Về Bình Phước đến thăm 'địa chỉ đỏ'

Nhân hội thảo báo Đảng khu vực miền Đông Nam bộ mở rộng tổ chức tại tỉnh Bình Phước, đoàn nhà báo chúng tôi vinh dự được đến thăm Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Từ trung tâm thành phố Đồng Xoài, đến Căn cứ khoảng 80 km, anh phóng viên Quang Minh – Báo Bình Phước vừa lái xe, vượt các cung đường quanh co, dọc ven đường là những rừng cây cao su trải dài, vừa giới thiệu với chúng tôi về vùng đất này với tâm trạng phấn chấn.

Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là nơi chứng kiến và ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đoàn Báo Bình Thuận và phóng viên Báo Bình Phước chụp ảnh lưu niệm tại nơi ở và làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà.

Đoàn Báo Bình Thuận và phóng viên Báo Bình Phước chụp ảnh lưu niệm tại nơi ở và làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà.

Bộ Chỉ huy Miền “là cơ quan tiền phương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng” có nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu tình hình chiến sự ở miền Nam, tham mưu kịp thời cho Quân ủy Trung ương đề ra những quyết sách mang tầm chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng miền Nam. Đây cũng là nơi sống và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Miền trong thời gian từ năm 1972 - 1975, tiêu biểu như: Đại tướng Lê Đức Anh - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Phạm Hùng - Chính ủy Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Đoàn đến thăm nơi làm việc của các vị lãnh đạo, tướng lĩnh tại Hội trường của Bộ Chỉ huy Miền.

Đoàn đến thăm nơi làm việc của các vị lãnh đạo, tướng lĩnh tại Hội trường của Bộ Chỉ huy Miền.

Theo hướng dẫn, đoàn chúng tôi làm nghi thức thắp hương tại Đài tưởng niệm của Căn cứ, sau đó di chuyển vào bên trong, thắp hương tưởng nhớ các đồng chí lãnh đạo đã từng sống, chiến đấu công tác tại đây. Thông qua lời giới thiệu của chị Xuân – hướng dẫn viên, chúng tôi cảm nhận được sự gian khổ, ác liệt, thiếu thốn song không làm lung lay ý chí quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo tiền bối trong giai đoạn chiến tranh. Ghé thăm các nhà làm việc của Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Đại tướng Hoàng Văn Thái… mới thấy sự đơn sơ, dung dị, mộc mạc nhưng toát lên ý chí kiên cường, không lùi bước trước hoàn cảnh. Anh Nguyễn Quý Trọng – Tổng Biên tập Báo Hải Dương xúc động trước khung cảnh này, lặng lẽ thắp hương kính cẩn trước di ảnh của các đồng chí lãnh đạo, đoàn chúng tôi không ai bảo ai theo đó làm theo. Từ những nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo, hội trường họp của Căn cứ này đã phát đi những quyết định mang tính xoay chuyển cục diện trên chiến trường miền Nam.
Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được xây dựng từ năm 1973 tại khu rừng thuộc sóc Tà Thiết. Tại đây, dưới những tán cây lớn và rừng le đan chằng chịt là nơi các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã từng sống, chiến đấu và trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam gồm các đồng chí: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh…
Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây đã diễn ra các sự kiện quan trọng: Nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, là nơi triển khai các phương án tác chiến, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt, năm 1975, tại đây, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tượng đài Tổ quốc ghi công tại Khu căn cứ Tà Thiết

Tượng đài Tổ quốc ghi công tại Khu căn cứ Tà Thiết

Đoàn thắp hương tại nhà ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Thị Định - nguyên Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền).

Đoàn thắp hương tại nhà ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Thị Định - nguyên Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền).

Một chuyến thăm với quỹ thời gian ngắn, nhưng chúng tôi những người làm báo của 3 miền Bắc - Trung - Nam được trải nghiệm và cảm phục sự dấn thân, của những vị lãnh đạo cách mạng tiền bối. Ngày nay, di tích vừa là "địa chỉ đỏ" có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng, vừa là điểm đến du lịch lý tưởng của du khách – chị Xuân cho biết.

CÔNG NAM

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ve-binh-phuoc-den-tham-dia-chi-do-123175.html
Zalo