VDSC: Áp lực tỷ giá không còn lớn
VDSC cho rằng áp lực về tỷ giá đã không còn quá lớn nên Ngân hàng Nhà nước có thể tập trung vào mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước.
Trong báo cáo phát hành ngày 25/9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tháng 9/2024 là thời gian diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu. Tuy nhiên, phản ứng của các đồng tiền sau cuộc họp chính sách không thực sự mạnh mẽ.
Chỉ số đồng đô la (DXY) đang giao dịch theo xu hướng không rõ ràng xoay quanh ngưỡng 100 kể từ sau quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed sau cuộc họp tháng 9. Kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngay sau đó cũng không giúp định hình sự thay đổi rõ nét trong diễn biến cặp tỷ giá USD/JPY. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá bất chấp triển vọng không khả quan của kinh tế Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây tuyên bố một loạt chính sách nới lỏng tiền tệ mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
So với cuối tháng 8, chỉ số DXY giảm thêm khoảng 1,2%. Ngược lại, hầu hết các đồng tiền khác đều tăng giá so với đồng USD nhưng với mức độ khác nhau. Đồng Yên Nhật và Nhân dân tệ Trung Quốc lần lượt tăng 2% và 1,1% so với đồng USD trong tháng 9/2024.
Đơn vị phân tích đánh giá, diễn biến trên cho thấy phản ứng của các cặp tỷ giá thường đi trước hành động của các ngân hàng trung ương, cũng có thể do thị trường đã “phản ánh” trước những kỳ vọng về việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Biến động về tỷ giá thường mạnh mẽ khi thị trường bị “bất ngờ” trước những điều chỉnh chính sách như trường hợp phản ứng của cặp tỷ giá USD/JPY sau quyết định nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật vào tháng 7.
Theo tuyên bố của Fed sau cuộc họp tháng 9/2024, các bước cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, đặc biệt là những thay đổi trên thị trường lao động. Theo đó, triển vọng kinh tế Mỹ có thể tiếp tục là động lực chính cho xu hướng chung của USD. Tuy nhiên, VDSC lưu ý rằng bầu cử Mỹ đang tiến gần, những quan ngại về chính sách của ông Trump có thể thúc đẩy lạm phát, khiến cho kỳ vọng về lộ trình cắt giảm lãi suất và đồng USD thay đổi.
Đối với trong nước, VDSC cho biết tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm về mức 24.605 đồng/USD tại ngày 24/9, giảm 1% so với cuối tháng 8. Tỷ giá tham chiếu khác trên thị trường chính thức là tỷ giá USD/VND tại VCB (chiều bán) cũng đã giảm về mức 24.770 đồng/USD tại ngày 24/9, tương đồng với mức giảm trên thị trường liên ngân hàng.
Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do ghi nhận mức giảm nhẹ hơn trong tháng qua. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do ở chiều bán dao động quanh mức 25.070 đồng/USD, giảm khoảng 0,5% so với cuối tháng trước. So với đầu năm, tiền đồng chỉ còn mất giá khoảng 1,4% so với đồng USD.
Từ nay đến cuối năm, đơn vị phân tích dự báo tiền đồng sẽ không có áp lực mất giá đáng kể do Fed đã khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nhà điều hành chính sách có thể không mong muốn tiền đồng tăng giá quá mạnh và nhanh khi xuất khẩu vẫn đang là trụ cột của tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản
Theo VDSC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện bơm ròng trên thị trường mở với quy mô giảm so với tháng trước. Tính đến ngày 25/9, NHNN bơm ròng khoảng 26.700 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. NHNN đã ngưng phát hành tín phiếu kể từ 23/8 nên trong tháng 9 chỉ còn khoảng 22.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Trong khi đó, hoạt động của NHNN trên kênh cầm cố tương đối trầm lắng trong ba tuần đầu tháng và chỉ mới đột biến về quy mô vào phiên ngày 24/9-25/9. Lũy kế từ đầu tháng đến nay, NHNN bơm ròng khoảng 4.700 tỷ đồng qua nghiệp vụ mua kỳ hạn.
Lãi suất trên thị trường mở tiếp tục giảm thêm trong tháng qua với mức giảm 25 điểm cơ bản đối với nghiệp vụ mua kỳ hạn về mức 4%/năm, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2024. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm khá nhanh trong nửa đầu tháng và tăng trở lại vào tuần cuối tháng. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm giảm mạnh về mức thấp nhất là 3,21%/năm tại ngày 17/9, cũng là mức thấp nhất được ghi nhận từ đầu tháng 4/2024.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay qua đêm đã tăng trở lại trong các phiên giao dịch gần đây cùng với việc NHNN tăng quy mô cho vay qua kênh cầm cố để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Tại ngày 24/9, lãi suất cho vay qua đêm là 4,22%/năm, cao hơn 20 điểm cơ bản so với cuối tháng 8/2024. Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng không thay đổi nhiều so với cuối tháng trước, riêng lãi suất kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng giảm lần lượt 40 điểm cơ bản và 67 điểm cơ bản so với cuối tháng trước, còn 4,69%/năm và 5,31%/năm.
Theo VDSC, mặc dù tín dụng của nền kinh tế đã phục hồi trong tháng 8, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu tháng 9 vẫn tương đối chậm. Theo NHNN, tín dụng đã tăng tốc từ mức 7,15% so với cuối năm 2023 tại ngày 7/9 lên mức 7,38% tại ngày 17/09. Theo đặc điểm về tăng trưởng tín dụng hàng năm, tín dụng có thể bứt tốc vào tuần cuối tháng của mỗi quý.
Hiện tại, đơn vị phân tích cho rằng áp lực về tỷ giá đã không còn quá lớn nên NHNN có thể tập trung vào mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, cơ chế truyền dẫn lãi suất giữa thị trường 1 và thị trường 2 cùng với chất lượng tăng trưởng tín dụng vẫn là vấn đề cần lưu ý.
Sắp tới, NHNN cũng sẽ đưa ra một số chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi với quy mô dư nợ bị ảnh hưởng ước tính khoảng 116.000 tỷ đồng, xấp xỉ 0,8% tổng dư nợ toàn hệ thống tại thời điểm cuối tháng 6/2024.