Về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ

Chế độ phụ cấp, trợ cấp ngày công lao động đối với phó chỉ huy trưởng (PCHT) ban CHQS xã, phường, thị trấn (cấp xã) và lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) khi thực hiện nhiệm vụ hiện nay không còn phù hợp với thực tế. Đây cũng là vấn đề được nhiều cử tri và đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị với Bộ Quốc phòng. Báo Quân đội nhân dân tìm hiểu thực tế vấn đề này và thông tin tới bạn đọc.

Đầu giờ chiều 7-9-2024, chị Đỗ Thị Nga, ở thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng vẫn không kịp về nhà tránh bão số 3 (Yagi) dù đã được cơ quan chức năng thông báo. Bão to, mưa lớn khiến chị và nhiều người không thể qua cầu Đa Độ để về nhà.

Nhận được thông báo, đồng chí Vũ Lệnh Khiêm, PCHT Ban CHQS thị trấn Núi Đối cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị nhanh chóng có mặt dùng ô tô tải chắn gió đưa nhiều người dân, trong đó có chị Đỗ Thị Nga qua cầu về nhà an toàn.

Đây chỉ là một trong rất nhiều nhiệm vụ của lực lượng DQTV được quy định trong Luật DQTV năm 2019.

Lực lượng dân quân xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3 vào tháng 9-2024. Ảnh: BÙI THÀNH

Lực lượng dân quân xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3 vào tháng 9-2024. Ảnh: BÙI THÀNH

Đồng chí Vũ Lệnh Khiêm sinh năm 1989, nguyên chiến sĩ Đại đội Trinh sát, Lữ đoàn 242 (Quân khu 3). Xuất ngũ năm 2011, anh học nghề sửa chữa ô tô rồi đi làm. Năm 2014, anh được cử đi học ngành quân sự cơ sở tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 đến năm 2017. Trở về, anh tiếp tục làm nghề sửa chữa ô tô với mức lương khoảng 13 triệu đồng/tháng. Năm 2023, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Núi Đối nghỉ hưu mà địa phương chưa tìm được người thay thế nên vận động đồng chí Khiêm tham gia.

Lúc này, tổng phụ cấp một tháng của PCHT khoảng 3 triệu đồng/tháng, bằng 1/4 so với thu nhập hiện tại, nhưng vì đam mê nên anh vẫn quyết tâm và động viên vợ ủng hộ. “Trước đây, vợ tôi bán hàng lặt vặt ở nhà. Khi tôi tham gia công tác thì đi làm công nhân để gánh vác kinh tế gia đình. Vợ biết tôi muốn công tác trong môi trường quân sự từ bé nên luôn ủng hộ, động viên”, đồng chí Vũ Lệnh Khiêm chia sẻ.

Theo các quy định, PCHT ban CHQS cấp xã là cán bộ không chuyên trách, làm việc khoảng 20 giờ/tuần. Nhưng thực tế, hầu hết những người như đồng chí Vũ Lệnh Khiêm đều làm việc gần như cả ngày vì khối lượng công việc lớn, đan xen, liên tục.

Có thể khái quát như sau: Từ tháng 10 năm trước đến giữa tháng 2 năm sau làm công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ, làm công tác dân vận, đón tiếp quân nhân xuất ngũ trở về địa phương; tháng 3 tổ chức ra quân huấn luyện; tháng 4 và tháng 5 huấn luyện dân quân cơ động, dân quân tại chỗ, tiến hành đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, ngạch dự bị, phương tiện kỹ thuật tại chỗ...; tháng 6, 7, 8 huy động lực lượng dự bị động viên và dân quân binh chủng tham gia huấn luyện, làm công tác dân vận; tháng 10 phúc tra kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.

Cũng theo đồng chí Khiêm, mức trợ cấp ngày công lao động đối với DQTV khi làm nhiệm vụ hiện nay cũng còn thấp so với mặt bằng chung thu nhập ở địa phương. Theo quy định của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP và TP Hải Phòng, trợ cấp ngày công lao động đối với lực lượng DQTV hiện là 163.900 đồng/người/ngày.

Trong khi đó, ngày công trung bình của người lao động trên địa bàn khoảng 300.000-500.000 đồng/người/ngày. “Nhiều DQTV tham gia thực hiện nhiệm vụ là vì đam mê, trách nhiệm. Phần lớn họ làm nghề tự do, buôn bán nhỏ chứ đi làm công nhân thì khó triệu tập”, đồng chí Vũ Lệnh Khiêm cho biết thêm.

Theo Thiếu tá Bùi Đức Thành, Trợ lý Tham mưu, Ban Tham mưu Ban CHQS huyện Kiến Thụy, hầu hết PCHT ban CHQS cấp xã phải làm việc thời gian như công chức, thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, ban đêm, tổ chức tuần tra canh phòng...

Hiện nay, theo mức lương cơ sở mới, tổng phụ cấp sau khi trừ bảo hiểm của PCHT ban CHQS cấp xã còn khoảng 4,9 triệu đồng/tháng. Phụ cấp không bảo đảm cuộc sống nên đã có người xin thôi công tác, khó tìm người đảm trách, gây lãng phí ngân sách đào tạo.

Mặc dù còn một số bất cập về chế độ, chính sách nhưng lực lượng DQTV huyện Kiến Thụy luôn bảo đảm quân số, thực hiện có chất lượng các nhiệm vụ; thực sự là cánh tay đắc lực, lực lượng nòng cốt, xung kích tại chỗ, nhất là trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn.

Trước kiến nghị của cử tri nhiều địa phương về những vấn đề nêu trên, ngày 21-12-2024, Bộ Quốc phòng trả lời như sau: Về nội dung này, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ, trong đó có điều chỉnh tăng mức hưởng một số chế độ, chính sách đối với DQTV theo mức lương cơ sở hiện hành.

Ngày 8-2-2024, Bộ Quốc phòng đã có Báo cáo số 523/BC-BQP giải trình tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP.

Phạm vi điều chỉnh theo hướng nâng mức hưởng một số chế độ, chính sách của DQTV, mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy DQTV; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần DQTV; cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho DQTV không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định “từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng”; ngày 27-11-2024 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tại điểm đ khoản 3 Điều 12 quy định: “Dân quân thường trực được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm”.

Do vậy, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo Ban soạn thảo điều chỉnh dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng tăng mức hưởng một số chế độ, chính sách đối với DQTV theo mức lương cơ sở mới 2,34 triệu đồng/tháng và đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế (dân quân thường trực) để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

TUẤN TRANG HÀ

----------

Tâm tình - Kiến nghị

Rất cần điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế

Ban CHQS cấp xã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Dân quân tự vệ. Tuy nhiên, ngoài đồng chí chỉ huy trưởng (CHT) thì chỉ có 1 hoặc 2 đồng chí là phó chỉ huy trưởng (PCHT) theo quy định tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP.

Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên thì việc duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu thường xuyên là 50% và các dịp cao điểm là 70% thì CHT và PCHT thay nhau trực liên tục, ít có điều kiện chăm lo gia đình. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách dành cho PCHT ban CHQS cấp xã cũng chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao và không đáp ứng được đời sống gia đình.

Nếu tính tổng phụ cấp hằng tháng với thâm niên từ năm thứ 5 trở đi, mỗi tháng, PCHT ban CHQS cấp xã được khoảng 6,5 triệu đồng. Trong khi đó, ngày công triệu tập thực hiện nhiệm vụ đối với dân quân tự vệ là 135.000 đồng/người/ngày, thấp hơn so với ngày công lao động phổ thông trên địa bàn là 300.000 đồng.

Dân quân huyện Ea Kar trên thao trường huấn luyện. Ảnh: AN KHANG

Dân quân huyện Ea Kar trên thao trường huấn luyện. Ảnh: AN KHANG

Bên cạnh đó, đòi hỏi về trình độ đào tạo chuyên môn ngày càng cao, hiện nay là 75% đại học, cao đẳng nhưng vấn đề yêu cầu về tuổi tác, sức khỏe, quy hoạch... chưa phù hợp nên khó đáp ứng.

Đặc biệt, theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, PCHT ban CHQS cấp xã là người hoạt động bán chuyên trách nên không ổn định và khó quy hoạch phát triển, gây thiệt thòi đối với anh em, nhất là những đồng chí có trình độ, năng lực, khát khao cống hiến.

Vì vậy, tôi rất mong các cấp xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trung tá PHẠM ĐĂNG VIỆT

(Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ea Kar, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk)

----------

Mức phụ cấp, trợ cấp hiện tại thấp hơn với mặt bằng thu nhập chung

Theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 4 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP thì đơn vị hành chính cấp xã loại 1, xã biên giới, ven biển, đảo được bố trí không quá 2 phó chỉ huy trưởng (PCHT); đơn vị hành chính cấp xã không thuộc trường hợp quy định trên bố trí 1 PCHT.

Ban CHQS cấp xã là nơi trực tiếp thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương ở cơ sở không phân biệt xã loại 1 hay loại 2 mà khối lượng, tính chất công việc thực hiện nhiệm vụ như nhau.

Kiểm tra bắn đạn thật đối với lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THANH LÂM

Kiểm tra bắn đạn thật đối với lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THANH LÂM

Chế độ phụ cấp đối với PCHT ban CHQS cấp xã tại tỉnh Tiền Giang được thực hiện theo Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 8-12-2023 của HĐND tỉnh Tiền Giang.

Theo nghị quyết này, tổng phụ cấp hằng tháng của đồng chí PCHT có bằng đại học và 10 năm công tác là 9.575.610 đồng. Tương tự, tổng phụ cấp hằng tháng đối với đồng chí PCHT có bằng cao đẳng là 8.648.970 đồng; 7.722.330 đồng đối với đồng chí PCHT có bằng trung cấp.

Như vậy, sau khi trừ đóng bảo hiểm xã hội thì mức thu nhập còn lại của PCHT ban CHQS cấp xã rất hạn chế để trang trải, bảo đảm cuộc sống gia đình, nhất là trong bối cảnh giá cả thị trường thường xuyên biến động, tăng cao.

Thực hiện Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh Tiền Giang, quy định mức trợ cấp ngày công lao động cho dân quân tự vệ (DQTV) và mức phụ cấp hằng tháng cho ấp đội trưởng, khu đội trưởng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì mức trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân là 128.000 đồng/người/ngày. Mức trợ cấp này là đúng quy định tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, so với mức thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh thì mức trợ cấp này còn rất thấp, đặc biệt khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Theo thông tin tôi được biết, Cục DQTV, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam mới ban hành Công văn số 1293/DQ-KHTH về việc tổng hợp một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP, trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp ngày công lao động cho DQTV tăng lên 327.600 đồng/người/ngày. Theo tôi, mức này là phù hợp với mặt bằng thu nhập ngày công lao động phổ thông ở các địa phương.

Đây là tín hiệu đáng mừng và là nguồn động viên cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ DQTV an tâm tư tưởng, cố gắng nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trước thực tế yêu cầu nhiệm vụ, tôi rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm đến việc bảo đảm chế độ, chính sách cho các đồng chí trong ban CHQS cấp xã, nhất là các đồng chí PCHT-người hoạt động bán chuyên trách ở cấp xã và chế độ, chính sách đối với DQTV.

Đồng thời, đề xuất các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng tham mưu Chính phủ có hướng sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP, quy định: “Cấp xã loại 2 và xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng được bố trí 2 PCHT” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.

Trung tá HUỲNH PHƯỚC THIỆN

(Trưởng ban Dân quân tự vệ, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang)

------

Nâng cao chế độ cho lực lượng quân sự xã

Phó chỉ huy trưởng (PCHT) ban CHQS xã là người hoạt động không chuyên trách, với thời gian làm việc 20 giờ/tuần.

Quy định là thế, song thực tế khối lượng công việc nhiều nên PCHT ban CHQS làm việc như cán bộ chuyên trách, thậm chí nhiều lúc cả ngoài giờ hành chính; tham mưu cho ban CHQS xã và tổ chức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, công tác tuyển quân, phòng, chống thiên tai... góp phần để ban CHQS xã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ, địa phương luôn thực hiện chi trả đúng các chế độ, chính sách, ngày công huấn luyện cho đội ngũ cán bộ làm công tác quân sự, quốc phòng và lực lượng dân quân.

Trong đó, bảo đảm chế độ chi trả các khoản phụ cấp hằng tháng, trách nhiệm, thâm niên, đặc thù quốc phòng, quân sự cho PCHT ban CHQS xã đầy đủ theo quy định. Hiện nay, tổng các khoản phụ cấp PCHT ban CHQS xã hưởng hằng tháng trung bình là 6.000.000 đồng/tháng. So với mặt bằng chung của địa phương cũng như đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã thì mức thu nhập này cơ bản bảo đảm.

Về mức trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân tổng mức trợ cấp khi được điều động huấn luyện là 200.000 đồng/người/ngày. Mức chi trả như trên còn thấp so với mặt bằng chung của lao động phổ thông hiện nay nên việc điều động cũng gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, để điều động được lực lượng dân quân tham gia thực hiện các nhiệm vụ địa phương bảo đảm đủ quân số, ngoài thực hiện lệnh điều động, chúng tôi còn làm tốt công tác tuyên truyền, động viên.

Trước thực tế này, để bảo đảm xây dựng lực lượng dân quân tại địa phương ngày càng vững mạnh, là lực lượng tin cậy bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân tại cơ sở, trong thời gian tới, rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đến chế độ chung cho cán bộ làm công tác quân sự, quốc phòng ở cấp xã, trong đó có trợ cấp ngày công cho lực lượng dân quân tương đương với ngày công của lao động phổ thông.

Đồng chí TRẦN ANH KHOA

(Bí thư Đảng ủy xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/ve-che-do-chinh-sach-doi-voi-luc-luong-dan-quan-tu-ve-811186
Zalo