'Vẽ' hợp đồng để gọi vốn đầu tư đất 'ảo'

Lợi dụng việc biết một số thông tin về dự án đất đai trên địa bàn thành phố Vinh, Trần Xuân Hà đã vẽ ra các hợp đồng góp vốn đầu tư đất 'ảo' để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các chủ đầu tư. Điều đáng nói, tại thời điểm đó Hà đang là phó phòng của một trung tâm phát triển quỹ đất trên địa bàn.

Giả mạo chữ ký lãnh đạo

Trung tuần tháng 3/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An nhận được nhiều đơn thư của nhiều bị hại trên địa bàn TP. Vinh tố cáo việc mình bị lừa đảo.

Tại thời điểm bị bắt, Trần Xuân Hà đang giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Giải phóng mặt bằng 3 của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Vinh. Ảnh: An Quỳnh

Tại thời điểm bị bắt, Trần Xuân Hà đang giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Giải phóng mặt bằng 3 của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Vinh. Ảnh: An Quỳnh

Tuy đơn thư của các bị hại ở nhiều địa bàn khác nhau nhưng thủ đoạn lừa đảo hầu hết giống nhau. Các bị hại bị lừa đảo khi nộp tiền với mục đích chuyển đổi quyền sử dụng đất, mua đất thu lợi nhuận cao,… Đặc biệt, các lá đơn đều tố cáo đối tượng lừa đảo chính là cán bộ của trung tâm phát triển quỹ đất.

Từ hồ sơ, giấy tờ được người dân cung cấp, các điều tra viên đã tiến hành thu thập và xác minh. Tất cả các giấy tờ đối tượng đưa cho bị hại đều có chữ ký lãnh đạo và dấu đỏ của trung tâm, mẫu tài liệu đúng quy định pháp luật ban hành. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, qua giám định bước đầu cho thấy, dấu đỏ của trung tâm là đúng mẫu hiện hành, riêng chữ ký được xác định là giả mạo.

Nhận thấy đây là hành vi cố ý lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các điều tra viên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Trần Xuân Hà (SN 1983), trú tại xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tại thời điểm bị bắt, Trần Xuân Hà đang giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Giải phóng mặt bằng 3 của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Vinh.

Tại cơ quan điều tra, Hà khai nhận một trong những phi vụ “làm ăn” đầu tiên Hà kiếm được do lập các giấy viết tay với nội dung miễn giảm tiền sử dụng đất và làm bìa đất cho bị hại. Trong quá trình thực hiện dự án đường 72m tại xã Nghi Phú (TP. Vinh), Trần Xuân Hà vô tình biết được ông Lê Trọng Tr. được Nhà nước hỗ trợ, bồi thường số tiền hơn 5 tỷ đồng bao gồm đất và tài sản trên đất.

Do cần tiền trả nợ ngoài xã hội, nên Hà đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Tr. Thông qua "vỏ bọc" là Phó phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất, Hà liên hệ với ông Tr. và cho biết mình có thể làm thủ tục miễn giảm tiền sử dụng đất, đồng thời làm sổ đỏ cho ông Tr. Do tin tưởng vẻ bề ngoài Hà tạo ra, ông Tr. không mảy may suy nghĩ mà đã 2 lần chuyển tiền cho Hà lo việc với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng.

Thấy việc “làm ăn” có vẻ thuận lợi, Hà nghĩ ra thủ đoạn mới để tạo lòng tin với các bị hại. Nhờ mối quan hệ quen biết trước đó, Hà ngỏ ý với anh Phạm Công B. là cán bộ địa chính phường Hưng Phúc (TP Vinh) về việc góp vốn vào hợp đồng đầu tư mua bán đất kiếm lời.

Vì tin tưởng vỏ bọc Hà tạo nên cùng với bản hợp đồng mà Hà đã “cất công” làm giả mạo chữ ký Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Vinh, anh B. không chút nghi ngờ trao cho Hà số tiền 1 tỷ đồng mà mình tích cóp được.

Một trường hợp khác cũng bị Hà lừa gạt là anh Nguyễn Văn H. Trong quá trình làm việc, do có quen biết với nhau, Hà biết được anh H. là xóm trưởng xóm 17, xã Nghi Phú đang có nhu cầu mua đất. Trần Xuân Hà ngay lập tức nói dối anh H. rằng cần bán mảnh đất A16 của bà Nguyễn Thị Lý.

Ngày 4/4/2018, Hà đã lập một hợp đồng chuyển nhượng lô đất A16 và nhận của anh H. 500 triệu đồng. Sau đó, lấy lý do cần tiền làm thủ tục sang tên nên Hà đã lấy của anh H. thêm 100 triệu đồng.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Trần Xuân Hà đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền lên tới 9,6 tỷ đồng. Bị cáo khai tất cả số tiền trên đều được Hà sử dụng vào việc trả nợ cá nhân, không có tài liệu ghi lại.

Con đường sa ngã

Trần Xuân Hà sinh ra trong một gia đình có điều kiện, được bố mẹ cho ăn học đến nơi, đến chốn. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành về đất đai tại Hà Nội, Hà được cử về công tác tại Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Vinh đúng với chuyên ngành mà mình đã học.

Quá trình công tác tại trung tâm, Hà thể hiện được năng lực, trình độ của mình, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được UBND TP. Vinh tặng Giấy khen. Với thành tích đó, Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Giải phóng mặt bằng 3 của trung tâm. Tuy nhiên, ở vai trò mới, khi gặp nhiều cám dỗ, Trần Xuân Hà đã không giữ được bản lĩnh, không gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong cùng thời điểm này, vì thiếu tiền đầu tư một số kế hoạch kinh doanh bên ngoài, Hà lâm vào cảnh nợ nần. Trong lúc túng thiếu, y đã lên kế hoạch thực hiện hành vi lừa đảo.

Bản thân từng công tác nhiều năm tại Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh, với chức năng, nhiệm vụ liên quan đến thẩm định, giải phóng mặt bằng, công tác đền bù tái định cư, Hà nắm rõ nhiều người dân được nhận tiền đền bù đất. Với thủ đoạn lợi dụng sự tin tưởng của người dân đối với cán bộ thẩm định, đồng thời cũng là lãnh đạo của một phòng, Hà đã chủ động tìm gặp, làm quen với những người dân có tiền, có nhu cầu góp vốn làm ăn để được lợi nhuận cao rồi giả mạo chữ ký lãnh đạo và sử dụng con dấu của trung tâm lập các hợp đồng góp vốn, viết các giấy vay tiền với nội dung để góp vốn mua đất thu lợi nhuận cao, hứa hẹn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… để chiếm đoạt tài sản của người dân.

Trần Xuân Hà bị tuyên phạt 18 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: An Quỳnh

Trần Xuân Hà bị tuyên phạt 18 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: An Quỳnh

Phiên tòa xét xử bị cáo Trần Xuân Hà về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được tổ chức vào cuối tháng 2/2019.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, quyền sở hữu về tài sản là một quyền được Hiến pháp và pháp luật hình sự bảo vệ, đây là quyền bất khả xâm phạm về tài sản của công dân. Bản thân bị cáo là người có trình độ, có học thức, lại công tác trong lĩnh vực liên quan đến bồi thường đất nên hiểu rõ được việc làm trên là gian dối, là hành vi trái pháp luật. Mặc dù biết pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn bất chấp, dùng thủ đoạn tinh vi để tạo niềm tin đối với người dân, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo của mình. Hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, làm mất niềm tin của người dân đối với cơ quan Nhà nước, đồng thời, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Trần Xuân Hà thể hiện sự ăn năn, hối cải: “Bị cáo xin lỗi các bị hại, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về làm việc kiếm tiền khắc phục hậu quả”.

Nghe tòa tuyên án 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại, Hà quay đầu xuống người thân, giơ đôi tay bị còng lên gạt nước mắt. Có học thức, có vị trí trong xã hội, nhưng chỉ vì túng quẫn do nợ nần mà bất chấp pháp luật dẫn đến lao lý, đó là cái giá mà Trần Xuân Hà phải trả.

An Quỳnh

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/ve-hop-dong-de-goi-von-dau-tu-dat-ao-10275602.html
Zalo