Về Chợ Mới - 'cái nôi cách mạng'
Chợ Mới là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh. Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện luôn lao động cần cù, tự lực, tự cường, đi đầu trong sáng tạo, đổi mới mô hình sản xuất… xứng đáng với 2 lần phong tặng danh hiệu anh hùng.

Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Thị Minh Kiều trao Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Cái nôi cách mạng của tỉnh
Ngay sau khi Đảng ra đời (ngày 3/2/1930), nhiều cán bộ của Đảng được cử về nước xây dựng tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Chợ Mới. Tháng 4/1930 Chi bộ Long Điền được thành lập, đánh dấu chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Chợ Mới, cũng là chi bộ đầu tiên của cả vùng Long Xuyên - Châu Đốc lúc bấy giờ. Suốt 45 năm (1930 - 1975), có những lúc địa phương trải qua thời kỳ khó khăn đen tối: Phong trào cách mạng bị địch khủng bố nặng nề, cơ sở cách mạng tiêu hao, lực lượng cán bộ, đảng viên mất mát; có những vùng hoàn toàn trở thành trắng. Có những lần Đảng phải rút vào hoạt động bí mật. Nhiều đồng chí cộng sản hy sinh kiên cường, bất khuất để gầy dựng lực lượng cách mạng, củng cố tổ chức Đảng.
Dù vậy, Nhân dân Chợ Mới vẫn hăng hái đóng góp cho cách mạng, giữ vững thành quả cho địa phương. Trong thế bị kiềm kẹp chặt, cả hệ thống chi khu, đồn, bót, cảnh sát… và bọn phản động đội lốt tôn giáo, sống bên địch; trong vòng vây kẻ thù, nhưng phong trào cách mạng chưa bao giờ bị dập tắt. Quần chúng Nhân dân luôn tin tưởng Đảng, thương Đảng, thương cách mạng như thương cuộc đời nghèo khổ của mình. Họ luôn luôn đùm bọc, tin yêu, làm theo lời Đảng gọi đến ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng (riêng huyện Chợ Mới đến ngày 6/5/1975 hoàn toàn giải phóng).
Anh hùng trong thời bình
Sau khi đất nước thống nhất, kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất lúa 1 vụ, lực lượng lao động dư thừa, nhiều người dân chưa có việc làm ổn định. Hệ thống cầu, đường xuống cấp, kênh rạch bị bồi lắng, việc đi lại và sinh hoạt của Nhân dân gặp khó khăn. Cả huyện chỉ có 2 trường THPT, một số xã không có trạm y tế. Năm 1978 và nhiều năm tiếp theo, lũ lụt đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, làm tiêu hao sức người, sức của Nhân dân. Cái ăn, cái ở, việc học hành đi lại và vui chơi giải trí của Nhân dân thiếu thốn, khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn đó, trong 49 năm qua (1975 - 2024), Đảng bộ và Nhân dân huyện chủ động xây dựng cơ bản hoàn thành hệ thống thủy lợi, quy hoạch đê bao chống lũ theo từng tiểu vùng, nâng diện tích đất sản xuất lên 3 vòng/năm; từ sản xuất lúa 1 vụ lên sản xuất lúa 3 vụ, đáp ứng nhu cầu lương thực cho tỉnh, huyện. Đặc biệt, mô hình đê bao khép kín, kết hợp hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới với việc thực hiện nhựa hóa lộ giao thông nông thôn và phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa là nét đặc trưng nổi bật thời bấy giờ. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là thế mạnh thứ 2 của huyện. Các cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống được mở rộng.
Phát triển trong thời kỳ đổi mới
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng cho biết, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chí nông thôn mới đạt 77,63 triệu đồng/năm. Sản xuất lúa đạt 6,43 tấn/ha. Giá trị sản xuất bình quân cây lúa đạt 123,49 triệu đồng/ha, cây màu đạt 464,21 triệu đồng/ha, cây ăn trái đạt 193,44 triệu đồng/ha. Huyện là điển hình đi đầu của tỉnh trong vùng chuyên canh màu, cây ăn trái, xuất khẩu xoài. Có 13 làng nghề truyền thống, 5 cụm công nghiệp được quy hoạch và đang mời gọi đầu tư. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phát triển. 15/15 xã nông thôn mới, 5 xã nông thôn mới nâng cao; 3 đô thị (thị trấn Chợ Mới đạt loại IV, thị trấn Mỹ Luông và thị trấn Hội An đạt loại V). Huyện nông thôn mới đạt 8/9 tiêu chí, 33/36 chỉ tiêu.
Với thành tích đạt được trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, huyện Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng 2 danh hiệu: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2011) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 2015). Ngoài ra, huyện còn có 4 xã, 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 84 mẹ Việt Nam anh hùng; gần 3.800 gia đình chính sách; 2 di tích lịch sử cấp quốc gia (Cột Dây thép và Chùa Bà Lê)… Đảng bộ huyện Chợ Mới hiện có 61 tổ chức cơ sở Đảng, với 307 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 57 chi bộ trực thuộc Đảng bộ bộ phận, 7.371 đảng viên.
Tự hào những thành tựu đạt được, Đảng bộ và Nhân dân huyện Chợ Mới sẽ phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết sáng tạo, xây dựng quê hương giàu đẹp với 3 mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới: Xây dựng huyện đạt nông thôn mới; xây dựng hạ tầng giao thông huyết mạch; xây dựng nâng cấp đô thị.
Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Thị Minh Kiều tin tưởng: “Lịch sử đã trao cho quê hương Chợ Mới vai trò “cái nôi cách mạng”. Phát huy truyền thống quý báu, vẻ vang của Đảng, địa phương sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn thách thức, kế thừa và phát huy giá trị to lớn của quê hương, không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng Chợ Mới ngày càng giàu đẹp, văn minh, tạo tiền đề bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc”.