VDSC: Không có cả triển vọng tăng giá mạnh và rủi ro giảm giá mạnh cho TTCK tháng 5
Khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông đi qua, nhóm phân tích VDSC không kỳ vọng có động lực mạnh mẽ trong tháng 5. VDSC kỳ vọng thị trường vẫn duy trì xu hướng chính là đi ngang, với VN-Index dao động trong vùng 1.020-1.080 điểm.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 5 vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng thị trường trong tháng 4 đã không diễn biến tích cực bất chấp một loạt các hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như giãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu, và cho phép các NHTM mua lại trái phiếu doanh nghiệp không niêm yết… cùng với việc giảm lãi suất điều hành, tỷ giá ổn định…
Theo VDSC, diễn biến này cho thấy tâm thận trọng vẫn còn bao trùm thị trường khi mà chặng đường phía trước còn nhiều biến số khó lường như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết hay hệ lụy từ quá trình tăng lãi suất gấp rút của các NHTW lớn trong hơn một năm qua (suy thoái kinh tế, sự đổ vỡ ngân hàng).
Cụ thể, VN-Index giảm 1,46% trong tháng 4, đóng cửa tháng ở mức 1.049,12 điểm. Trong đó, các cổ phiếu Bluechip trong rổ VN30 (-2,07%) đóng góp nhiều nhất vào mức giảm của VN-Index. Ngược lại, VNSMALL Index và VNMID Index đã có một tháng giao dịch tuyệt vời với mức tăng đáng kể lần lượt là 5,8% và 2,4%.
Trong tháng, thị trường chứng khoán Việt Nam bị rút ròng 108 triệu USD và nằm trong danh sách bị vốn ngoại rút ròng hàng đầu châu Á cùng Thái Lan với 231 triệu USD và Đài Loan (Trung Quốc) với 2.553 triệu USD.
Nhìn tổng thể 4 tháng đầu năm 2023, TTCK gần như diễn biến đi ngang trong biên độ khá hẹp. So với vùng đáy (1.005 điểm) và đỉnh (1.120 điểm) thiết lập trong tháng 1 và tháng 2, nhóm chuyên gia cho rằng mức dao động của chỉ số thậm chí đã thu hẹp hơn nữa trong những tuần cuối quý I và đầu quý II/2023.
Thanh khoản quý I/2023 duy trì ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm 2022 và đang có sự cải thiện nhẹ trong tháng 4. Diễn biến này cho thấy chiến lược giao dịch phòng thủ vẫn đang được ưu tiên, đặc biệt sau năm 2022 tổn thất nặng nề và triển vọng kinh tế trong ít nhất nửa đầu năm 2023 chưa có nhiều điểm sáng.
Dù vậy, theo VDSC, điểm tích cực của giai đoạn này là mặc dù chỉ số chỉ dao động trong khung điểm hẹp, các cơ hội giao dịch ngắn hạn (dưới một tháng) vẫn luôn hiện hữu, luân chuyển giữa các nhóm ngành/ cổ phiếu có câu chuyện (1) Giải ngân đầu tư công, (2) Điểm trũng về sản xuất kinh doanh đã tạo đáy, thể hiện qua mức lỗ ròng cao trong quý IV/2022 hay quý I/2023, và (3) Kỳ vọng các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Dự báo thị trường tiếp tục đi ngang trong tháng 5
Khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông đi qua, VDSC không kỳ vọng có động lực mạnh mẽ cho TTCK trong tháng 5. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại là một điểm tựa vững chắc với dư địa để NHNN thực hiện thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa khi lạm phát vẫn đang thấp; tỷ giá được kỳ vọng tiếp tục ổn định và thặng dư thương mại được duy trì; tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm.
“Mặc dù vậy, cần thời gian để những tác động của những chính sách này bắt đầu “ngấm” vào các hoạt động kinh tế. Do đó, thị trường vẫn duy trì xu hướng chính là đi ngang trong tháng 5, dao động trong vùng 1.020-1.080 điểm. Dài hạn hơn, xu hướng đi ngang có thể duy trì cho đến khi có những tín hiệu khởi sắc hơn từ các động lực tăng trưởng kinh tế như hoạt động xuất khẩu, nhu cầu tín dụng hồi phục, và giải ngân vốn đầu tư công”, báo cáo thị trường tháng 5 của VDSC đánh giá.
Cùng đó, nhóm phân tích cho rằng việc định giá P/E tăng lên sau mùa báo cáo tài chính quý I/2023 sẽ hạn chế dư địa tăng của thị trường trong ngắn hạn. Và thực tế, yếu tố cơ bản này dường như đã khiến tâm lý giao dịch trên thị trường trở nên thận trọng hơn kể từ giữa tháng 4. Chưa kể tới những biến số vĩ mô có thể chưa khởi sắc ngay sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của quý tiếp theo. Do đó, VDSC không kỳ vọng vào một đợt tăng giá mạnh của thị trường trong tháng 5.
Dù không kỳ vọng một đợt tăng giá mạnh, VDSC cũng cho rằng rủi ro giảm mạnh là tương đối hạn chế khi định giá P/E 2023F (ước tính dựa trên kế hoạch kinh doanh) vẫn còn tương đối an toàn. Ngoài ra, kỳ vọng rằng NHNN sẽ thực hiện thêm một đợt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, khi có yếu tố nội tại (lạm phát thấp) cũng như từ bên ngoài (các NHTW lớn đang ở chu kỳ cuối của quá trình tăng lãi suất) đang khá thuận lợi.
Nếu kỳ vọng này diễn ra, nhóm phân tích kỳ vọng thị trường có thể có nhịp tăng ngắn do nhờ yếu tố tâm lý. Nhưng để có thể bắt đầu xu hướng tăng bền vững hơn, điều quan trọng là lợi nhuận doanh nghiệp cần có sự cải thiện dần trở lại trong thời gian tới. Những tín hiệu tích cực từ sự cải thiện của cầu tín dụng khi chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN thực sự phát huy tác dụng hay của chỉ số PMI có thể sẽ là những chỉ báo sớm cần chú ý trong giai đoạn phục hồi phía trước.
Nửa cuối 2023: Cơ hội trong những nhịp điều chỉnh
Thống kê lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ quý I/2023 và kế hoạch 2023 của 732 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết trên cả 3 sàn, chiếm khoảng 64% tổng vốn hóa toàn thị trường, VDSC chỉ ra rằng, một mặt, các tổ chức niêm yết đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, phù hợp với các điều kiện vĩ mô còn bất định bởi sự phụ thuộc vào hiệu quả của các gói chính sách hỗ trợ và mức độ phục hồi của kinh tế thế giới. Cụ thể, ước tính tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của các tổ chức niêm yết thống kê ước giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lợi nhuận sau thuế cả năm được đặt kế hoạch tăng trưởng khoảng 7%.
Với số liệu lợi nhuận sau thuế của quý I/2023 suy giảm cùng với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, nhà điều hành và cả doanh nghiệp niêm yết đã nhận diện những thách thức vĩ mô có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ổn định của doanh nghiệp. Khá nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch giảm nợ vay, thay vì tăng vốn và mở rộng kinh doanh. Đồng thời, các nhà điều hành cũng đã liên tục có những điều chỉnh về mặt quy định, chính sách theo hướng khơi thông thanh khoản và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt khi những tháng cao điểm đáo hạn trái phiếu đang đến gần.
Nhìn về nửa sau của năm 2023, VDSC kỳ vọng các Thông tư 02 về cho phép cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 03 về việc cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu chưa niêm yết, hay các đề xuất giảm thuế VAT, giải pháp mới cho gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sẽ dần phát huy tác dụng.
Cùng đó, mặt bằng lãi suất vay thực trong nền kinh tế cũng từng bước giảm theo xu hướng giảm của lãi suất huy động; từ đó góp phần đáng kể vào khả năng phục hồi của các ngành nghề kinh doanh.
Trong sự vận động đó, nhóm phân tích kỳ vọng điểm số thị trường vẫn dao động trong kênh giá hẹp, và sẽ cải thiện tích cực hơn khi bức tranh kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có những tín hiệu khởi sắc rõ ràng hơn.
“Về chiến lược đầu tư, sẽ là hợp lý hơn nếu nhà đầu tư đặt kỳ vọng của mình với khung thời gian dài hơn, từ 3-6 tháng trở lên. Đồng thời, cơ hội tái cấu trúc danh mục cũng như giảm giá vốn danh mục đầu tư vẫn luôn xuất hiện tại những điểm thấp và điểm cao của thị trường. Những thời điểm thị trường đi xuống trong tháng 5 sẽ là những điểm mua tiềm năng đối với cả nhà đầu trung dài hạn và cả nhà đầu tư ưa thích giao dịch”, VDSC khuyến nghị.