VCCI: Mạng xã hội khó kiểm tra, giám sát người dùng

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định về nghĩa vụ của mạng xã hội trong nước trong việc kiểm tra, giám sát, loại bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm là không phù hợp với mô hình kinh doanh của mạng xã hội.

Còn ý kiến trái chiều về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Còn ý kiến trái chiều về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Bản góp ý của VCCI với Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng gồm nhiều nội dung. Tuy nhiên, VCCI phân tích kỹ về nghĩa vụ giám sát thông tin của người dùng.

Theo đó, tại Điều 26.3.c, Điều 38.4, dự thảo đặt ra nghĩa vụ của mạng xã hội trong nước trong việc kiểm tra, giám sát, loại bỏ thông tin thông tin, dịch vụ vi phạm.

VCCI cho rằng quy định này cần xem xét ở một số khía cạnh. Thứ nhất, quy định này không phù hợp với mô hình kinh doanh của các mạng xã hội. Trong mô hình này, các mạng xã hội chỉ là chủ thể trung gian thực hiện cung cấp nền tảng công nghệ, tạo điều kiện cho người dùng tương tác với nhau trên không gian mạng. Các nội dung trên mạng xã hội do người dùng tạo ra, chia sẻ, điều hướng.

Do vậy, người dùng tự chịu trách nhiệm cho nội dung và hành vi của mình trên mạng xã hội. Việc yêu cầu các mạng xã hội phải giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm, đồng nghĩa với việc phải kiểm soát tính pháp lý của toàn bộ nội dung đăng tải là bất khả thi.

Quy định như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm liên đới với người dùng do không kịp phát hiện nội dung vi phạm pháp luật.

Thứ hai, quy định này sẽ tạo ra gánh nặng tuân thủ rất lớn cho doanh nghiệp. Gánh nặng chi phí trong việc giám sát thông tin sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi tạo ra giá trị cho người dùng và nền kinh tế.

Thứ ba, quy định trên chưa phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Điều 20.2 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định miễn trừ trách nhiệm của các tổ chức tham gia ứng dụng công nghệ thông tin, theo đó các tổ chức này không phải chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân khác, điều tra hành vi vi phạm, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Tương tự, nhiều nước phát triển như: Mỹ, EU, Australia, New Zealand… đều quy định cơ chế miễn trừ “safe harbor” cho các nhà cung cấp dịch vụ trung gian (trong đó có mạng xã hội).

Do vậy, VCC đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Thay vào đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật khác có tính khả thi và phù hợp về mặt chi phí để ngăn chặn các thông tin xấu, độc như bạo lực, khiêu dâm, chẳng hạn bộ lọc từ khóa, hình ảnh.

Tương tự, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 82.3.a dự thảo về nghĩa vụ giám sát, thu thập và phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật ứng dụng của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu. Quy định này không phù hợp, bất khả thi với các doanh nghiệp.

Hơn nữa, quy định này mâu thuẫn với quy định tại Điều 6, Điều 29 Dự thảo Luật Viễn thông về trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin của người dùng; không được theo dõi, giám sát thông tin người dùng.

Liên quan đến các biện pháp, điều kiện quản lý các chủ thể cung cấp thông tin, phân biệt theo loại hình cung cấp. Điều 26 điều chỉnh với các loại hình cung cấp xuyên biên giới và Điều 27 điều chỉnh với các loại hình cung cấp dịch vụ trong nước.

Cụ thể, quy định về cấp phép với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: Doanh nghiệp xuyên biên giới chỉ cần cung cấp thông tin liên hệ, và chỉ cần khi đạt ngưỡng 100.000 lượt truy cập hàng tháng từ Việt Nam;

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện thủ tục thông báo, bất kể quy mô và sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đạt ngưỡng 10.000 lượt truy cập hàng tháng.

Như vậy, ngưỡng quy mô được coi là lớn với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn (chỉ bằng 1/10). Tuy nhiên, vấn đề nội dung xấu của các mạng xã hội xuất phát chủ yếu từ hiệu ứng mạng lưới khi tin giả có thể lan truyền nhanh chóng trong mạng lưới nhiều người dùng. Do vậy, việc quản lý với doanh nghiệp nên phụ thuộc vào số lượng người dùng, mà không nên phân biệt giữa trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, các quy định về lưu trữ thông tin người dùng, phương án dự phòng đảm bảo liên tục… cũng gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh ngược với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường Việt Nam nên cần loại bỏ các quy định này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vcci-mang-xa-hoi-kho-kiem-tra-giam-sat-nguoi-dung-post553681.antd
Zalo