Vẻ đẹp người Công an 'quân hàm xanh' trong dòng thơ cách mạng
Trong dòng thơ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều tác phẩm khắc họa vẻ đẹp của người chiến sĩ CAND vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc.
Từ ngàn xưa, trong quá trình mở cõi và gìn giữ giang sơn, cha ông ta đã đặc biệt chú trọng đến công việc đại sự bảo vệ biên cương của đất nước. Và lẽ hiển nhiên, biên giới cũng được coi là một phạm trù thiêng liêng trong tâm thức mọi con dân đất Việt. Một số làn điệu ca trù, chèo, vọng cổ… từ xa xưa cũng đã dựng các tuồng tích đề cập đến vấn đề biên giới, về tình nghĩa giữa hậu phương và người đi trấn thủ chốn địa đầu.
Đặc biệt, trong dòng thơ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều tác phẩm khắc họa vẻ đẹp của người chiến sĩ CAND vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thăm Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn năm 1962.
Những chiến sĩ CAND vũ trang luôn có một niềm tự hào về bộ quân hàm, cầu vai nền màu xanh lá cây, màu tượng trưng cho núi rừng, biển cả và đồng lúa xanh tươi mát do đích thân Bác Hồ lựa chọn từ ngày đầu thành lập vào mùa xuân năm 1959. Đó cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, Mỹ, ngụy tăng cường bắn phá, tung gián điệp, biệt kích xâm nhập biên giới bờ biển và kích động nhân dân các dân tộc thiểu số bỏ bản làng vào rừng sinh sống, nổi phỉ xưng vương.
Trong hoàn cảnh vừa chiến đấu, vừa xây dựng tổ chức biên chế, toàn lực lượng đều thể hiện quyết tâm tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, xứng đáng với bài thơ Bác tặng khi Người đến dự Đại hội chiến sĩ thi đua lần thứ nhất, năm 1962: “Những chiến sĩ Công an nhớ mãi lời thơ Bác: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi cao sự nghiệp càng cao/ Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu/ Thi đua ta quyết giật cờ đầu/ Trong lịch sử bốn ngàn năm đây những ngày đẹp nhất…”. ("Việt Nam đất nước những mùa xuân" - Chế Lan Viên). Và có lẽ, năm câu thơ của Hồ Chủ tịch cũng là một trong những bài thơ đầu tiên về những chiến sĩ “vệ binh quốc gia” này.
Những năm tháng cả nước cùng đánh giặc, dưới sự chỉ đạo của Đảng đoàn Bộ Công an, CAND vũ trang đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng và những mục tiêu trọng yếu, những chiến sĩ cận vệ Bác Hồ biết mấy tự hào: “Đêm nay Phủ Chủ tịch sáng ngời/ Trên rặng nhãn gió sông Hồng dậy sớm… Mỗi bước đi dẫu chớp bể mưa nguồn/ Thương Bác áo bông bạc màu giản dị/ Khi chúng cháu được làm người cận vệ/ Có máy sưởi nào ấm hơn tình Bác mênh mông/ Đêm nay cửa sổ tầng cao lắng gió sông Hồng/ Cũng đăm đăm canh trời xa không chớp/ Tháng Năm về, cả dân tộc đi vào phiên gác/ Giữ trái thơm hạnh phúc Bác dành cho”. ("Phiên gác tháng Năm" - Phan Trọng Bằng).
Trên đỉnh cao biên giới, hình ảnh các anh đẹp đến nao lòng: “Những chiến sĩ Biên phòng/ Đứng chon von giữa trời biên giới/ Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi/ Ngày mù sương tơ tưởng một bến đò... ("Đáng sống biết bao một ngày vì cách mạng" - Lưu Trùng Dương, 1964). Và rồi chính họ cũng đã hòa thành vẻ đẹp của mùa xuân biên giới: “Xuân đi giữa biên cương/ Mưa phùn giăng giăng ngang suối/ Rừng trắng phấn măng gửi tặng em năm mới/ Mà anh như gió xuân không mỏi/ Chở đầy hương núi, hương hoa…”. ("Mùa xuân" - Dương Kiềm).
Đến với biên cương xa xôi, các anh dùng cây làm nhà, dựng tre thành chòi canh, vọng gác, bám dân, bám địa bàn tiến hành vận động nhân dân định canh, định cư, xây dựng hợp tác xã, xây dựng đời sống mới: “Cha Lo thăm thẳm rừng cây/ Yêu quê, yêu nước dân đây một lòng/ Có anh chiến sĩ Biên phòng/ Biến đèo thành trạm, biến rừng thành nương/ Cha Lo chín khúc tình thương/ Nói lên tiếng nói chiến trường xôn xao/ Có anh lên tận thác cao/ Sát lưng cùng với đồng bào đấu tranh…”. ("Đường lên Cha Lo" - Nguyễn Xuân Xanh, 1966).
Các anh mưu lược, anh dũng đấu tranh với bọn biệt kích, thám báo: “Nơi tiền tiêu nắng dãi mưa dầu/ Tay súng các anh giữ từng tấc đất/ Một ngọn cỏ cũng không thể mất/ Một cánh chim không thể lạc đàn/ Cột mốc phủ rêu thời gian/ Nhánh đường mòn từ lâu phân định/ Đập nát âm mưu của kẻ thù toan tính/ Quét chúng trước chiến hào như quét lá khô/ Biên giới ta lồng lộng bóng cờ/ Màu đỏ như mặt trời/ Thế đấy!”. ("Phía sau các anh" - Tạ Hữu Yên, 1972).

Chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang tiếp quản Sân bay Đà Nẵng.
Những đêm canh giữ biển trời, người chiến sĩ CAND vũ trang nhận biết thêm bao điều mới mẻ: “Ngày nay anh biết quê ta lớn/ Mỗi bước chân trời mỗi rộng thêm/ Theo tàu mỗi bận anh ra biển/ Lại nhớ đêm dừng chuyến muối lên/ Đêm nay tàu lại đi tuần biển/ Anh đếm sao lên bỗng nhớ nhà/ Bỗng nhớ rừng xa em đứng gác/ Dưới trời… ta giữ đất quê ta”. ("Giữ biển" - Trần Hữu Tòng, 1964), hay: “Âm thanh bộn bề vọng gác tiền tiêu/ Tôi thường lắng nghe mỗi lần vào phiên gác/ Hơi thở quê hương ngọt ngào trong sóng nước/ Cuộc sống mỗi ngày sinh sôi/ Và tình yêu nảy nở trong tôi!”. ("Âm thanh" - Hồ Đức Tăng, 1965).
Trên con đường Trường Sơn huyền thoại, những đồn trạm CAND vũ trang đã trở thành điểm tựa, cùng bộ đội Trường Sơn chiến đấu bảo vệ tuyến đường: “Phá núi mở đường ta thi với giặc/ Ngang trạm tiền tiêu có anh lính gác/ Cổng chắn đường nghiêng đổ, dựng liền tay/ Sáng đánh bên kia chiều chuyển bên này/ Bom vây dày không hề nao núng/ Gan góc Trường Sơn tầng tầng lửa dựng…” ("Lá thư xa" - Lương Sỹ Cầm, 1968).
Trên trận tuyến pháo phòng không, họ cùng nhân dân tạo nên lưới lửa ngăn máy bay của kẻ thù xâm nhập: “Hai trận địa, hai mỏm đồi cát trắng/ Cách nhau mười tám hố bom/ Bên này gọi bên kia: Trận địa mười cô gái/ Bên ấy gọi bên này: Trận địa Công an/…/ Hai ngọn đồi xưa chưa mang tên/ Nay xóm mẹ gọi thành tên trận địa/ Sóng biển vỗ dạt dào, nghe gần thế/ Trận địa chúng mình nằm giữa lòng dân”. ("Hai trận địa" - Trần Quốc Huấn, 1972).
Rồi từ con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đồng đội của họ, những chiến sĩ an ninh vũ trang miền Nam lên đường ra tiền tuyến: “Từ cửa gió này ta xuyên Trường Sơn/ Ta chốt điểm cao, ta chia rừng phục kích/ Đường tuần tra đâu mùa chiến dịch/ Chiến dịch bốn mùa và thế trận bao la…”. ("Cửa gió Tùng Chinh" - Đào Nguyên Bảo).
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, biên cương lại ầm vang tiếng súng, những chiến sĩ CAND vũ trang lại đứng trên tuyến đầu chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Trong điều kiện chiến đấu ác liệt, trăm bề thiếu khó, họ vẫn lạc quan, tin tưởng: “Gọi là đồn - đồn không có nhà/ Đóng trong rừng, rừng trên phù sa/ Đầm lầy bao la là trận tuyến… Rừng sú, rừng đước hóa rừng chông nhọn sắc/ Bãi phù sa cài bẫy đón quân thù/ Từ đầm lầy ta mở rộng chiến khu…”. ("Điểm chốt trên đầm lầy" - Vũ Ngọc Khôi, 1977), hay: “Thức dậy bình minh/ Thắp sáng căn hầm, ụ súng/ Cấu kiện trên đồi trụ vững trên vai/ Sức mạnh dồn lên cơ bắp/ Gió biên giới thổi căng lồng ngực/ Dốc đồi cao nén tiếng cường vui/ Thấy mặt trời trong giọt mồ hôi/ Ngọn gió luồn sâu vào lòng đất/ Đồng đội nhìn nhau thấy ngôi sao trong mắt/ Những ngôi sao có thật/ Như đường đồi mòn vẹt dấu bàn chân/ Như Tổ quốc ta chiến thắng đến ba lần…”. ("Đường biên chạy dọc" - Nguyễn Trung Kiên, 1979).
Những vẻ đẹp giản dị và bi tráng đó đã được đồng chí Lê Đức Thọ ghi lại bằng thơ sau một lần đến thăm chốt canh biên giới: “Tôi nhớ buổi chiều anh cõng tôi lên/ Chân tôi yếu không thể nào leo hết dốc/ Mỗi bước anh đi tôi đếm từng nhịp thở/ Hai trái tim thì thầm to nhỏ/ Hơi ấm lưng anh sưởi ấm cả lòng tôi”; “Nói đến đây anh bỗng cười xòa/ Đất nước khó khăn, quân thù còn đó… Ôi hồn anh là tâm hồn thời đại/ Còn khó khăn nào hơn thế nữa không anh”. ("Điểm tựa" - Lê Đức Thọ, 1981).
Có thể nói, trong dòng chảy của thơ ca cách mạng, thơ về người chiến sĩ CAND vũ trang có những dấu ấn với âm hưởng đặc biệt bởi biên giới là nơi hai từ Tổ quốc luôn được nhắc đến một cách thiêng liêng và trìu mến. Các thế hệ chiến sĩ biên phòng luôn xác định: “Chúng tôi nối biên cương bằng lũy thép biên phòng/ Nối quê hương bằng niềm tin vào Đảng/ Với Tổ quốc chúng tôi là cột mốc/ Với chúng tôi Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời”. ("Tổ quốc, biên giới và người chiến sĩ Biên phòng" - Vũ Hiệp Bình). Và tâm thế ấy, vẻ đẹp ấy qua lấp lánh những vần thơ đã tỏa sáng và có sức lay động lớn.