Về già mới hiểu càng hy sinh cho con cái, càng dễ bị coi là gánh nặng

Cãi bẫy ở tuổi xế chiều mà chiều người làm cha làm mẹ mắc phải là tưởng mình được con cái yêu thương vô điều kiện.

Có một thực tế đau lòng rằng, nhiều bậc cha mẹ vẫn có niềm tin "tôi sinh con, nuôi con vất vả như vậy, về già nhất định nó sẽ phụng dưỡng tôi". Thế nhưng, chẳng có tình yêu nào vừa "vô điều kiện", vừa "bền lâu". Hôn nhân cần có nhiều điều kiện đi kèm như phải có nhà, có xe, có công việc ổn định. Tình thân cũng cần có điều kiện như hiếu thảo, không mang lại gánh nặng, không xảy ra những mâu thuẫn liên quan tới lợi ích.

Cha mẹ và con cái, tưởng như máu mủ ruột rà nhưng thật ra lại là hai thế hệ với hai hệ giá trị quan khác nhau, và không phải lúc nào cũng song hành.

Nếu bạn vẫn còn có niềm tin, cho rằng con cái chắc chắn sẽ lo cho mình khi về già, hãy suy nghĩ lại điều này. Cha mẹ luôn muốn "dựa dẫm" vào con mình nhưng con cái lại cảm thấy đó là "gánh nặng".

Nhiều người sinh con ra với suy nghĩ rất đơn giản: “Sau này có đứa đỡ đần, có bát cơm, ly nước lúc đau ốm”. Nhưng con cái sinh ra không phải để trả nợ, nếu chỉ nhìn con như “công cụ dưỡng già”, sớm muộn gì người thân cũng hóa người dưng.

Ảnh minh họa.

Bạn đã từng nghe tới câu nói "cha mẹ bệnh lâu con cái khó lòng mà hiếu thảo" chưa. Bởi vào lúc này, con cái nhận ra rằng mình bị ràng buộc, bị kỳ vọng quá mức, bị ép trở thành “kẻ chịu trách nhiệm trọn đời”, họ sẽ phản ứng, thậm chí bằng sự thờ ơ lạnh lùng.

Trong xã hội hiện đại, con cái không phải không thương cha mẹ, mà là quá mệt để lo cho cả chính mình lẫn cha mẹ.

Một người từng làm việc tại viện dưỡng lão chia sẻ: “Nhiều cụ có con có cháu đầy đủ nhưng vẫn bị đưa vào đây. Hỏi ra thì đều là vì con cái không kham nổi nữa”.

Bởi lẽ trong con mắt nhiều người trẻ, người già không còn là trụ cột, mà là người cần chăm sóc, tốn tiền, tốn sức, tốn thời gian, hay nói trắng ra là một "tài sản âm".

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người trẻ đang phải đối mặt với áp lực tài chính ngày càng gia tăng. Với mức lương thấp, họ phải lo toan cho việc mua nhà, nuôi con. Dù có thể rơi nước mắt khi phải chia tay cha mẹ ở viện dưỡng lão nhưng không ít người trẻ lại không thể đưa cha mẹ về sống cùng mình. Họ hiểu rằng, việc này có thể đồng nghĩa với việc kéo theo một cuộc sống khó khăn hơn cho cả gia đình.

Việc dưỡng già là trách nhiệm của bản thân chứ không phải của con cái.

“Con cái tôi hiếu thảo lắm, nó nói sẽ nuôi tôi cả đời”. Cha mẹ có thể tin lời này của con cái nhưng hãy nhớ một điều rằng, nói thì dễ làm mới khó. Nếu nằm đau liệt giường lâu ngày, cha mẹ sẽ thấy được mặt thật của những lời hứa. Lúc khỏe mạnh, con cái xum vầy hứa hẹn đủ điều, khi cần chăm sóc cho cha mẹ từng miếng ăn giấc ngủ, bạn mới biết được lòng người như thế nào. Đây là một sự thật mà cha mẹ cần sớm tỉnh ngộ, càng biết sớm càng đỡ rơi vào cảnh bi thương sau này.

Tóm lại, nuôi con không phải là để trông chờ chúng phụng dưỡng mình khi về già. Nếu đã lỡ tin như vậy, bạn hãy sớm tỉnh thức. Nếu con cái còn khó tự lo cho mình, cũng sẽ rất khó lo cho cha mẹ. Nếu cha mẹ coi con là “cây ATM cảm xúc”, con cũng sẽ coi cha mẹ là “gánh nặng”. Thay vào đó, ngay từ bây giờ bạn hãy học cách để dưỡng già bằng chính sức lực của mình từ tài chính, sức khỏe cho tới sự độc lập. Càng ít kỳ vọng vào con cái, về già càng thanh thản hơn.

Phan Hằng - Aboluowang

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ve-gia-moi-hieu-cang-hy-sinh-cho-con-cai-cang-de-bi-coi-la-ganh-nang-204252207071702378.htm
Zalo