Vẻ đẹp tình nguyện

Từ hải đảo hay các vùng biên giới xa xôi, sức trẻ tình nguyện của các chàng trai, cô gái đã, đang và sẽ để lại nhiều hơn nữa những câu chuyện tốt đẹp, những việc làm tử tế, từ đó nhân lên ý nghĩa của phong trào tình nguyện.

Ảnh hai liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc và Đặng Văn Bằng được nhóm của anh Phùng Quang Trung phục dựng, mô tả ăn bữa cơm sum vầy cùng với cha mẹ ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện). Ảnh: SKY LINE

Ảnh hai liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc và Đặng Văn Bằng được nhóm của anh Phùng Quang Trung phục dựng, mô tả ăn bữa cơm sum vầy cùng với cha mẹ ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện). Ảnh: SKY LINE

Có nhiều cách để làm công tác tình nguyện chứ không nhất thiết phải chờ có phong trào. Nhiều người trẻ đã chọn cho mình cách ấy để giúp ích cho đời. Chàng trai trẻ Phùng Quang Trung là một trong những thanh niên đã chọn cho mình con đường riêng.

Tròn 30 tuổi, quê gốc Hà Nội nhưng anh Phùng Quang Trung chọn ở lại với Hải Dương. Cơ duyên đã đưa anh đến với công việc không mới nhưng nặng tình, nặng nghĩa và nhân văn, đó là "đưa các liệt sĩ trở về với mẹ".

Ngày 19/8/2024, đúng dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc (sinh năm 1936) và người em ruột là liệt sĩ Đặng Văn Bằng (sinh năm 1947) đã "về với mẹ" ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện). Điều đặc biệt nhất, xúc động nhất, là ảnh 2 liệt sĩ được phục dựng đang quây quần cùng mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngách (109 tuổi) và người cha là cụ Đặng Văn Tiền (113 tuổi) cùng ăn bữa cơm ấm cúng. Mẹ Nguyễn Thị Ngách liên tục chỉ tay vào bức ảnh: "Các con đi lâu quá, bây giờ mới về với mẹ!". Thật không có gì có thể diễn tả được niềm xúc động của gia đình khi đón di ảnh các con. Nửa thế kỷ rồi, các con mới về thăm mẹ nhưng theo một cách không thể đặc biệt hơn, và người làm nên điều kỳ diệu ấy là một chàng trai không khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện nhưng tình nguyện mang đến niềm hạnh phúc khôn tả cho các gia đình liệt sĩ.

Còn trong một ngày tháng 6 vừa rồi, lúc đón di ảnh 2 con liệt sĩ Nguyễn Bá Đường và Nguyễn Bá Trưng, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lũy (sinh năm 1923) ở thôn An Giới, xã An Sơn (Nam Sách), dù không còn minh mẫn bỗng trở nên tinh tường: "Hai con tôi đây rồi. Con tôi đẹp trai quá". Nghe câu nói của Mẹ Việt Nam anh hùng đã hơn 100 tuổi, ai cũng bật khóc nghẹn ngào. Nhìn vào tấm ảnh con trai Nguyễn Bá Đường, mẹ kể, ngày nhập ngũ, con chỉ ăn một bát cơm, còn lại phần các em. Rồi con khoác ba lô đi từ năm 1969 bây giờ mới "về". "Chỉ sợ nó đói thôi", mẹ khóc.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của nó còn âm ỉ mãi. Điều đó đã thôi thúc chàng trai trẻ Phùng Quang Trung càng quyết tâm làm một điều gì đó thiết thực để san sẻ nỗi buồn của các gia đình liệt sĩ.

Đã 2 năm qua, Phùng Quang Trung và những người bạn âm thầm thực hiện công việc đầy ý nghĩa này tại Hải Dương. Ban đầu nhóm có 5 người, sau có thêm nhiều chàng trai tình nguyện gia nhập. Mỗi người một công việc mưu sinh nhưng đều chung một sứ mệnh sẻ chia, tự trao cho mình trọng trách xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh để lại.

Trong suốt hơn 2 năm, có hàng nghìn bức ảnh liệt sĩ được nhóm của Phùng Quang Trung phục dựng. Anh chỉ mong mình có đủ sức khỏe để thực hiện công việc đầy ý nghĩa này vì số lượng ảnh liệt sĩ bị mờ nhòe, liệt sĩ không có ảnh còn quá lớn. Với Phùng Quang Trung, có nhiều cách để tình nguyện, miễn sao công việc đó mang lại lợi ích cho cộng đồng. Anh mong muốn công việc của mình sẽ góp phần nhỏ bé để lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, trân trọng những hy sinh to lớn của lớp lớp cha anh thuở trước đã mang lại bình yên cho mảnh đất này!

Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Đương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh Hải Dương trong một hoạt động tình nguyện (ảnh nhân vật cung cấp)

Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Đương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh Hải Dương trong một hoạt động tình nguyện (ảnh nhân vật cung cấp)

Với một bác sĩ trẻ như anh Nguyễn Văn Đương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh Hải Dương, Trưởng khoa An dưỡng (Bệnh viện Phục hồi chức năng), giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát là một dấu ấn đáng nhớ đối với chuyên môn và hoạt động tình nguyện của mình. Là Bí thư Chi đoàn của bệnh viện, anh Đương luôn đi đầu trong mọi hoạt động. Những ngày dịch Covid-19 hoành hành, đường phố vắng tanh nhưng bất kể trời mưa hay nắng, anh cùng các bạn đi khắp các hang cùng, ngõ hẻm phát tờ rơi tuyên truyền, phát xà phòng và hướng dẫn nhân dân sát khuẩn ở các bến xe, ga tàu. "Khi vaccine phòng Covid-19 còn khan hiếm, một bộ phận nhân dân hoang mang lo sợ, ngoài tuyên truyền phòng chống dịch, chúng tôi còn làm nhiệm vụ động viên nhân dân yên tâm, thực hiện đúng hướng dẫn. Bản thân tôi khi ấy cũng lo lắng, song là bác sĩ, là đoàn viên, tôi chấp nhận khó khăn, thậm chí nguy hiểm", anh Đương nói.

Khi đó chi đoàn anh Đương còn tự nghiên cứu làm được 200 kính phòng hộ cho nhân viên y tế và anh tham gia vào "Mạng lưới thầy thuốc đồng hành" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thành lập để hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 với nhiệm vụ là bác sĩ thành viên khu vực 725 (Bình Dương).

"Covid-19 được dập tắt, cuộc sống trở lại bình thường. Trong đội ngũ của ngành y tế cả nước, nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh, có người không qua khỏi. Đó là những mất mát to lớn, song chúng tôi luôn tự hào với vai trò của những người ở tuyến đầu chống dịch. Với tôi, đó chính là tình nguyện, góp sức nhỏ bé của mình mang lại hạnh phúc cho người dân", anh Đương nói.

Còn nhiều nữa những tấm gương tình nguyện, những hoạt động ý nghĩa của họ đều được cộng đồng ghi nhận. 2.798 thanh niên tình nguyện thuộc 129 đội thanh niên tình nguyện tại Hải Dương là con số mới nhất theo ghi nhận của Tỉnh đoàn.

Phong trào tình nguyện của thanh niên ngày càng rộng khắp và lan tỏa. Không chỉ tại Hải Dương, thanh niên tình nguyện của Hải Dương còn đi đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La...

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ve-dep-tinh-nguyen-391003.html
Zalo