Vệ binh Thụy Sĩ Vatican - những người trực tiếp bảo vệ Giáo hoàng

Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ của Vatican ngày 6-5 vừa làm lễ tuyên thệ cho các tân binh. Dịp này, giới báo chí đã có cơ hội hiếm hoi được tiếp cận doanh trại của lực lượng vệ binh này ở phía Đông thành phố Vatican để biết thêm về lai lịch và cuộc sống hàng ngày của họ.

Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ hiện chỉ có 135 người, vừa thực hiện nghi lễ, vừa trực tiếp bảo vệ Giáo hoàng

Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ hiện chỉ có 135 người, vừa thực hiện nghi lễ, vừa trực tiếp bảo vệ Giáo hoàng

Với những chiếc mũ bảo hiểm gắn lông vũ, đồng phục tay phồng đầy màu sắc, Vệ binh Thụy Sĩ của Vatican thường được liên tưởng tới những nhân vật sống trong triều đình thời Trung cổ. Kể từ đầu thế kỷ XVI, khi lính đánh thuê Thụy Sĩ, nổi tiếng vì lòng dũng cảm và trung thành, hành quân đến Rome để phục vụ Giáo hoàng Julius II, đội quân nhỏ nhất thế giới đã gia nhập Vatican để bảo vệ Giáo hoàng.

Trong số 34 tân binh cam kết “hy sinh mạng sống” để bảo vệ Giáo hoàng tại buổi lễ hôm 6-5 có Renato Peter, 22 tuổi, người được tuyển dụng từ một ngôi làng gần Sant Gallo, Thụy Sĩ, nơi đã cung cấp nam thanh niên cho quân đoàn ưu tú trong nhiều thế kỷ. Anh đã mơ ước trở thành Vệ binh Thụy Sĩ kể từ lần đầu tiên nhìn thấy họ trong buổi tiếp kiến Giáo hoàng tại Quảng trường St Peter’s vào năm 12 tuổi. “Hôm đó, vào buổi chiều, chúng tôi được đi xem doanh trại. Tôi tự nhủ: “Ồ, thật là một công việc tuyệt vời!”. Tôi nói với mẹ rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành Vệ binh Thụy Sĩ… Giấc mơ này đến giờ đã thành hiện thực”, Peter kể.

Những vệ binh đằng sau bộ đồng phục theo phong cách Phục hưng này thực sự đã trải qua một quá trình tuyển mộ cạnh tranh và đào tạo nghiêm ngặt để được đứng trong hàng ngũ chính thức. Theo đó, những người được tuyển dụng phải là nam giới, người Thụy Sĩ, độ tuổi từ 19 đến 30, cao trên 1,74m, chưa lập gia đình và sùng đạo Công giáo với “nhân cách không tì vết”. Họ phải trải qua nghĩa vụ quân sự Thụy Sĩ và cam kết phục vụ Đức Giáo hoàng trong ít nhất 2 năm. Họ có thể kết hôn sau 5 năm phục vụ.

Cây kích là vũ khí truyền thống của họ, nhưng lực lượng này cũng được huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí nhỏ hiện đại, bao gồm cả súng gây choáng mới được trang bị gần đây. Kể từ năm 1981, khi một đội Vệ binh Thụy Sĩ mặc thường phục lao đến trợ giúp Giáo hoàng John Paul II bị thương sau một vụ ám sát, người ta đã chú trọng hơn đến các kỹ thuật tự vệ và chống khủng bố. Năm 2018, Đức Thánh Cha Francis đã tăng quân số Vệ binh Thụy Sĩ từ 110 lên 135 người sau một loạt vụ tấn công khủng bố ở Pháp cũng như các nơi khác ở châu Âu và để tăng cường an ninh khi có 35 triệu người đến thăm Vatican mỗi năm.

Hạ sĩ Eliah Cinotti, người phát ngôn của lực lượng này, cho biết: “Giống như tất cả quân đội khác, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với mọi tình huống”. Ngoài việc huấn luyện quân sự, các tân binh còn phải trải qua các bài kiểm tra tâm lý khắc nghiệt để đảm bảo họ có đủ năng lực tinh thần để thích nghi với cuộc sống của Vệ binh Thụy Sĩ. Người phát ngôn Cinotti nói thêm: “Nhiều người đến bài kiểm tra đó thì thất bại, hoặc được tuyển dụng vài tháng thì họ nhận ra sự nghiệp không dành cho mình”.

Mặc dù vai trò của Vệ binh Thụy Sĩ ngày nay một phần mang tính chất nghi lễ và một phần phục vụ bảo vệ Giáo hoàng, nhưng trong lịch sử, lực lượng này đã tham gia vào các trận chiến khốc liệt. Lễ tuyên thệ được tổ chức hàng năm vào ngày 6-5 để kỷ niệm sự kiện bi thảm nhất của đội quân này vào năm 1527, khi 147/189 vệ binh đã thiệt mạng khi bảo vệ Giáo hoàng Clement VII trong cuộc đấu tranh với đội quân nổi loạn cướp bóc thành Rome. Một đội quân đông hơn rất nhiều cũng sẵn sàng hy sinh vì Giáo hoàng khi quân Đức quốc xã tiến vào Rome trong Thế chiến thứ hai, mặc dù cuối cùng quân Đức đã không tấn công Vatican.

Mặc dù đội Vệ binh Thụy Sĩ vẫn tuyển riêng nam giới nhưng một doanh trại mới đang được lên kế hoạch với khả năng tiếp nhận phụ nữ. Ông Cinotti nói: “Giáo hoàng sẽ quyết định liệu phụ nữ có thể tham gia hay không và chúng tôi sẽ tuân theo chỉ đạo”.

Các binh sĩ ở đây làm việc theo ca 6 tiếng, đôi khi là 12 tiếng vào những ngày bận rộn. Họ được trả lương khoảng 1.200 euro/tháng và vào thời gian nghỉ phép, họ có thể tự do đi lại bên ngoài Vatican. Họ sống cùng nhau trong ký túc xá nên ở bên các đồng đội gần như 24 tiếng mỗi ngày. “Công việc này tuyệt vời ở chỗ Giáo hoàng là một trong những người quan trọng nhất trên thế giới và chỉ có 135 người có cơ hội bảo vệ ông”, Renato Peter tự hào nói.

Theo Guardian

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ve-binh-thuy-si-vatican-nhung-nguoi-truc-tiep-bao-ve-giao-hoang-post575612.antd
Zalo