một trong những làng nghề truyền thống lâu đời bậc nhất miền Bắc.
Suốt hơn 300 năm hình thành và phát triển, nghề làm nón vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và truyền lại qua từng thế hệ như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần.

Dẫu không ai còn nhớ chính xác nghề bắt đầu từ bao giờ, nhưng tại sân đình cổ kính giữa làng, một phiên chợ đặc biệt vẫn đều đặn diễn ra vào mỗi sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Hoàng Long

Đó chính là phiên chợ nón làng Chuông – nơi lưu giữ nhịp sống và tinh thần của làng nghề truyền thống. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Phiên chợ nón làng Chuông diễn ra vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng, từ 4 giờ đến 6 giờ sáng, tại sân đình giữa làng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Ngay từ tờ mờ sáng, các con ngõ nhỏ quanh làng đã rộn ràng bước chân. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Người làng, chủ yếu là phụ nữ, đội nón, vai khoác những chồng nón mới làm xong, đổ về sân đình. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Cảnh tượng ấy tạo nên một bức tranh sinh động, vừa nhộn nhịp vừa đậm đà chất quê. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Người bán mang theo chồng nón từ 10 đến 20 chiếc, len lỏi qua từng lối nhỏ, chủ động tìm người mua. Ảnh: Nguyễn Hoàng Long

Trong khi đó, người mua đứng ở những điểm cố định để xem hàng, kiểm tra chất lượng và thương lượng giá cả. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Mỗi lô hàng thường tối thiểu 10 chiếc, được buộc gọn và nhanh chóng chuyển ra xe tải rời làng trước khi nắng lên cao. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Không chỉ là nơi buôn bán sản phẩm hoàn chỉnh, chợ nón làng Chuông còn cung cấp đầy đủ nguyên liệu làm nón: từ khung nón, vành tre, lá nón, dây cước, dây đan đến các vòng con bằng nhôm. Ảnh: Nguyễn Hoàng Long

Một người thợ lành nghề chỉ cần ghé phiên chợ một vòng là đã có thể mua đủ nguyên liệu để làm nên một chiếc nón hoàn chỉnh. Ảnh: Nguyễn Hoàng Long

Phiên chợ không đơn thuần là nơi giao thương, mà còn là dịp để người dân làng Chuông gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm nghề. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Ở làng Chuông, nghề làm nón không chỉ là kế sinh nhai mà còn là sợi dây gắn kết giữa các thế hệ. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Trẻ em lớn lên với hình ảnh bà và mẹ ngồi khâu nón dưới mái hiên. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Người già dù đôi tay đã yếu, vẫn cố giữ từng đường kim mũi chỉ – như níu giữ sợi chỉ ký ức không để đứt đoạn. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Đó không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là kết tinh của văn hóa vùng châu thổ sông Hồng – nơi con người sống chan hòa với thiên nhiên, khéo léo và cần mẫn trong từng công đoạn lao động. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn