Về đề xuất hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính
Trong báo cáo 'Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xử lý hình sự đối với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng', nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp đề xuất hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính để phòng ngừa tội phạm tham nhũng có hiệu quả và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đề xuất này liệu có cần thiết và khả thi?
Trong một xã hội có tư hữu thì làm giàu là nhu cầu chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân. Có nhiều nguyên nhân khiến một người trở nên giàu có, như là từ thừa kế, quà tặng, trúng thưởng, lao động sản xuất, kinh doanh... Luật dân sự mỗi quốc gia sẽ có những quy định cụ thể về tài sản và căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản.
Những tài sản được pháp luật thừa nhận, được xác lập quyền sở hữu một cách hợp pháp thì người nào xác lập được nhiều quyền sở hữu tài sản sẽ trở nên giàu có một cách chính đáng. Ngược lại, người nào nắm giữ nhiều tài sản nhưng không được nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp, thậm chí là tài sản có được thông qua hành vi vi phạm pháp luật gọi là làm giàu bất chính.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH KSD Vina, Khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: ĐỨC TUẤN
Việc xác lập quyền sở hữu và quản lý, sử dụng tài sản là vấn đề thuộc lĩnh vực dân sự. Chỉ khi pháp luật ghi nhận quyền sở hữu tài sản thì mới bảo vệ quyền sở hữu tài sản đó của chủ sở hữu và ngược lại. Nếu tài sản có được từ kinh doanh bất hợp pháp thì có thể bị nhà nước thu hồi; nếu tài sản có được từ giao dịch dân sự, kinh tế bất hợp pháp thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền tuyên bố là giao dịch dân sự vô hiệu, tài sản sẽ trả lại cho chủ sở hữu thực sự...
Nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản (như tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ, cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...) thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong các trường hợp này, nhà nước sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự để công nhận hoặc không công nhận quyền sở hữu và giải quyết hậu quả từ nguồn gốc những tài sản đó.
Còn trong trường hợp hành vi có được tài sản bất hợp pháp mà thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh đã được Bộ luật Hình sự quy định, là bản chất của việc làm tăng giá trị tài sản thì sẽ bị xử lý về pháp luật hình sự. Đồng thời, các cơ quan tố tụng sẽ phải thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho thấy, nhiều trường hợp cơ quan chức năng nghi ngờ tài sản do tham nhũng mà có nhưng không chứng minh được hành vi làm giàu bất chính vì tài sản đứng tên người khác hoặc không chứng minh được hành vi phạm tội được thực hiện như thế nào trước đó để có được tài sản đó... Bởi vậy, việc xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất chính rất khó khăn.
Ngoài khái niệm làm giàu bất chính thì còn có khái niệm về tài sản bất minh, nghĩa là tài sản không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp. Tài sản bất minh có thể là biểu hiện của hành vi làm giàu bất chính nhưng không nên đánh đồng với làm giàu bất chính, bởi tài sản bất minh chỉ là những tài sản chưa đủ căn cứ để xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật tại thời điểm xem xét. Nghĩa vụ chứng minh tài sản đó là bất hợp pháp, là do phạm tội mà có thuộc về nhà nước, nếu không chứng minh được thì mặc nhiên người đang nắm giữ tài sản đó sẽ không có tội theo nguyên tắc suy đoán vô tội.
Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính có thể hỗ trợ cho Luật Phòng, chống rửa tiền, thể hiện một bước quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, có tính răn đe đối với những người có ý định tham nhũng, làm cho tài sản tham nhũng không có chỗ cất giấu... Tuy nhiên, để hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính thì cần phải làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm này, phải đặt khái niệm này trong hệ thống các khái niệm của luật dân sự, kinh tế, hành chính và đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi, tuân thủ các nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự về xác lập quyền sở hữu tài sản cũng như nghĩa vụ chứng minh khi áp dụng pháp luật, tránh việc quy kết, đẩy nghĩa vụ chứng minh cho công dân.
Khi bổ sung tội danh này trong Bộ luật Hình sự cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và xây dựng các điều kiện để tổ chức thực hiện quy định này. Ngoài ra, để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong xử lý hành vi làm giàu bất chính thì cần phải tăng cường quản lý nhà nước về tài sản, phải định danh được tài sản và quản lý được nguồn gốc cũng như sự luân chuyển của tài sản trong các quan hệ dân sự, kinh tế. Chỉ khi nào làm được những việc đó thì hành vi làm giàu bất chính mới được kiểm soát và có thể không cần phải hình sự hóa hành vi này.
Để đạt được mục tiêu công bằng, bình đẳng trong xã hội cũng như quản lý chặt chẽ tài sản công, tài sản của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ thì tăng cường các biện pháp quản lý, công khai, minh bạch là vấn đề cốt lõi. Việc hình sự hóa các hành vi trong lĩnh vực dân sự, kinh tế cần hết sức thận trọng, tránh trường hợp quy định không rõ ràng, không có cơ sở để tổ chức thực hiện dẫn đến oan sai, bất công, bất bình đẳng trong xã hội.
Làm giàu là mong muốn chính đáng của bất kỳ công dân nào, nhà nước cũng tạo mọi điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Tuy nhiên, làm giàu phải chính đáng, hợp pháp trên cơ sở các quy định của pháp luật về xác lập quyền sở hữu tài sản. Nếu làm giàu bất chính, có được tài sản từ các hành vi vi phạm pháp luật thì người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm pháp lý và không được công nhận quyền sở hữu tài sản. Để quản lý xã hội chặt chẽ, bảo đảm công bằng, dân chủ, văn minh thì cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó có các quy định về tài sản và quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là các quy định về xác lập quyền sở hữu tài sản và các cơ chế để giải quyết đối với các tài sản bất minh, trong đó không loại trừ có thể áp dụng chế tài hình sự trong một số trường hợp.