Về 'Chi bộ 4 Cao' ở Nga
Trong mấy chục năm làm phóng viên của mình, tôi đã viết không biết bao nhiêu bài về gương đảng viên và công tác Đảng. Nhưng quả thật, tôi chưa thấy có một cơ quan nào, nhân sự có 32 người lại có tới 26 đảng viên!
Năm 2023, khi đến Nhà máy Thủy điện Hủa Na, tôi cũng đã hết sức ngạc nhiên khi biết tỷ lệ đảng viên ở đây chiếm hơn 60% số CBCNV của toàn Nhà máy. Tôi có về hỏi nhiều đồng chí lãnh đạo ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và cả ở Khối Doanh nghiệp Trung ương, ai cũng bảo quả thực đây là một tỷ lệ rất cao và chắc chắn rằng cao nhất trong Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Nhưng hóa ra tôi lại nhầm!
Chi bộ có 26 đảng viên như tôi vừa nhắc ở trên là Chi bộ các đơn vị Dầu khí tại Liên bang Nga. Về số liệu cụ thể, Công ty TNHH Liên doanh Rusvietpetro có 23 đảng viên trên tổng số 27 cán bộ nhân viên là người Việt Nam; Công ty TNHH Gazpromviet có 01 đảng viên trên tổng số 02 cán bộ nhân viên là người Việt Nam; Văn phòng đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga có 02 đảng viên trên tổng số 03 cán bộ nhân viên người Việt Nam.
Tỷ lệ đảng viên cao như vậy thì quả thật không biết trong Khối Doanh nghiệp Trung ương có đơn vị nào cao hơn không. Tuy nhiên, số lượng đảng viên nhiều cũng chưa chắc đã phản ánh được “sức mạnh” của doanh nghiệp đó. Bởi lẽ, như V.I Lênin đã từng nói: “Thà ít mà tốt”. Số lượng đảng viên nhiều chưa chắc đã phản ánh được thực chất hoạt động của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp. Và nếu đảng viên nhiều mà có tỷ lệ vi phạm kỷ luật cao thì đó thực sự lại là cái “họa” chứ không phải là điều tốt đẹp gì!
Tuy nhiên, ở Chi bộ các đơn vị Dầu khí tại Liên bang Nga thì lại khác. Trong khoảng 5 năm nay, không có đảng viên nào bị vi phạm kỷ luật từ mức độ khiển trách trở lên.
Năm 2022, đơn vị triển khai Nghị quyết Trung ương về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo Chuyên đề của năm 2022: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; đồng thời, quán triệt và học tập theo Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn về chương trình Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình “Tự soi, tự sửa”. Từ đó, đã có “câu chuyện vui” rằng khi kiểm điểm, không ai “tự soi” thấy mình có lỗi gì để mà “tự sửa”!
Cũng phải nói thêm về dự án này để độc giả có thêm thông tin về một dự án đầu tư ra nước ngoài hiệu quả nhất của Petrovietnam. Công ty TNHH Liên doanh Rusvietpetro được thành lập vào ngày 7/7/2008, theo Thỏa thuận giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Trong đó, Zarubezhneft tham gia 51%, Petrovietnam tham gia 49% và đã nhận được giấy phép thăm dò, khai thác 4 lô dầu khí tại Nhenhetxky (Liên bang Nga) với trữ lượng thu hồi khoảng 104 triệu tấn.
Dự án nằm tại khu tự trị Nhenhetxky - Cực Bắc của Liên bang Nga với khí hậu đặc biệt khắc nghiệt. Tại đây, mùa đông sẽ kéo dài khoảng 240 ngày/năm với nhiệt độ trung bình khoảng -25°C, đôi khi xuống -50°C và thường xuyên có bão tuyết. Mùa hè có nhiệt độ khoảng xấp xỉ 10°C, tuy nhiên khi đó dự án lại bị tách biệt với các vùng lân cận bởi địa hình phủ kín là các đầm lầy, không có đường bộ đi tới. Công tác vận chuyển thiết bị tới khu vực mỏ chỉ thực hiện được trong 3 tháng bằng đường băng mùa đông, thời gian còn lại chỉ có thể vận chuyển bằng máy bay trực thăng. Trong 13 mỏ của Rusvietpetro, ngoài 2 mỏ chính là Bắc Khosedaiu và Tây Khoseđaiu có trữ lượng tương đối lớn, còn lại đều là các mỏ nhỏ, phân bố rải rác nằm cách xa nhau.
Lực lượng lao động quốc tế Việt - Nga giai đoạn đầu chủ yếu được trưởng thành từ Liên doanh Vietsovpetro với môi trường điều hành các dự án dầu khí ngoài khơi vùng nhiệt đới, nay phải làm quen ngay với môi trường điều hành dự án tại vùng đầm lầy và băng giá, đặc biệt đối với người lao động Việt Nam thì việc làm quen với môi trường thời tiết khắc nghiệt trong điều kiện xa gia đình và xa Tổ quốc là một thách thức lớn.
Được thành lập từ cuối năm 2008 và đến năm 2010 (chỉ sau hơn 1 năm) đã cho dòng dầu thương mại đầu tiên - đây là một kỷ lục chưa công ty dầu khí nào tại Liên bang Nga thực hiện được. Chỉ sau hơn 3 năm, Rusvietpetro đã khai thác ở mức sản lượng đỉnh trên 3 triệu tấn/năm, luôn ổn định kéo dài đến nay và dự kiến sẽ giữ được mức sản lượng đỉnh này đến năm 2028. Đây thực sự cũng là một kỷ lục nữa của một công ty khai thác dầu khí.
Tới nay, Rusvietpetro đã khai thác được gần 40 triệu tấn dầu thô và mang lại cho hai phía tham gia khoản lợi nhuận trên 3 tỷ USD; trong đó, phía Petrovietnam đã chuyển lợi nhuận về nước xấp xỉ 1,4 tỷ USD.
Một điều thành công nữa của Petrovietnam là thông qua dự án đã đào tạo được đội ngũ CBCNV có trình độ chuyên môn dầu khí và quản lý dự án ngang tầm quốc tế. Chỉ với 32 CBCNV Việt Nam trên tổng số gần 1.000 CBCNV của Rusvietpetro, nhưng đội ngũ lao động người Việt Nam luôn thể hiện được trình độ và tính chuyên nghiệp của mình bằng việc trực tiếp chủ trì và tham gia vào hầu hết các công tác quan trọng nhất của Rusvietpetro, đồng thời luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển với các cộng sự phía Nga.
Trong những năm qua, lãnh đạo các đơn vị dầu khí tại Liên bang Nga, trên cơ sở tình hình thực tế của đơn vị, luôn chủ động xây dựng, đề xuất và tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn các chiến lược, kế hoạch và phương án hợp tác lâu dài với đối tác Nga trong lĩnh vực năng lượng - dầu khí trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, hài hòa lợi ích giữa các dự án hợp tác trong và ngoài nước. Cụ thể phải kể tới thành công gần đây trong vấn đề gia hạn ưu đãi thuế cho Lô 3&4 của Rusvietpetro tới năm 2023 gắn liền với thỏa thuận gia hạn hoạt động của Vietsovpetro thêm 03 năm với sự tham gia chủ động, tích cực của lãnh đạo và CBCNV Việt Nam tại Liên doanh. Trong thời gian tới, trên cơ sở sự ghi nhận tại Biên bản họp của Tiểu ban Năng lượng thuộc Ủy ban liên Chính phủ, các phương án kéo dài sự hợp tác đến năm 2050 tiếp tục được xem xét/đàm phán, đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động từ các lãnh đạo của các đơn vị dầu khí tại Liên bang Nga.
Mặc dù hoạt động ở nước ngoài nhưng công tác phát triển và xây dựng Đảng của Chi bộ được hết sức coi trọng. Từ đầu nhiệm kỳ 2022-2025 đến nay, Chi bộ đã công nhận đảng viên chính thức cho 05 quần chúng ưu tú, đồng thời cử 06 quần chúng tham dự các khóa học bồi dưỡng nhận thức về Đảng do Đảng ủy Tập đoàn và Đảng ủy Đại sứ quán tổ chức.
Với một đơn vị có 32 người mà trong hơn một nửa nhiệm kỳ đã kết nạp được 05 đảng viên thì quả thực đó là con số mà không mấy Chi bộ có được. Điều đó chứng tỏ lãnh đạo Chi bộ đã cực kỳ quan tâm tới công tác phát triển Đảng và quan trọng hơn nữa là quần chúng của đơn vị cũng ý thức được rất rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của người đảng viên khi hoạt động xa Tổ quốc.
Cái “Cao” thứ 3 chính là chất lượng đảng viên ở đây rất cao, không những chỉ cao về học hàm học vị, cao về trình độ chuyên môn mà còn có phẩm chất chính trị rất tốt. Chính vì thế, cả nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ này, không có đảng viên nào bị kỷ luật. Chi bộ các đơn vị dầu khí tại Liên bang Nga xứng đáng là Chi bộ trong sạch tuyệt đối!
Cái “Cao” thứ 4 chính là năng suất lao động ở đây cực kỳ cao, có lẽ là cao nhất Việt Nam. Bởi chỉ có 32 người mà dự kiến năm 2024 sẽ đạt lợi nhuận sau thuế cho riêng Tập đoàn là 280 triệu USD; như vậy, tính bình quân mỗi lao động nộp lợi nhuận cho Tập đoàn gần 9 triệu USD.
Tại cuộc họp mới đây về tổng kết công tác của Chi bộ, đồng chí Trần Quang Dũng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã khẳng định: “Đây là Chi bộ 4 Cao: có tỷ lệ đảng viên cao nhất; có chất lượng đảng viên cao nhất; có công tác phát triển Đảng cao nhất và có năng suất lao động cao nhất”.
4 chữ “Cao” này thực sự có ý nghĩa, bởi đây là Chi bộ hoạt động ở nước ngoài và ở nơi đang là điểm nóng của thế giới. Đạt được điều đó quả thực không dễ dàng gì nếu như mỗi đảng viên ở đây không có trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng!