VDB cần đổi mới tư duy, nỗ lực sáng tạo để phát triển bền vững
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo, để đảm bảo khung khổ pháp lý cho VDB hoạt động, đưa các quy định cụ thể về VDB khi sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13); đồng thời VDB phải chủ động, đổi mới tư duy, nỗ lực sáng tạo để phát triển bền vững.
VDB có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động
Ngày 25/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành về tình hình hoạt động và dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Báo cáo tại cuộc họp, về tình hình hoạt động của VDB; báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của VDB, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đến thời điểm 20/3, tổng nguồn vốn của VDB là 203.075 tỷ đồng (tăng 1,54% so với cuối năm 2024, giảm 18,3% so với cuối năm 2021), trong đó, vốn chủ sở hữu là 16.616 tỷ đồng, vốn huy động là 78.621 tỷ đồng.
Thời gian qua, nguồn vốn của VDB đã đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ về giải ngân, thanh toán các khoản nợ đến hạn và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc họp với các bộ ngành về tình hình hoạt động và dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam. Ảnh: Trần Mạnh
Cũng tính đến 20/3, tổng dư nợ tín dụng của VDB đạt 161.540 tỷ đồng (giảm 55.542 tỷ đồng so với cuối năm 2021 và tăng 3.308 tỷ đồng so với cuối năm 2024), trong đó dư nợ tín dụng đầu tư đạt 38.380 tỷ đồng.
Trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, VDB đã tích cực triển khai cho vay mới tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP. Cụ thể, tính đến 20/3, VDB đã ký kết 31 hợp đồng tín dụng đầu tư mới với tổng số chấp thuận cho vay là 12.243 tỷ đồng, tổng số vốn giải ngân cho vay là 3.137 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VDB cũng quyết liệt tập trung đôn đốc thu hồi nợ vay. Giai đoạn từ cuối năm 2021 đến nay, đã thu hồi được 33.676 tỷ đồng nợ gốc và 14.946 tỷ đồng nợ lãi, cơ bản đạt được kế hoạch giao hàng năm.
Với sứ mệnh của một ngân hàng đầu tư dài hạn, Ban lãnh đạo VDB đã quan tâm tìm kiếm các chủ đầu tư, chủ động làm việc với các tập đoàn, tổng công ty lớn hợp tác triển khai các dự án trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó, VDB khẩn trương triển khai các giải pháp thu hồi nợ vay. Dự kiến năm 2025, VDB sẽ tiếp tục giảm nợ xấu trên cơ sở quỹ dự phòng rủi ro.
Về triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của VDB.
Báo cáo thêm tại cuộc họp, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam Lê Văn Hoan cho biết, thời gian qua, VDB đã triển khai đồng loạt các giải pháp, rà soát lại kế hoạch cơ cấu lại, thành lập thêm các nhóm chuyên trách về công nghệ thông tin, tổ chức bộ máy và văn hóa doanh nghiệp.
Về cơ cấu bộ máy, VDB sắp xếp tinh gọn 2 đầu mối tại hội sở chính. Với các chi nhánh, VDB đang xây dựng phương án dựa trên tình hình sáp nhập một số tỉnh, thành phố theo hướng không tăng đầu mối chi nhánh (hiện có 30 chi nhánh ở các địa phương).
VDB cần nỗ lực sáng tạo để phát triển bền vững
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ghi nhận, thời gian qua, VDB đã có nhiều cố gắng, hoạt động có chuyển biến tích cực: Nợ xấu giảm 22.015 tỷ đồng (tương đương giảm 43%), chênh lệch thu chi dương 1.642 tỷ đồng, lỗ lũy kế giảm 2.214 tỷ đồng (tương đương 27,98%) so với năm 2021.
Phó Thủ tướng nêu rõ Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cơ cấu lại định hướng hoạt động của VDB giai đoạn 2023 - 2027, quy định định kỳ 1 năm VDB phải có 4 báo cáo về các nội dung quy định trong quyết định. Đến năm 2027 phải tổng kết để cấp có thẩm quyền quyết định mô hình của VDB là chuyển sang ngân hàng thương mại hay vẫn tiếp tục là ngân hàng chính sách.

Đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sử dụng nguồn vốn cấp từ ngân hàng VDB. Ảnh: TL
“Thời gian không còn nhiều, do đó VDB phải có báo cáo cụ thể với Bộ Tài chính. Bộ Tài chính vừa đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước, vừa là đại diện chủ sở hữu, phải thực hiện giám sát, hướng dẫn, lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra đối với VDB. Để đảm bảo khung khổ pháp lý cho VDB hoạt động, những việc chưa chủ động, VDB cần phải tích cực, quyết liệt hơn trong thời gian tới; đưa các quy định cụ thể về VDB khi sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13)” - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Song song với đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo VDB tập trung thực hiện 6 nội dung quan trọng gồm: Cơ cấu lại tổ chức bộ máy tổ chức; hoạt động cho vay mới; thu hồi nợ vay và xử lý nợ xấu; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các công trình trọng điểm; thực hiện kết luận của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước có kiểm toán vào thời gian gần nhất để có số liệu báo cáo Bộ Chính trị về giai đoạn tái cơ cấu của VDB.
Phó Thủ tướng gợi mở, bên cạnh việc tiếp tục triển khai cho vay mới theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP như cho vay nhà ở xã hội, cho vay các dự án trọng điểm quốc gia, VDB cần hướng tới thực hiện cho vay theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; nghiên cứu cơ chế cho vay ủy thác…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo VDB tập trung thu hồi nợ vay, nhất là các khoản nợ xấu kéo dài, khó thu hồi; nghiên cứu nhân rộng mô hình quản lý mới đã thành công; có biện pháp hiệu quả để xử lý cơ sở vật chất dôi dư trong quá trình tái cơ cấu; đề nghị Bộ Tài chính tạo điều kiện cho VDB tham gia phục vụ các dự án ODA.
Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại diện các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của VDB và sửa đổi Luật 69/2014/QH13.
Để định hướng cho hoạt động, ngày 14/2/2025, Hội đồng quản trị VDB đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-NHPT về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của hệ thống.
Nghị quyết nêu rõ, năm 2024, VDB đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Ban hành, sửa đổi hàng loạt văn bản quản trị nội bộ để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động của VDB, đặc biệt là các văn bản về quy trình hướng dẫn cho vay, thẩm định cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, Quy chế xác định và thông báo lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo đối với hoạt động cho vay mới trong năm 2024 và cơ chế bổ sung tiền lương đối với nhân sự thực hiện các hoạt động này, hướng dẫn về công tác tăng trưởng.
VDB khẩn trương khắc phục các tồn tại, sai sót sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tiếp tục nghiên cứu, từng bước thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng hoạt động của VDB trong thời gian tới; chuyển đổi cơ chế tiền lương của VDB và xây dựng cơ chế phân phối lương, thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ trong toàn hệ thống; khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại VDB giai đoạn 2023 - 2027 tại Thông báo số 16/TB-VPCP ngày 14/1/2025 của Văn Phòng Chính phủ.
VDB cũng sẽ nỗ lực, tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước và bước đầu đã ký kết, thực hiện các Hợp đồng tín dụng đầu tư mới đối với các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội và giải ngân cho vay; Công tác đôn đốc, thu hồi nợ gốc lãi đạt kết quả tích cực, tiếp tục duy trì đà giảm nợ xấu; tình hình tài chính đã có cải thiện tích cực…, kiện toàn nhân sự Lãnh đạo VDB, Ban Kiểm soát và Trưởng của một số đơn vị…
Năm 2025, trong bối cảnh dự báo tình hình chung thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, cùng với những khó khăn, thách thức của VDB, toàn thể Lãnh đạo, cán bộ, người lao động trong hệ thống VDB cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản quản trị nội bộ; tiếp tục rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy của VDB cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới và mô hình quản trị rủi ro tín dụng; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao trong năm 2025.
Đồng thời đẩy mạnh cho vay mới tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023, phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 và giai đoạn 2023 - 2027 được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo thêm nguồn lực tài chính tích lũy cho VDB; tập trung cán bộ và nguồn nhân lực cho nhiệm vụ thu hồi và xử lý nợ xấu, phấn đấu đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu của năm 2025 theo lộ trình phê duyệt; xây dựng và thực hiện từng bước kế hoạch hiện đại hóa công nghệ thông tin của VDB đáp ứng yêu cầu quản trị điều hành và quản trị rủi ro cho các hoạt động của VDB; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hạn chế rủi ro trong hoạt động./.